📞

Bảo vệ trẻ em trước ‘cạm bẫy’ trên Internet: Thực tiễn một số quốc gia

TRÀ LY 15:00 | 20/09/2023
Sự phát triển thần tốc của Internet trong những năm gần đây đã mở ra cho trẻ em những cơ hội lớn để học tập và vui chơi vượt qua các giới hạn vật lý. Tuy nhiên, việc sử dụng Internet với tần suất lớn và không được kiểm soát đã khiến nhiều em trở thành nạn nhân của các hành vi tấn công và lạm dụng trên không gian mạng.

Không dễ để loại bỏ hết các thông tin độc hại, nhưng việc bảo vệ trẻ em trước những “cạm bẫy” trên Internet phải được thực hiện bài bản và rốt ráo, không chỉ để đảm bảo an toàn mà còn giúp các em hình thành những nhận thức đúng đắn sau này.

Không dễ để loại bỏ hết các thông tin độc hại, nhưng việc bảo vệ trẻ em trước những 'cạm bẫy' trên Internet phải được thực hiện bài bản và rốt ráo. (Ảnh minh họa)

Con dao hai lưỡi

Trong đại dịch Covid-19, trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi những rào cản được dựng lên trong thời gian phong tỏa và cách ly. Rất may, Internet và mạng xã hội đã phần nào giúp việc học tập và kết nối của các em không bị gián đoạn.

Dù không được đến trường, các em vẫn có thể tham gia các lớp học trực tuyến, trò chuyện với các bạn và giải trí qua Internet. Đây không chỉ là kho tri thức vô tận để trẻ em chủ động học tập và khám phá, mà còn là một kênh liên lạc hiệu quả, giúp các em duy trì các mối quan hệ, tránh những tổn thương tâm lý cách ly gây ra.

Tuy nhiên, việc trẻ em sử dụng Internet và mạng xã hội thường xuyên hơn trong thời gian đại dịch có thể dẫn đến việc các em trở thành nạn nhân chính của các làn sóng tin giả và các hành vi bạo lực, lạm dụng trên Internet.

Tổ chức theo dõi Internet (IWF) cho biết, kể từ năm 2019, số trang web hiển thị các hình ảnh và video lạm dụng tình dục trẻ em đã tăng 1.058% - một con số cực kỳ đáng báo động. Năm 2020, IWF đã phát hiện hơn 25.000 trang web có chứa nội dung xâm hại trẻ em thuộc loại nghiêm trọng nhất. Con số này đã tăng gấp đôi trong năm 2022 và là mức cao kỷ lục. Báo cáo của IWF cũng chỉ ra rằng, trẻ em càng nhỏ thì mức độ bị lạm dụng càng cao.

Theo số liệu do Trung tâm quốc gia về trẻ em mất tích và bị bóc lột (NCMEC) của Mỹ công bố, trong năm 2010, chỉ có khoảng 1 triệu báo cáo về các tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em được gửi đến Cyber Tipline - trang tiếp nhận các thông báo các vấn đề liên quan về bóc lột tình dục trẻ em trực tuyến. Năm 2019, số báo cáo đã tăng vọt lên 29,3 triệu vụ vào năm 2021 và hơn 32 triệu vụ vào năm 2022.

Lạm dụng tình dục chỉ là một trong những nguy cơ mà trẻ em phải phải đối mặt khi sử dụng Internet. Số liệu khảo sát của UNICEF cho biết hơn 1/3 thanh thiếu niên từng bị bắt nạt trên mạng, trong đó 1/5 tiết lộ có ý định bỏ học vì xấu hổ. Những hành vi như đặt biệt danh, bình luận miệt thị, ghép ảnh với mục đích xấu… ảnh hưởng rất lớn đến trẻ. Không giống như lời nói trực tiếp, những bình luận và hình ảnh bắt nạt thường nhanh chóng lan truyền rộng rãi và được lưu lại trên Internet, khiến nạn nhân có cảm giác không tìm thấy lối thoát.

Ngoài ra, trẻ em cũng là mục tiêu của thông tin độc hại và tin giả. Với bản tính tò mò và ham khám phá, trẻ em thường bị dẫn dụ và thuyết phục bởi những thông tin giả mạo giật gân, độc lạ. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều em trở thành nạn nhân của các trào lưu nguy hiểm. Cách đây vài năm, các trào lưu “thử thách cá voi xanh” và “thử thách Momo” đã dẫn đến hàng trăm vụ trẻ em tự tử thương tâm.

Việc trẻ em tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội hay các trò chơi trực tuyến trên Internet dẫn đến nguy cơ lộ lọt thông tin cá nhân. Kẻ gian dựa vào những thông tin này để đưa ra những quảng cáo bất hợp pháp hoặc không phù hợp nhằm vào trẻ em. Đây có thể là “miếng mồi ngon” cho các đối tượng bắt cóc và buôn bán trẻ em. Bên cạnh đó, sử dụng Internet thiếu định hướng cũng tăng nguy cơ mắc chứng nghiện mạng xã hội, gây thiếu kiềm chế, giảm nhận thức, tâm trạng bất an, ảnh hưởng đến cuộc sống của các em.

Trong số người dùng Internet, trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất do không có hoặc có rất ít kiến thức và khả năng tự bảo vệ bản thân. Trong khi đó, những người gần gũi và chịu trách nhiệm cao nhất với các em là phụ huynh lại không thể kiểm soát triệt để việc sử dụng Internet và mạng xã hội của con em mình.

Mỗi ngày có vô số thông tin được đăng tải lên Internet, hàng triệu hội nhóm và trang web được lập mới. Nếu không được trang bị kỹ năng và thường xuyên giám sát, rất khó để cha mẹ có thể phòng ngừa và ngăn chặn trẻ em truy cập vào các nội dung xấu.

`

Chung tay siết chặt bảo vệ trẻ em trên Internet

Trước những nguy cơ ngày càng gia tăng trên Internet đối với trẻ em, chính phủ các nước đã và đang nhanh chóng thúc đẩy các chính sách nhằm mang lại một không gian mạng an toàn. Mặc dù quy định tại mỗi nước có thể khác nhau, song đều chủ trương tăng cường sự tham gia của phụ huynh trong việc quản lý trẻ em sử dụng Internet và yêu cầu các mạng xã hội, các công ty nội dung trực tuyến tính đến độ tuổi của người dùng trước khi cung cấp dịch vụ.

Mỹ là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành các điều luật nhằm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Ngay từ năm 1998, Quốc hội Mỹ đã thông qua Công ước về bảo vệ quyền riêng tư trên mạng của trẻ em (COPPA). Luật này có hiệu lực sau đó 2 năm và do Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ giám sát thực thi.

Giám đốc điều hành IWF Susie Hargreaves cảnh báo: “Trẻ em đang là đối tượng bị nhắm mục tiêu, tiếp cận, thao túng và lạm dụng của tội phạm ở quy mô công nghiệp. Việc lạm dụng tình dục này thường xảy ra ngay trong nhà và các bậc cha mẹ hoàn toàn không biết những người lạ trên Internet đang làm gì với con mình”.

COPPA là luật liên bang duy nhất của Mỹ nhằm hạn chế các tác động của quảng cáo có chủ đích nhằm vào trẻ em. Theo COPPA, các nhà điều hành trang web bị cấm thu thập thông tin từ trẻ em mà không xin phép và thông báo trước cho cha mẹ.

Năm 2012, COPPA được sửa đổi, bao gồm quy định mới là cấm các công ty sử dụng các nhận dạng kỹ thuật số như cookie, dữ liệu định vị địa lý và bất kỳ thông tin nghe nhìn nào để theo dõi và chạy quảng cáo dựa trên thói quen dùng Internet của trẻ. Luật sửa đổi buộc các công ty xóa dữ liệu thu thập từ trẻ em để phục vụ cho mục đích công nghệ.

Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá COPPA vẫn có một số lỗ hổng, ví dụ như không đưa ra quy định cho việc thu thập dữ liệu của trẻ em từ 13-18 tuổi. Ở cấp độ bang, Mỹ áp dụng cả Đạo luật về quyền riêng tư của người tiêu dùng California (CCPA). Đạo luật này phần nào khắc phục được những hạn chế của COPPA.

Ngoài hai đạo luật hiện hành là COPPA và CCPA, Mỹ cũng đang tích cực xây dựng các luật mới để bảo vệ trẻ em tốt hơn trước những cám dỗ ngày càng tinh vi trên mạng. Đạo luật Thiết kế phù hợp với độ tuổi California (CAADCA), có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, nâng độ tuổi của trẻ em lên 18 tuổi, thay vì 13 tuổi như hiện nay.

Một số nghị sĩ Mỹ đang thúc đẩy Luật An toàn và thiết kế Internet cho trẻ em (KIDS). Dự luật buộc các nền tảng như YouTube hay Tiktok hạn chế quảng cáo và cấm các tính năng tự động phát video tiếp theo trong các nội dung dành cho trẻ em.

Để giải quyết tình trạng phát tán số lượng tài liệu lạm dụng trẻ em trên mạng nhiều nhất khu vực, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành Đạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA), yêu cầu các công ty công nghệ và mạng xã hội phải có nhiều biện pháp hơn nữa để phát hiện và loại bỏ các hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em, đồng thời bảo vệ tốt hơn dữ liệu cá nhân của những đối tượng yếu thế.

Cuối tháng 8/2023 là thời hạn chót để các gã khổng lồ công nghệ hoàn tất điều chỉnh theo DSA. Tiktok vừa thông báo sẽ cho phép người dùng EU tắt tính năng tự động hiển thị nội dung dựa trên sở thích cá nhân và cấm quảng cáo nhằm vào đối tượng từ 13-17 tuổi.

Tại Anh - nơi trẻ em chiếm 1/5 số người dùng Internet, Luật thiết kế phù hợp với độ tuổi được thông qua từ đầu tháng 9/2021, yêu cầu các công ty công nghệ đưa ra các thiết kế, tiêu chuẩn công nghệ phù hợp với trẻ em, tránh sử dụng các thuật toán dẫn đến nguy cơ xâm hại về đời tư và hình ảnh của trẻ em.

Các thủ thuật khuyến khích trẻ em bỏ qua những quy tắc bảo mật hay thu thập dữ liệu về người dùng trẻ tuổi cũng sẽ bị cấm. Nếu không tuân thủ, các hãng công nghệ có thể bị xử phạt tới 4% doanh thu toàn cầu hằng năm. Ngay lập tức các mạng xã hội đã có phản ứng tích cực. TikTok giới thiệu tính năng mới cho phép phụ huynh cài đặt lịch tắt thông báo cho trẻ, theo đó các tài khoản người dùng từ 13-15 tuổi sẽ không nhận được thông báo kể từ 9 giờ tối. Instagram vô hiệu quảng cáo có định hướng nhằm vào người dùng dưới 18 tuổi, còn YouTube tắt tính năng bật tự động với người dùng là trẻ vị thành niên.

Trong khi đó, Pháp bắt buộc tất cả các mạng xã hội phải có chức năng cho phép phụ huynh giám sát hoạt động của trẻ vị thành niên nhằm bảo vệ các em khỏi các nội dung không phù hợp như bạo lực hay khiêu dâm. Các đối tượng đăng thông tin bôi nhọ, sai sự thật trên không gian mạng có thể bị phạt tù 1 năm và phạt tiền lên đến gần 50.000 USD.

Australia là một trong số các nước áp dụng các nguyên tắc nghiêm ngặt nhất về kiểm soát độ tuổi đối trên Internet. Nước này quy định người dùng dưới 16 tuổi tham gia mạng xã hội phải được cha mẹ đồng ý. Các công ty sở hữu mạng xã hội vi phạm sẽ chịu phạt tiền lên tới 7,5 triệu USD, 10% doanh thu hằng năm hoặc gấp 3 lần lợi ích tài chính. Theo luật về quyền riêng tư trực tuyến của Australia, các mạng xã hội và diễn đàn ẩn danh phải thực hiện tất cả các bước xác minh để xác định độ tuổi của người dùng, và ưu tiên quyền lợi của trẻ em khi thu thập dữ liệu.

Ở khu vực châu Á, Trung Quốc là nước mạnh tay nhất trong việc quản lý việc sử dụng Internet của trẻ em. Đầu tháng này, Trung Quốc đã công bố quy định mới, hạn chế người dưới 18 tuổi truy cập vào Internet từ thiết bị di động từ 22h đến 6h hôm sau.

Nước này cũng ban hành hệ thống quản lý thời gian sử dụng điện thoại thông minh: khoảng 40 phút/ngày cho trẻ dưới 8 tuổi cho đến 2 tiếng/ngày cho thiếu niên từ 16-17 tuổi. Các biện pháp này giúp giảm thiểu nguy cơ trẻ em truy cập vào những nội dung không phù hợp, độc hại trong thời gian bố mẹ khó kiểm soát.

Nằm ở khu vực có thị trường Internet bùng nổ nhất thế giới, các nước Đông Nam Á cũng ráo riết thực hiện các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Cuối năm ngoái, Quốc hội Singapore đã thông qua đạo luật Tăng cường an toàn trực tuyến.

Theo đó, các mạng xã hội phải hành động “ngay trong vòng vài giờ” khi nhận được báo cáo từ phụ huynh và học sinh về các nội dung không phù hợp. Trong khi đó, Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ Indonesia đã ký kết một thỏa thuận với Twitter, nhằm nâng cao nhận thức sử dụng mạng xã hội cho học sinh, giáo viên và những người làm công tác giáo dục ở cấp cơ sở.

Trong nhịp phát triển hiện đại, việc ngăn cấm trẻ em sử dụng Internet là điều không thể, thậm chí lợi bất cập hại. Điều quan trọng là tạo cho các em một môi trường mạng an toàn, trang bị cho các em những “bộ lọc” thông tin hữu ích, giúp các em có thể tự bảo vệ bản thân trước các nội dung xấu độc. Cha mẹ phải thực hiện cùng lúc vai trò hướng dẫn và giám sát các hoạt động của con cái mình trên Internet.

Mặc dù, chưa có nước nào đưa ra được giải pháp triệt để nhằm ngăn chặn hoàn toàn các nguy cơ từ Internet. Tuy nhiên, dấu hiệu đáng mừng là các nhà quản lý đang liên tục siết chặt các quy định và chế tài để mang lại một môi trường mạng an toàn và hữu ích hơn cho trẻ em.