Nhỏ Bình thường Lớn

Báo Nhật: Tại sao Việt Nam thay đổi cách tiếp cận với sự tái bùng phát Covid-19?

TGVN. Theo tờ Nikkei Asia Review, cách tiếp cận của Việt Nam để đối phó với sự tái bùng phát của dịch Covid-19 hiện nay khác hẳn với biện pháp giãn cách trên toàn quốc được áp đặt hồi tháng 4 khi dịch bệnh mới bùng phát ở nước này.
TIN LIÊN QUAN
Bệnh nhân 431 tử vong vì viêm phổi nặng do mắc Covid-19, suy thận mạn giai đoạn cuối
Cuộc chiến chống Covid-19 và vũ khí được mong chờ mang tên ‘vaccine’
4851-3515-viet-nam-quoc-gia-chien-thang-hiem-hoi-thoi-dai-dich-2
Khá nhiều người Việt Nam sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân của mình để phòng tránh sự lây lan của Covdi-19. (Nguồn: Reuters)

Chính phủ Việt Nam đã đề nghị chính quyền các địa phương phong tỏa có mục tiêu để khống chế dịch bệnh nhằm duy trì hoạt động của nền kinh tế.

Quyết tâm đạt mục tiêu kép

Theo bài báo trên Nikkei Asia Review, Đà Nẵng - một thành phố ven biển ở miền Trung Việt Nam đã trở thành tâm điểm của làn sóng lây nhiễm hiện nay, vốn bắt đầu từ cuối tháng 7 khi phát hiện một ca lây nhiễm trong cộng đồng và điều này đánh dấu sự kết thúc của chuỗi 99 ngày không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Các tờ báo điện tử trong nước đã đưa tin về một “khu vực” bị phong tỏa ở hai thành phố này. Các cư dân trong các khu vực bị phong tỏa được yêu cầu tự cách ly, trong khi các cửa hàng, quán bar và các cơ sở kinh doanh khác được đề nghị đóng cửa.

Trong cuộc họp trực tuyến ngày 9/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị tất cả các bộ và chính quyền địa phương cách ly các khu vực có người nhiễm Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội để dập dịch “với quyết tâm đạt được hai mục tiêu: kiểm soát dịch bệnh và duy trì tăng trưởng kinh tế”.

Khi dịch Covid-19 bùng phát lần đầu tiên ở Việt Nam sau khi xuất hiện ở nước láng giềng Trung Quốc, Việt Nam đã công bố đại dịch trên toàn quốc vào ngày 1/4, cùng với việc thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trên khắp đất nước và đóng cửa biên giới. Gần 4 tuần sau đó, Việt Nam đã dỡ bỏ tất cả các hạn chế này.

Hành động nhanh chóng của Việt Nam đã tạo ra câu chuyện thành công trong việc kiểm soát dịch bệnh, nhưng cũng phải hy sinh tăng trưởng kinh tế. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế theo hướng xuất khẩu này chỉ tăng 0,36% trong quý II/2020, giảm mạnh so với 3,8% trong quý trước đó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP thực tế của Việt Nam sẽ giảm xống 2,7% trong năm 2020 so với mức tăng 7% trong năm ngoái.

Phát biểu tại cuộc họp hôm 9/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Các địa phương không áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội phải cố gắng đảm bảo các hoạt động sản xuất - kinh doanh”.

Trước đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, khẳng định, Việt Nam sẽ không thực hiện giãn cách xã hội trên toàn quốc một lần nữa: “Chúng ta phải phong tỏa theo khu vực, càng nhỏ càng tốt. Các địa phương bên ngoài khu vực bị phong tỏa phải thích ứng với giai đoạn bình thường mới để phát triển”.

Lựa chọn tốt nhất

Theo Nikkei Asia Review, trong đợt lây nhiễm thứ nhất, Hà Nội nhanh chóng sử dụng biện pháp phong tỏa toàn bộ, phần nào gây tổn thương cho nền kinh tế. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm đó, Hà Nội đã rút ra bài học để kiểm soát và cô lập dịch bệnh ở các khu vực nhỏ hơn một cách hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế và doanh nghiệp. Việc cách ly hoặc phong tỏa khu vực nhỏ sẽ là lựa chọn tốt nhất cho Việt Nam hiện nay.

Theo cách tiếp cận hiện nay của Việt Nam, người dân được yêu cầu hợp tác hoàn toàn với chính quyền khi một ca nhiễm mới được phát hiện ở một khu vực nhất định. Thông tin cá nhân của bệnh nhân đó bao gồm mã số bệnh nhân, giới tính, tuổi, địa chỉ và lịch sử di chuyển trong vòng 14 ngày sẽ được công khai để tránh sự lây lan của virus.

Khá nhiều người Việt Nam sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân của mình. Sau đợt phong tỏa toàn quốc lần trước, họ cho rằng cách tốt nhất để bảo vệ cộng đồng là để cho người khác biết nguy cơ lây nhiễm tiềm tàng.

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sử dụng công nghệ kỹ thuật số để khống chế dịch bệnh. Theo VNExpress, hàng triệu người Việt Nam gửi các tin nhắn tới các đầu số của cơ quan y tế để cập nhật tình hình dịch bệnh và yêu cầu những người đã từng tới Đà Nẵng hoặc có tiếp xúc với những người đã từng tới thành phố này báo cáo về tình hình sức khỏe của mình.

Trao đổi với những người tham dự cuộc họp trực tuyến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, khẩu hiệu hiện nay là “Mỗi người dân là một chiến sĩ. Mỗi nhà, thôn bản, xóm làng, khu phố là một pháo đài chống dịch”.

Covid-19 ở Việt Nam sáng 12/8: Thêm 3 ca nhập cảnh từ Nhật Bản, cách ly theo dõi 134.248 trường hợp

Covid-19 ở Việt Nam sáng 12/8: Thêm 3 ca nhập cảnh từ Nhật Bản, cách ly theo dõi 134.248 trường hợp

TGVN. Bản tin lúc 6h ngày 12/8 của Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống Covid-19 cho biết, đã ghi nhận 3 ca mắc mới ...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không để dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Không để dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên diện rộng

TGVN. Ngày 9/8, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona ...

Theo chân bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào tâm dịch Covid-19 ở Đà Nẵng

Theo chân bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào tâm dịch Covid-19 ở Đà Nẵng

TGVN. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đang cùng nhiều "cánh quân" tinh nhuệ đến chi viện ...

(theo Nikkei Asia Review)