📞
Đảng lãnh đạo bảo đảm quyền con người-nhìn từ đại dịch Covid-19

Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết

Hoàng Hải 16:00 | 16/11/2021
Dịch bệnh đặt con người trước thử thách sinh tử, thì cách tốt nhất để bảo đảm cho người dân thụ hưởng đầy đủ các quyền con người là phải làm sao giữ cho xã hội an toàn trước dịch bệnh.
Ngày 25/6, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. (Nguồn: TTXVN)

Năm 2021, diễn biến đại dịch Covid-19 rất phức tạp trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Trong tình hình đó, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục kiên định mục tiêu “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, kiên trì phương châm “chống dịch như chống giặc”, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân, thực thi những “cách đánh” độc đáo, sáng tạo, từng bước khắc chế “giặc Covid-19”… Tài “cầm lái” của Đảng, thêm một lần nữa được khẳng định.

Là chính đảng duy nhất được nhân dân trao sứ mệnh cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” ngày càng nhuần nhuyễn, đi vào thực chất, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống dịch.

Gần hai năm qua, thế giới bị sốc nặng bởi thảm họa y tế toàn cầu do Covid-19 gây ra. Đại dịch đã cướp đi sinh mệnh của hơn 4,7 triệu người và hàng trăm triệu người bị ảnh hưởng.

Trong bối cảnh đó, quyền được sống, được bảo vệ sinh mạng càng trở nên cấp thiết, đúng như nhận xét của bà Michelle Bachelet, Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc: “Không còn nghi ngờ gì nữa, virus Corona là một phép thử đối với các nguyên tắc, giá trị và tính nhân văn”.

Để phòng, chống dịch Covid-19, Việt Nam đề ra “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, nhưng việc thực hiện “mục tiêu kép” lại luôn đặt việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết.

Bằng chứng là, năm 2020, trong khi các nước khác chần chừ, còn đong đếm lợi ích kinh tế với phòng, chống dịch bệnh, thì Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố rất dứt khoát: "Việt Nam chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”. Tuyên bố trên đã thể hiện rõ bản chất vì người dân, vì con người của Nhà nước, chế độ ta. Từ đây, một loạt các chính sách được ban hành mà mục tiêu hướng tới là bảo đảm sức khỏe nhân dân.

Sáng 11/8, Chính phủ khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới dự phiên họp. (Nguồn: VGP)

Điển hình là Việt Nam đã quyết định bổ sung Covid-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Theo đó, những người nhiễm bệnh sẽ được khám và điều trị miễn phí trong khi công dân nhiều quốc gia trên thế giới phải tự chi trả mọi chi phí điều trị Covid-19.

Từ tháng 3/2000, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cùng chung sức, hợp lực trong trận chiến chống dịch Covid-19. Nhờ có các biện pháp tổng lực, năm 2020, thế giới ghi nhận Việt Nam là quốc gia đi đầu trong phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá: Năm 2020, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa; sự lãnh đạo nhạy bén, đúng đắn của Đảng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời của Chính phủ; sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của cả hệ thống chính trị; sự đồng tình, hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, chúng ta đã kịp thời khống chế, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong cộng đồng; hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh, nỗ lực hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020.

Cuối tháng 4/2021, biến chủng Delta xuất hiện khiến dịch Covid-19 lan mạnh, gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có Việt Nam. Ngày 29/7/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi (lần thứ 2) và nhấn mạnh: “Hiện nay, tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống. Với tinh thần "chống dịch như chống giặc", bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tha thiết kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài: “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng. Tôi yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này”.

Chiều ngày 6/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp khẩn cấp để cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội. (Nguồn: TTXVN)

Trước đó, Nghị quyết số 30 của Quốc hội để đề ra một loạt các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19, trong đó đáng chú ý là cho phép Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Thực tế cho thấy, trong hơn một ngày nghiên cứu, vào đêm 6/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp khẩn cho ý kiến thông qua và Chủ tịch Quốc hội đã ký ban hành Nghị quyết 268 để Thủ tướng Chính phủ kịp ký ban hành Nghị quyết số 86 về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Nghị quyết đưa ra nguyên tắc và mục tiêu tối thượng là đặt tính mạng, sức khỏe của Nhân dân lên trên hết, trước hết, từng bước kiểm soát được tình hình dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Trong nghị quyết này, Chính phủ đề 6 giải pháp chiến lược.

Thực hiện việc cách ly, giãn cách xã hội nhanh nhất có thể, ở phạm vi nhỏ nhất có thể với các giải pháp linh hoạt, mềm dẻo.

Xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của virus để phát hiện F0, kịp thời phân loại, cách ly, theo dõi, điều trị phù hợp, hiệu quả.

Điều trị tích cực, kịp thời, từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở cho bệnh nhân Covid-19.

Thực hiện chiến lược vaccine căn cơ, an toàn, hiệu quả.

Tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, nhất là trong việc chủ động, tự giác thực hiện, chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch cơ bản, lâu dài.

Bảo đảm an sinh xã hội kịp thời, đúng đối tượng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Từ chủ trương này, liên tục trong những ngày qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra, đốc thúc tình hình phòng, chống dịch.

Thủ tướng đã quyết liệt phê bình những cá nhân, tập thể lơ là, thiếu trách nhiệm và sáng tạo. Ở những nơi nguy cơ dịch lây nhiễm nhanh, Thủ tướng đã kịp thời chỉ đạo các giải pháp tăng cường lực lượng và nguồn lực y tế để dập dịch. Tỉnh đến thời điểm này, dịch Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương phía Nam đã được khống chế.

Mới đây, Viện nghiên cứu thị trường Latana đã thực hiện một cuộc thăm dò dư luận, đánh giá sự hài lòng của người dân với công tác phòng chống dịch Covid-19 ở 52 quốc gia và được nhiều trang báo của Đức đăng tải. Theo đó, có 96% số ý kiến công dân được hỏi hài lòng với công tác phòng, chống đại dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam, trong khi tỷ lệ này các quốc gia còn lại thấp hơn rất nhiều.

Kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở Việt Nam đã cho kết quả tốt. Nhiều địa phương đã khống chế dịch rất kịp thời, như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương...

Một trong những bài học được Đảng ta rút ra: “Từ thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19, muốn thành công phải khơi dậy được tinh thần đoàn kết, nhân ái của nhân dân cả nước, cộng đồng doanh nghiệp, cùng chung tay hành động, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân và các giá trị văn hóa dân tộc ta”.

Đảng ta cũng xác định phải: “Tập trung nâng cao năng lực, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; có giải pháp chính sách khắc phục tác động của dịch bệnh Covid-19, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế; xây dựng các mô hình phát triển mới, tận dụng tốt các cơ hội thị trường và xu hướng chuyển dịch đầu tư, sản xuất trong khu vực, toàn cầu”.

Bài học dựa vào dân vào cộng đồng để chống dịch là những cách mà có lẽ chỉ Việt Nam làm được. Phát biểu chỉ đạo trong cuộc họp khẩn ngay bên lề Đại hội XIII vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị học tập cách làm ở thành phố Hải Phòng: “Chúng ta phải phát động lại việc đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, như kinh nghiệm của Hải Phòng huy động 30.000 người dân tham gia các tổ chống dịch cộng đồng”.

Khi Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra, thông tin tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh trở thành điểm nóng dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã mở cuộc họp khẩn ngay tại địa điểm diễn ra đại hội. Thủ tướng chỉ đạo: “Chúng ta phải công khai nhưng không được để nhân dân lo lắng hoang mang, bằng cách phổ biến kịp thời những biện pháp quyết liệt, cụ thể của Ban chỉ đạo, của Chính phủ, của Bộ Y tế. Chúng ta cần phải kiên quyết hơn, dứt khoát, mạnh mẽ hơn trong phòng, chống dịch”.

PGS, TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định: “Sự khác biệt của Việt Nam với thế giới trong phòng, chống dịch Covid-19 chính là sự lãnh đạo tài tình của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhờ sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, thống nhất, chỉ đạo quyết liệt và xuyên suốt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của các cấp ủy đảng với sự nỗ lực triển khai của chính quyền các cấp, chỉ đạo xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã từng bước chiến thắng trong cuộc chiến với “giặc”.

Với Việt Nam, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển; mọi chủ trương, đường lối đều lấy người dân làm trung tâm, lấy việc đáp ứng ngày càng tốt hơn những nhu cầu chính đáng của nhân dân là mục tiêu.

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (3/2/1960), diễn văn nêu rõ: “Đảng vừa lo tính công việc lớn như đổi nền kinh tế và văn hóa lạc hậu của nước ta thành một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến những việc nhỏ như tương cà mắm muối cần thiết cho đời sống hằng ngày của nhân dân. Cho nên Đảng ta vĩ đại vì nó bao trùm cả nước, đồng thời vì nó gần gũi tận trong lòng của mỗi đồng bào ta”.

Dịch bệnh đặt con người trước thử thách sinh tử, thì cách tốt nhất để bảo đảm cho người dân thụ hưởng đầy đủ các quyền con người là phải làm sao giữ cho xã hội an toàn trước dịch bệnh.

Những giải pháp của Chính phủ, Quốc hội trong phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua đã chứng minh cho mục tiêu tối thượng của Đảng là luôn đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết. Đại dịch Covid-19 chính là bằng chứng sinh động thêm một lần nữa khẳng định sự ưu việt của Đảng Cộng sản Việt Nam.