📞

Báo Bulgaria: Việt Nam - 'Đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh' quyết không lùi bước trước đại dịch Covid-19

20:31 | 22/05/2020
TGVN. Trong bài viết đăng trên báo điện tử baricada.org, nữ nhà báo nổi tiếng Bungari Kadrinka Kadrinova đã chia sẻ những bí quyết của Việt Nam - quốc gia “chiến thắng ba cường quốc” trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. 
Ảnh chụp màn hình.

"Hiện tượng" Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch

Ngày 30/4, Việt Nam kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các hoạt động chào mừng chủ yếu diễn ra trực tuyến, một số ít các hoạt động được tổ chức không được tập trung quá 30 người. Đây là một phần trong các biện pháp hạn chế chặt chẽ của chính quyền nhằm đối phó với đại dịch Covid-19. Ngay từ thời điểm đó, các biện pháp này đã đạt kết quả tích cực với chỉ hơn 250 ca nhiễm và không có ca tử vong nào.

Ngày 19/5, Việt Nam lại có một ngày lễ lớn - kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng vĩ đại và thân yêu nhất của người dân. Lần này, các hoạt động kỷ niệm đã được tổ chức hàng loạt, trong đó có buổi mít tinh lớn tại Hà Nội với sự tham gia của đông đảo lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, hầu hết sự kiện văn nghệ chào mừng được tổ chức ngoài trời để hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Một số biện pháp hạn chế vẫn còn hiệu lực nhưng nhìn chung đa số đã được nới lỏng đáng kể. Cuộc sống đang dần trở lại bình thường. Tất nhiên, chính quyền tiếp tục khuyến cáo người dân làm quen với việc sống chung với virus đồng thời chú ý tự bảo vệ mình.

Mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng, Việt Nam, quốc gia “chiến thắng ba cường quốc”, đã chiến thắng cả đại dịch Covid-19. Đây cũng là món quà đầy ý nghĩa mà Việt Nam dành tặng Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh của người.

Theo thống kê mới nhất, đã 35 ngày liên tiếp tại Việt Nam không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Tổng số ca đến nay là 324, trong đó 184 người bị nhiễm bệnh từ nước ngoài về, 264 người được công bố khỏi bệnh (chiếm 81% số người nhiễm).

Nhà nước tổ chức cách ly và giám sát sức khỏe với 11.326 người từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh. Trong số đó, 8.929 người được cách ly tại những khu cách ly tập trung.

Đến nay, tại Việt Nam chưa có ca tử vong do Covid-19. Trường hợp nguy kịch duy nhất còn lại là một công dân người Anh hiện điều trị tại Bệnh viện nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh (BN91). Các phương tiện truyền thông trên thế giới đang chú ý đến thông tin Việt Nam dự định phẫu thuật ghép phổi cho bệnh nhân này bởi hai lá phổi đã bị tổn thương nặng. Đến nay, chưa có quyết định nào được đưa ra.

Từ tháng 4, khi lệnh giãn cách xã hội được ban bố, rất nhiều doanh nghiệp địa phương đã chủ động chuyển sang sản xuất trang thiết bị y tế. Việt Nam đã gửi nhiều chuyến hàng lớn, đưa trang thiết bị y tế đến nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Nga…

Trong số đó, Bungaria đã 3 lần nhận được viện trợ trang thiết bị y tế của Việt Nam. Đây là biểu tượng của quan hệ hữu nghị và sự ủng hộ của Việt Nam đối với Bungari.

Hiện nay, các nhà sản xuất Việt Nam có công suất khoảng 7 triệu khẩu trang vải và 5,72 triệu khẩu trang y tế mỗi ngày. Tập đoàn tư nhân lớn nhất Việt Nam là VinGroup đã tái cơ cấu dây chuyền sản xuất ô tô và smartphone để sản xuất máy trợ thở với công suất ước tính 55.000 nghìn máy/tháng.

Việt Nam được coi là điểm sáng phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: TL)

Những bí quyết - kịp thời và quyết liệt

Thành công của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-10 gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế, được WHO ghi nhận. Tất cả đều tự hỏi bí quyết của Việt Nam trong đối phó với tình huống khó khăn này là gì?

Phân tích của báo The Nation (Mỹ) nói đến phản ứng rất nhanh nhạy của chính quyền Việt Nam như đóng cửa biên giới với Trung Quốc ngay từ cuối tháng 1, thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt ngay từ khi mới chỉ có 6 bệnh nhân.

Ngoài ra còn những yếu tố khác như sự đồng thuận của người dân, kinh nghiệm của chính quyền, hệ thống y tế qua đại dịch SARS (2013).

Khi đó, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng đã phản ứng nhanh chóng và xử lý tốt đại dịch này. Người dân có thói quen đeo khẩu trang thường xuyên (kể cả khi di chuyển ngoài đường) và chấp hành nghiêm túc các hướng dẫn của chính quyền trong tình trạng khẩn cấp.

Với đại dịch lần này, Việt Nam theo dõi rất sát tình hình tại Vũ Hán từ khi có ca tử vong đầu tiên do dịch Covid-19 (11/1) và gần như ngay lập tức kiểm soát chặt chẽ biên giới đường bộ và đường không. Chỉ 4 ngày sau, khi toàn bộ tỉnh Vũ Hán có thêm 27 ca nhiễm, các chuyên gia Việt Nam đã tổ chức tham vấn với WHO và hướng dẫn biện pháp phòng ngừa cho các Trung tâm kiểm soát bệnh tật.

6 trường hợp đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam xuất hiện ngay sau khi chính quyền Việt Nam vừa triển khai các biện pháp phòng ngừa. Năm người trong số đó là người Trung Quốc đến Việt Nam trong tháng 1 và người còn lại là lễ tân khách sạn nơi có 3 khách Trung Quốc nhiễm bệnh. Ngay lập tức, tất cả những người có tiếp xúc với các bệnh nhân trên được truy tìm và đưa vào cách ly. Ngày 31/1, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 được thành lập do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đứng đầu.

Chính quyền quyết định đóng cửa biên giới với Trung Quốc, tạm dừng tất cả các chuyến bay, đóng cửa toàn bộ trường học. Khi một thị trấn nhỏ gần Hà Nội xuất hiện ca nhiễm mới, toàn bộ thị trấn được cách ly với sự bảo vệ chặt chẽ của quân đội.

Người dân Việt Nam được chính quyền khuyến cáo cài đặt ứng dụng trên điện thoại để theo dõi tình trạng sức khỏe, nhận thông tin hữu ích từ các bác sỹ. Xuất hiện phong trào lan truyền thông tin phục vụ chống dịch trên truyền hình và mạng xã hội.

Để kiểm soát việc triển khai các biện pháp hạn chế, chính quyền đã huy động lực lượng công an, quân đội, thậm chí cả không quân. Tại phát biểu về chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã sử dụng thuật ngữ quân sự “chiến dịch”, gợi nhớ đến chiến thắng chống ngoại xâm của Việt Nam trong quá khứ. Thủ tướng cũng kêu gọi tất cả doanh nghiệp, địa phương trở thành những pháo đài chống dịch.

Các biện pháp này đã cho kết quả tích cực. Đến cuối tháng 2, tất cả 16 ca nhiễm đầu tiên với nguồn gốc lây nhiễm từ Trung Quốc đã được chữa khỏi hoàn toàn. Ngay từ khi đó, toàn thế giới đã chú ý đến “hiện tượng Việt Nam” và bắt đầu tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam trong kiểm soát khủng hoảng.

Tuy nhiên, đến 6/3, “nguồn bệnh từ châu Âu” xuất hiện. Tại một bệnh viện ở Hà Nội, một nữ bệnh nhân trẻ người Việt Nam nhập viện với những triệu chứng nặng. Cô gái này đã đi qua London, Paris, Lombardi và nhập viện vào ngày thứ 5 kể từ khi về nước và đã tiếp xúc với hàng trăm người.

Việt Nam bắt đầu một cuộc chiến mới với việc truy tìm và cách ly tất cả những người từng tiếp xúc với nữ bệnh nhân trên. Chính quyền yêu cầu đóng cửa tất cả các điểm du lịch, hạn chế tuyến đường sắt Hà Nội - Tp. Hồ Chí Minh.

Ngày 20/3, số lượng bệnh nhân đã vượt quá 100 người. Chính quyền tạm dừng tất cả chuyến bay và dừng cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trừ nhân viên ngoại giao và nhân viên công vụ.

Các quán cà phê, nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, massage… đều phải đóng cửa. Thủ đô Hà Nội được xác định là tâm dịch. Tất cả những người đi khỏi Hà Nội đều được khuyến cáo tự cách lý 14 ngày tại nhà. Những trường hợp xác định đã tiếp xúc với người nhiễm bệnh được đưa vào địa điểm cách ly tập trung.

Căn cứ trên kết quả theo dõi và phân tích dữ liệu, các tỉnh thành khác nhau của Việt Nam được xếp hạng theo mức độ nguy cơ và các biện pháp hạn chế được điều chỉnh linh hoạt tương ứng với mức độ này với từng địa phương. Ví dụ, tại TP. Hồ Chí Minh, nơi xuất hiện những bệnh nhân đầu tiên, việc vi phạm các biện pháp hạn chế bị xử phạt nghiêm. Nếu một cá nhân cố ý không đeo khẩu trang và lây nhiễm bệnh (không chỉ Covid-19) cho một cá nhân khác, cá nhân đó có thể bị phạt tù tới 12 năm.

Nghiên cứu kinh nghiệm chống dịch của Việt Nam cho thấy, hầu hết tất cả người dân Việt Nam tuân thủ nghiêm túc biện pháp hạn chế và ủng hộ nỗ lực của chính quyền trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Tất nhiên, vẫn có một số ít người phản đối, những phản ứng tiêu cực này không nhận được sự ủng hộ của xã hội.

Bài báo của The Nation cũng chỉ ra có nhiều lời cáo buộc cho rằng, thành công của Việt Nam là “không đáng tin cậy”, chính quyền Việt Nam “giấu dịch”, “không công bố” đầy đủ số lượng người nhiễm bệnh.

Một trong những tin đồn đó xuất hiện khi tàu sân bay Theodore Roosevelt (Mỹ) cập cảng Đà Nẵng và phát hiện trong đội ngũ của tàu có người nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây là lý do nhiều người cho rằng, thành phố Đà Nẵng đã bị “bao phủ” bởi dịch bệnh nhưng chính quyền không công bố.

Tuy nhiên, theo George Black, tác giả bài báo, lời giải thích hợp lý cho quá trình lây nhiễm của lính Mỹ là do họ đã ở cùng khách sạn với hai du khách người Anh, mang theo virus từ London. Tác giả cũng bổ sung rằng 40 người Việt Nam từng tiếp xúc với các vị khách người Mỹ đã được cách ly và lấy mẫu xét nghiệm. Tất cả đều cho kết quả âm tính.

George Black trích dẫn bài phỏng vấn với giáo sư người Mỹ Todd Pollack, lãnh đạo chương trình hợp tác y tế Việt Nam-Mỹ của Đại học Y Havard có văn phòng tại Hà Nội.

GS Pollack cho biết: “Tôi không thấy có lý do để chúng ta nghi ngờ thông tin của chính quyền Việt Nam vào thời điểm này. Phản ứng của Việt Nam là rất nhanh nhạy và quyết đoán. Nếu dịch bệnh thực sự nghiêm trọng hơn thông tin chính thức, chúng ta đã thấy số lượng bệnh nhân được chuyển đến các bệnh viện chuyên khoa tăng nhanh. Nhưng điều đó hoàn toàn không có”.

Phản ứng của Việt Nam đối với đại dịch Covid-19 là rất nhanh nhạy và quyết đoán. (Nguồn: Financial Times)

Hun đúc niềm tự hào dân tộc

Từ ngày 16/4 đến nay, không có ca lây nhiễm mới nào trên lãnh thổ Việt Nam được phát hiện. Đây là cơ sở để chính quyền bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế từ ngày 22/4.

Ngay từ lúc đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, con đường trở lại bình thường không thể thiếu ý thức, nỗ lực phòng ngừa dịch bệnh của người dân, xã hội và cả chính quyền. Không được phép để xảy ra bất kỳ một sai lầm nào khiến dịch bệnh bùng phát trở lại trên đất nước.

Đây không chỉ là lời nói suông. Mặc dù tình hình hiện tại rất thuận lợi, chính quyền Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng cho làn sóng dịch bệnh thứ hai (nếu có).

Bên cạnh việc khởi động lại các hoạt động sản xuất (rất nhiều trong số đó là doanh nghiệp tư nhân, tình nguyện chấp hành các lời kêu gọi của chính quyền, thể hiện trách nhiệm với quốc gia dân tộc), chính quyền cũng đã nhanh chóng đầu tư xây dựng thêm cơ sở y tế. Một trong số đó đã hoàn thành tại TP. Hồ Chí Minh với 300 giường, 10 phòng hồi sức tích cực với đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết.

Chắc chắn Bác Hồ, người đã dẫn dắt dân tộc qua những cuộc chiến khó khăn, sẽ rất tự hào với thành tích của Việt Nam trong chiến dịch chống Covid-19.

Sinh ngày 19/5/1890, Hồ Chí Minh không chỉ là nhà tư tưởng, lãnh tụ của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc mà còn là một người mang đậm tính cách Việt Nam. Bác là người cởi mở với thế giới, với các nền văn hóa khác nhau (ông đã từng có nhiều năm sống ở châu Âu, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và các nước châu Á khác, biết nhiều thứ tiếng).

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khiêm tốn (ngay cả khi đã là Chủ tịch nước ông vẫn sống trong một ngôi nhà nhỏ bằng gỗ đằng sau Phủ Chủ tịch) và là người có tài văn chương (các bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” của Bác đã khích lệ các thế hệ đi sau trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc).

Mục tiêu cả đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng Việt Nam khỏi tất cả sự nô dịch từ nước ngoài, thống nhất hai miền Nam - Bắc. Đáng tiếc rằng, Bác đã không thể đợi đến ngày 30/4/1975 để chứng kiến ngày thống nhất. Người mất đúng vào dịp kỷ niệm Ngày độc lập (2/9/1969). Sau khi Việt Nam thống nhất, năm 1976, Sài Gòn đã được đổi tên thành TP. Hồ Chí Minh để tưởng nhớ ông.

Bác Hồ đã từng thăm chính thức Bungaria năm 1957. Cuộc đời Bác đã truyền cảm hứng cho nhiều cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Ở bất kỳ đâu, Bác cũng được đón tiếp với tình thân ái.

Vào dịp 100 năm ngày sinh Hồ Chí Minh (1890-1990), UNESCO đã xây dựng một chương trình quốc tế đặc biệt để kỷ niệm, tưởng nhớ các di sản chính trị, văn hóa và văn học của ông.

(theo ĐSQ Việt Nam tại Bulgaria)