Trong nhiều tháng qua, sự phục hồi kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc đã trở thành tiêu điểm trên khắp thế giới, được coi là một trong các "điểm sáng" hiếm hoi trong nền kinh tế toàn cầu đang chứa đựng nhiều rủi ro.
Sự phục hồi của nền kinh tế số 2 thế giới có ý nghĩa gì đối với các nhà đầu tư toàn cầu?
Các phương tiện hối hả di chuyển trên đường phố Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày đầu năm mới (3/1). (Nguồn: THX) |
Đầu tư ở đâu… ngoài Trung Quốc?
Hiện chưa có một bức tranh tổng thể rõ ràng và đầy đủ. Vẫn tồn tại một số nghi ngờ về môi trường đầu tư và tương lai của nền kinh tế số hai thế giới, đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông nước ngoài. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy, tốc độ phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ấn tượng hơn dự đoán.
Vào tháng 3, chỉ số quản lý mua hàng (PMI), thước đo hoạt động sản xuất của nền kinh tế, đã vượt qua dự báo của một số nhà kinh tế và đạt 51,9, nằm trong phạm vi tăng trưởng tốt. Hơn nữa, chỉ số PMI cho lĩnh vực phi sản xuất đã tăng lên 58,2.
Tuy nhiên, có thể mọi thứ mới chỉ vừa bắt đầu. Sau hai sự kiện quan trọng vừa diễn ra là, Diễn đàn Phát triển Trung Quốc 2023 (CDF) chủ đề “Phục hồi kinh tế: Cơ hội và hợp tác” (25-27/3) và Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2023 (28-31/3) xoay quanh mục tiêu "Đoàn kết hợp tác ứng phó thách thức, mở cửa hòa nhập thúc đẩy phát triển trong thế giới không xác định", Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm khoảng 5% trong năm nay.
Các quan chức các cấp của Trung Quốc đã nhanh chóng hành động nhằm đẩy nhanh hơn nữa quá trình phục hồi kinh tế, với một loạt chính sách mới. Cuối tuần trước, Thứ trưởng Tài chính Zhu Zhongming cho biết, Trung Quốc sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế, bao gồm giảm thuế và phí cho các doanh nghiệp. Việc cắt giảm thuế và phí được mở rộng và tối ưu hóa dự kiến sẽ giảm được hơn 480 tỷ Nhân dân tệ (69,9 tỷ USD) chi phí cho những người tham gia thị trường.
Hơn nữa, trên toàn quốc, nhiều cơ quan trung ương và chính quyền địa phương đồng loạt phát động chiến dịch cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ các doanh nghiệp. Chỉ trong vài ngày qua, chính quyền các tỉnh từ Liêu Ninh ở Đông Bắc Trung Quốc đến Hải Nam ở phía Nam Trung Quốc cùng nỗ lực tổ chức các sự kiện đặc biệt, nhằm tập trung cho mục tiêu này.
Tất cả những điều này cho thấy một bức tranh lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Trong bối cảnh các dấu hiệu phục hồi nhanh chóng gia tăng, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc thêm 0,6 điểm phần trăm lên 5,1% vào năm 2023.
Trong môi trường kinh tế khó khăn như hiện tại, quy mô phục hồi của Trung Quốc trong năm nay được đánh giá nổi bật. Khi tăng trưởng của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) sẽ giảm xuống 4,9% trong năm nay, giảm 0,9 điểm phần trăm so với năm 2022.
Trong khi, nền kinh tế thế giới sẽ chỉ đạt tăng trưởng trung bình 2,2% trong suốt phần còn lại của thập kỷ, theo WB. Vì vậy, từ mọi khía cạnh, sự tăng trưởng của Trung Quốclà điểm sáng cho nền kinh tế thế giới - và là thị trường lý tưởng cho các doanh nghiệp toàn cầu đang tìm kiếm cơ hội phát triển.
Tất nhiên, đó không phải là tất cả. Trong khi Trung Quốc đang trên đà phục hồi ổn định, các nền kinh tế phát triển khác như Mỹ và khu vực đồng Euro (Eurozone) đều đang phải đối mặt với cả sự suy giảm đáng kể và nguy cơ khủng hoảng tài chính và ngân hàng. Trong đó, sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon và một số ngân hàng khác ở Mỹ và sự sụp đổ của Credit Suisse ở Thụy Sỹ đã phơi bày những rủi ro sâu sắc trong hệ thống ngân hàng phương Tây.
Trong khi các quan chức phương Tây đã nhiều lần tuyên bố, một cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn sẽ không xảy ra, thì cũng có thể hiểu được rằng, các nhà đầu tư đang rất lo lắng và họ rất cần các lựa chọn khả thi để giảm thiểu rủi ro ở các nền kinh tế phát triển… Liệu họ có thể tìm thấy những lựa chọn như vậy ở đâu, ngoài Trung Quốc?
Sự đảm bảo từ Bắc Kinh
Trong khi đó, giới truyền thông Trung Quốc cho rằng, truyền thông phương Tây hiện đưa tin không công bằng về nền kinh tế Trung Quốc.
Theo đó, thường chỉ dựa trên các tin đồn mà Bắc Kinh bị cho là ngày càng “thù địch” với các doanh nghiệp nước ngoài và nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang từ bỏ thị trường Trung Quốc. Nhưng họ đã phớt lờ sự gia tăng đều đặn của đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế số 1 châu Á, ngay cả trong thời kỳ khó khăn nhất của dịch bệnh.
Năm 2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc tăng 6,3% lên 1,23 nghìn tỷ Nhân dân tệ (NDT).
“Điều này không giống như một "cuộc di cư hàng loạt của giới đầu tư nước ngoài khỏi Trung Quốc, phải không”? Tờ Global Times đặt câu hỏi, đồng thời cũng lên tiếng phê phán việc, “ngày càng có nhiều lời kêu gọi "tách rời" hoặc "giảm bớt sự phụ thuộc" vào nền kinh tế thứ hai thế giới, từ các quan chức Mỹ và phương Tây khác, thậm chí khẳng định việc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc là không an toàn.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc đã nhấn mạnh sự tương phản trong cách đối xử với doanh nghiệp nước ngoài của hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới, là Mỹ và Trung Quốc. Trong đó, nêu bật "sự khác biệt đáng kể" trong chuyến công du Trung Quốc của CEO Apple Tim Cook và chuyến công tác tới Mỹ của CEO Shou Zi Chew của TikTok. Một bên là bài phát biểu lạc quan và nhiều tràng pháo tay chào đón, ở phía bên kia là nhiều giờ thẩm vấn và một "vở kịch" không vui.
Nêu vấn đề, “điều cần làm rõ ràng là quốc gia nào đang làm cho các khoản đầu tư xuyên biên giới trở nên không an toàn”. Truyền thông Trung Quốc cũng chỉ trích Washington rằng, trong một nỗ lực tuyệt vọng để duy trì sự thống trị toàn cầu đang bị thu hẹp, Mỹ đang gây ra các cuộc chiến về kinh tế hay một ngành nào đó như công nghệ, trên khắp thế giới. Mỹ cũng đang áp dụng các chính sách bảo hộ trong nước, để thúc đẩy các ngành công nghiệp nội địa.
Bên ngoài, họ áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với bất kỳ quốc gia nào mà họ cho là không thân thiện. Tệ hơn nữa, kinh tế Mỹ đang xuất khẩu rủi ro khủng hoảng tài chính ngân hàng ra toàn thế giới.
Nhiều công ty đa quốc gia nhận thức đầy đủ về những gì đang thực sự xảy ra. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào về việc Trung Quốc liên tục mở rộng tiếp cận thị trường và cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp toàn cầu, thì các cuộc gặp mặt trực tiếp với các quan chức Trung Quốc tại hai diễn đàn lớn - Diễn đàn Phát triển Trung Quốc và Diễn đàn Bác Ngao - đã đủ mang lại sự đảm bảo.
Tờ Global Times khuyên rằng, đối với các doanh nghiệp trên khắp thế giới tìm kiếm sự hợp tác đôi bên cùng có lợi, đừng bỏ lỡ Trung Quốc chỉ vì những tranh cãi địa chính trị với Mỹ.