Nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên của ông Donald Trump đặt ra rào cản lớn với tiến trình đối thoại hạt nhân giữa nước này và Iran. (Nguồn: Reuters) |
Va chạm nảy lửa
Trong nhiệm kỳ đầu, chiến dịch “gây áp lực tối đa” của chính quyền ông Donald Trump bắt đầu bằng việc Mỹ rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) vào năm 2018. Điều này nhằm gây sức ép kinh tế và chính trị để buộc Tehran tiến tới thỏa thuận hạt nhân mới có điều kiện tốt hơn cho Washington, cũng như ngăn chặn tham vọng hạt nhân, kiềm chế chương trình tên lửa và làm suy yếu ảnh hưởng khu vực của quốc gia Trung Đông.
Iran ký thỏa thuận hạt nhân lịch sử JCPOA với nhóm cường quốc P5+1 (gồm Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) tháng 7/2015, theo đó Tehran nhất trí hạn chế chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt) |
Từ đó, Iran đối mặt với khó khăn ngày càng tăng, khi các lệnh trừng phạt từ Mỹ nhắm thẳng vào các tổ chức quan trọng như Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo và Ngân hàng trung ương Iran.
Năm 2019, Mỹ thậm chí còn liệt một nhánh quân đội Iran vào danh sách “tổ chức khủng bố”. Đỉnh điểm là vào đầu năm 2020, khi tướng Qassem Soleimani bị giết trong một cuộc không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ, làm dấy lên lo ngại leo thang xung đột quân sự giữa hai bên.
Trái ngược với kỳ vọng của Washington, Iran không những rút khỏi nhiều cam kết trong JCPOA, mà còn đẩy mạnh làm giàu uranium nhằm phát triển chương trình hạt nhân. Hoạt động giám sát của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) bị hạn chế nghiêm trọng khi Iran tháo dỡ các thiết bị kiểm tra. Bất chấp lệnh trừng phạt, nền kinh tế Iran vẫn tăng trưởng 3,3% trong năm cuối nhiệm kỳ đầu của ông Trump nhờ nguồn lợi dầu mỏ.
Tóm lại, chiến dịch “gây áp lực tối đa” của Mỹ tuy gây thiệt hại cho Iran nhưng không đạt được mục tiêu dài hạn, thậm chí để lại nhiều thách thức cho chính quyền kế nhiệm. Mỹ hiện đối mặt với một Iran mạnh mẽ hơn về hạt nhân và kiên quyết hơn trong đối đầu với áp lực từ bên ngoài.
Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi (trái) gặp Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araqchi tại Tehran, ngày 14/11. (Nguồn: Reuters) |
Phương Tây can thiệp
Chương trình hạt nhân Iran càng thêm căng thẳng khi vào ngày 20/11, IAEA thông qua nghị quyết do nhóm E3 (Anh, Pháp, Đức) soạn thảo và nhận được sự ủng hộ từ Mỹ. Trong đó, phương Tây lên án Iran vì thiếu minh bạch và không hợp tác đầy đủ với IAEA, đồng thời yêu cầu Tehran phải hành động ngay lập tức và bảo đảm không sản xuất vật liệu hạt nhân. Nghị quyết trên là lần khiển trách chính thức thứ hai của IAEA với Iran trong năm 2024.
Phía Iran khẳng định cam kết hợp tác với IAEA và sẵn sàng giải quyết tranh cãi hiện nay, nhưng sẽ “không khuất phục trước áp lực”, đồng thời lên án nghị quyết này là "chính trị hóa" và "phá hoại", cũng như làm suy yếu các nỗ lực tích cực đã đạt được với IAEA. Bộ trưởng Ngoại giao Iran Araghchi nhấn mạnh, Tehran sẽ có “phản ứng thích đáng” đối với các cường quốc phương Tây đề xuất nghị quyết chống Iran.
Đáng chú ý, trong động thái đáp lại nghị quyết trên, ngày 22/11, Tổ chức năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) đã ban hành “lệnh thực hiện các biện pháp hiệu quả”, trong đó khởi động một loạt máy ly tâm tiên tiến mới, có khả năng sản xuất nhiên liệu hạt nhân cao, khiến mọi nỗ lực giải quyết vấn đề càng trở nên khó khăn.
Máy ly tâm tại cơ sở làm giàu uranium tại Natanz, Iran. (Nguồn: IAEA) |
Tìm kiếm lời giải
Trong suốt nhiệm kỳ đầu và chiến dịch tranh cử, ông Donald Trump phát đi những thông điệp trái chiều về mong muốn của Mỹ với chương trình hạt nhân Iran. Ông vừa khẳng định sẽ ủng hộ quốc gia Trung Đông nếu từ bỏ vũ khí hạt nhân, vừa đe dọa tiêu diệt và xúi giục Israel tấn công cơ sở hạt nhân của Tehran. Bên kia chiến tuyến, Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian đề cao mục tiêu nới lỏng các lệnh trừng phạt và khôi phục nền kinh tế, đồng thời bày tỏ sẵn sàng đối thoại với Mỹ.
Dù lãnh đạo Mỹ và Iran đều có xu hướng tìm kiếm giải pháp cho tình trạng bế tắc hiện tại, nhưng những nỗ lực của họ bị ràng buộc bởi lập trường cứng rắn của những nhân vật chủ chốt trong chính quyền mỗi bên.
Về phía Mỹ, nhiều ứng viên trong nội các mới của ông Trump ủng hộ siết chặt lệnh trừng phạt. Cụ thể, ứng viên Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio có thành kiến xấu với Iran từ lâu và coi nước này là “chế độ khủng bố” do tài trợ cho lực lượng Hamas và Hezbollah, vốn bị Mỹ liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. Khi còn là thượng nghị sĩ, ông Marco Rubio lên tiếng phản đối thỏa thuận hạt nhân giữa hai nước và chỉ trích Tổng thống Joe Biden vì không áp đặt cấm vận dầu mỏ với Iran. Trong khi đó, ứng viên Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz khẳng định mong muốn “khôi phục chiến dịch gây áp lực ngoại giao và kinh tế” đối với Tehran.
Về phía Iran, nhiều thành viên nội các cứng rắn đã chủ trương bài xích hợp tác với Mỹ. Quốc hội Iran đã thông qua “Kế hoạch hành động chiến lược để dỡ bỏ biện pháp trừng phạt và bảo vệ lợi ích quốc gia”, nhằm ngăn chặn việc khôi phục JCPOA. Thậm chí, một số quan chức còn kêu gọi xem xét đảo ngược lệnh cấm vũ khí hạt nhân, khi coi đây là công cụ cần thiết để bảo vệ chủ quyền và củng cố vị thế trong khu vực giữa áp lực bủa vây từ phương Tây.
Có thể thấy, dù lãnh đạo hai nước từng ngỏ ý thỏa hiệp, nhưng lập trường cứng rắn của thành viên nội các mỗi bên đang hạn chế khả năng Mỹ và Iran đạt được đột phá trong đối thoại hạt nhân.