Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) kêu gọi các quốc gia trên thế giới học hỏi về mô hình chống dịch Covid-19 của Việt Nam. (Nguồn: AFP) |
Theo Green Left, khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng Mỹ là quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống Covid-19, thế giới đều lắc đầu ngao ngán do tình hình thực tiễn dịch bệnh tại nước này vẫn chưa có nhiều dấu hiệu tích cực. Trên thực tế, quốc gia đang lặng lẽ là “tấm gương” cho công tác phòng chống dịch Covid-19 lại chính là Việt Nam.
Tính đến ngày 15/5, Việt Nam ghi nhận 312 ca nhiễm Covid-19 nhưng không hề có ca tử vong. Ngoài ra, 83% các ca bệnh đã bình phục. Công tác phòng chống dịch tại Việt Nam đã thành công hơn Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc), vốn được truyền thông quốc tế coi là “hình mẫu”, mặc cho việc Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với dân số 97,3 triệu người và chia sẻ đường biên giới dài 1.400 km với Trung Quốc, nơi xuất phát điểm của đại dịch.
Theo nghiên cứu về phản ứng của Việt Nam với đại dịch công bố ngày 7/4, Viện Chính sách chiến lược Australia (ASPI) kêu gọi các quốc gia trên thế giới học hỏi về mô hình can thiệp của Việt Nam, dựa trên đánh giá rủi ro sớm, giao tiếp và hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ và công dân, kết hợp với phong cách lãnh đạo quyết đoán, thông tin trung thực, chính xác và đoàn kết cộng đồng.
Thành công của Việt Nam cũng được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và Ngân hàng Thế giới (WB) để ý và từ đó đã thu hút được sự chú ý của nhiều tờ báo quốc tế.
Sức khỏe người dân là trên hết
Ông Trần Đắc Lợi, nguyên Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương từ năm 2011-2018 trả lời phỏng vấn với Green Left rằng chính sách của Đảng và Chính phủ Việt Nam là đặt sức khỏe của người dân lên trên hết.
Với phương châm “Chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã có thể huy động sự tham gia tích cực và phối hợp của cả hệ thống chính trị, bao gồm các cơ quan chính phủ, quân đội, công an và người dân để chống lại đại dịch.
“Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu là ngăn chặn bằng được sự lây lan của dịch bệnh trong nước. Do đó, Việt Nam đã áp dụng những biện pháp đóng cửa biên giới phù hợp với tình hình dịch bệnh; kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm tập trung hành khách đến từ các quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng; theo dõi dịch tễ chặt chẽ để xét nghiệm và cách ly tập trung những người có liên quan tới bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19” - ông Trần Đắc Lợi cho biết.
Ngoài ra, tất cả các bệnh nhân đều được điều trị chuyên sâu ở các bệnh viện tốt nhất, chi phí điều trị, xét nghiệm và cách ly đều được miễn phí. Người dân tại các khu vực bị phong tỏa, cách ly tập trung cũng được cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm miễn phí.
Hệ thống y tế Việt Nam đã được huy động đầy đủ và hiệu quả để chống dịch Covid-19. (Nguồn: Reuters) |
Hệ thống y tế hiệu quả
Theo Green Left, hơn 45 triệu người Việt Nam đã thoát nghèo trong giai đoạn 2002-2018, nhưng quốc gia này vẫn phải hứng chịu những hậu quả nặng nề qua nhiều thập kỷ chiến tranh. Việt Nam đã phải tự học cách chống dịch thế nào cho thật hiệu quả với hệ thống y tế không được coi là mạnh so với nhiều nước khác trên thế giới.
Tuy nhiên, tờ báo Australia khẳng định, Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với các dịch bệnh nguy hiểm như SARS (2003) và dịch cúm lợn H1N1 (2009) nên quốc gia này đã có sự chuẩn bị kỹ càng ngay từ những ngày đầu tiên. Theo đó, nhằm đối phó với đại dịch, hệ thống y tế công cộng ở tất cả các cấp của Việt Nam đã được huy động đầy đủ và hiệu quả. Mạng lưới các bệnh viện địa phương đóng vai trò quan trọng để bước đầu xác định và truy tìm các bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 để điều trị và cách ly kịp thời, cũng như cung cấp thông tin cho người dân về đại dịch. Thậm chí, thông tin về dịch bệnh còn đến được với người dân ở những ngôi làng hẻo lánh, xa xôi nhất.
Ngoài ra, theo nghiên cứu của ASPI, từ ngày 9/1-15/3, trung bình một ngày có 127 bài báo về dịch Covid-19 được đăng tải bởi 13 tờ báo mạng hàng đầu Việt Nam, khiến cho tin tức giả, tin đồn không thể nào lan truyền được tại đây. Việt Nam không coi nhẹ dịch Covid-19 chỉ giống như bệnh cúm mùa như một số quốc gia khác.
Những biện pháp này đã bù đắp cho một hệ thống bệnh viện thiếu cân bằng giữa các địa phương. Theo dữ liệu của WB, Việt Nam chỉ có 8 bác sĩ trên 10.000 người dân, thấp hơn rất nhiều so với trung bình của các thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) là 29.
Tích cực viện trợ quốc tế
Green Left nhận định, ông Trần Đắc Lợi hiện đã nghỉ hưu nhưng vẫn tích cực tham gia vào công tác đẩy mạnh đoàn kết quốc tế. Ông đang làm việc tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là Phó Chủ tịch Quỹ Hoà bình và phát triển Việt Nam, thuộc Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO). Ông rất tự hào về sự giúp đỡ của đất nước mình cho các quốc gia khác trong cuộc chiến chống Covid-19.
“Động lực của Việt Nam trong việc hỗ trợ các quốc gia khác dựa trên thực tế rằng đại dịch Covid-19 là mối đe dọa nghiêm trọng, là thảm họa đối với toàn nhân loại, đồng thời là kết quả từ vị thế của Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế cũng như xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc”, ông Trần Đắc Lợi cho biết.
Việt Nam đã gửi tặng khẩu trang và các thiết bị y tế cần thiết khác để đối phó với đại dịch tới nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Pháp, Italy, Nga, Lào, Campuchia… Sự hỗ trợ của Việt Nam không chỉ đến từ cấp Chính phủ, mà còn từ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và các tổ chức của người dân, đặc biệt là từ các tổ chức hữu nghị và đoàn kết của Việt Nam với các quốc gia khác.
Với thế mạnh trong ngành công nghiệp may mặc, Việt Nam hiện đã tăng năng lực sản xuất trong nước lên 7 triệu khẩu trang vải và 5,72 triệu khẩu trang phẫu thuật mỗi ngày. Ngoài ra, Vingroup, tập đoàn công nghệ-công nghiệp-thương mại lớn nhất Việt Nam đã điều chỉnh lại hoạt động của các nhà máy ô tô và smartphone với mục tiêu sẽ sản xuất 55.000 máy thở mỗi tháng.
Việt Nam đang dần mở cửa lại khi số lượng các ca nhiễm Covid-19 mới có chiều hướng giảm. (Nguồn: Zing) |
Dần mở cửa, giữ cảnh giác
Tính đến ngày 18/5, Việt Nam đã ghi nhận 32 ngày liên tiếp không có ca mắc mới Covid-19 ở cộng đồng. Do đó, Việt Nam đã có thể dần mở cửa lại gần như toàn bộ các hoạt động thường nhật (trừ quán bar, karaoke và tụ họp đông người) sau khoảng thời gian giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đề cao cảnh giác do đại dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng ở nhiều nơi trên thế giới. Vì vậy, đất nước Đông Nam Á tiếp tục kiểm tra sức khỏe và cách ly hai tuần đối với tất cả những người nhập cảnh từ nước ngoài, chưa mở lại đường bay quốc tế và sẽ chỉ nối lại các chuyến bay tới các địa điểm nhất định.
Đồng thời, Việt Nam duy trì các biện pháp phòng ngừa cần thiết, như kiểm tra nhiệt độ, rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang khi ra đường hay tham gia giao thông. Nếu “làn sóng thứ hai” của đại dịch có bùng lên, Việt Nam cũng sẽ tiếp tục áp dụng những biện pháp hiệu quả trong thời gian qua và tiếp tục tiến hành những biện pháp cần thiết để chống lại sự lây lan của đại dịch Covid-19.