Khatami hay Ahmadinejad? |
Khatami - “Sao” lại sáng?
Tuyên bố tham gia tái tranh cử Tổng thống Iran diễn ra vào tháng 6 tới của cựu Tổng thống Mohammed Khatami, 65 tuổi, đã mở màn cho cuộc chạy đua quyết liệt giữa nhà lãnh đạo dân túy theo đường lối cải cách, vốn coi trọng đối thoại với phương Tây và các nhân vật theo đường lối cứng rắn ở Iran. Quyết định này được xem là một thách thức nghiêm trọng đối với đương kim Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad, người cũng đang tìm kiếm nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai. Tư tưởng chống phương Tây và chủ nghĩa dân tộc của ông Ahmadinejad hoàn toàn trái ngược với giọng điệu ôn hòa kêu gọi đối thoại toàn cầu của ông Khatami.
Mohamad Ali Abtahi, Phó Tổng thống dưới thời Khatami cho rằng: “Người dân cảm thấy cần phải thay đổi chính sách đối ngoại và kinh tế của Tổng thống Ahmadinejad. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cử tri sẽ bỏ phiếu cho ông Khatami vì sự thay đổi”.
Ahmadinejad: “giảm ký”?
Dù nhiều người không ưa tư tưởng chống phương Tây kịch liệt của Tổng thống Ahmadinejad nhưng ông lại khá được lòng công chúng tầng lớp lao động và người dân địa phương. Tuy nhiên trong thời khó khăn do giá dầu biến động bất thường, nhiều người lại nuối tiếc thời điểm nền kinh tế phồn thịnh hơn dưới thời Khatami.
Các chương trình công cộng với khoản đầu tư lãng phí khiến lạm phát leo thang, sức mua của tầng lớp trung lưu giảm đang càng gây khó cho nền kinh tế Iran khi nguồn thu từ bán dầu giảm. Phe cải cách nói, các bài diễn văn về chính sách đối ngoại hiếu chiến của ông Ahmadinejad đã khiến Iran ngày càng bị cô lập. Việc Iran không thuyết phục được các cường quốc về chương trình hạt nhân hòa bình đã dẫn tới ba lệnh trừng phạt của LHQ. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân túy của ông hiện vẫn giành được sự ủng hộ của bộ máy an ninh và các tòa án.
Rào cản khó vượt
Tổng thống Iran không nắm nhiều quyền lực. Tổng thống bổ nhiệm các thành viên nội các và đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao (SNSC), cơ quan hoạch định chính sách ngoại giao. Lãnh tụ tối cao, người nắm quyền suốt đời, có tiếng nói cuối cùng đối với các quyết định của SNSC; đồng thời là tổng tư lệnh lực lượng vũ trang và cảnh sát, đứng đầu Bộ Phát thanh Truyền hình (IRIB) và cũng là người kiểm soát bộ máy tư pháp của đất nước. |
Việc ông Khatami ra tranh cử cũng có thể làm cho những người theo đường lối bảo thủ càng ủng hộ Tổng thống Ahmadinejad. Những người theo đường lối cứng rắn đã viện đến Hội đồng giám hộ - cơ quan giám sát bầu cử có nhiệm vụ xác minh lý lịch của các ứng cử viên - và các thể chế khác mà họ đang kiểm soát để ngăn cản những người theo đường lối cải cách nắm quyền.
Trong bối cảnh đó, khó có thể tin rằng Khatami sẽ tham gia tranh cử nếu không có sự ủng hộ ngầm của Lãnh tụ tối cao Khamenei – người có thể sử dụng quyền lực để không công nhận Tổng thống, ngay cả khi đã có kết quả bầu cử. Giới phân tích cho rằng, kết quả của cuộc bầu cử tới đây sẽ phụ thuộc vào việc Tổng thống Ahmadinejad có tiếp tục được lãnh tụ Khamenei ủng hộ hay không. Trước đây, ông Khamenei từng công khai ca ngợi Tổng thống Ahmadinejad và tiếng nói của ông có thể tác động đến hàng triệu tín đồ Hồi giáo trung thành. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, tuy là người chống phương Tây kịch liệt, nhưng ông Khamenei cũng rất thông minh và thực dụng.
Hơn một thập kỷ qua, ở một mức độ nào đó, đời sống chính trị ở Iran phản ánh những gì đang xảy ra ở Washington. Đáp lại sự khôn ngoan và nhã nhặn của Bill Clinton, người Iran đã bầu ông Khatami. Với chính quyền hiếu chiến của George W. Bush, người Iran “giới thiệu” ông Ahmadinejad. Hiện giờ, để đáp trả Barack Obama, họ cần một “ngôi sao” quốc tế có sức lôi cuốn quần chúng. Đó là sẽ Khatami hay Ahmadinejad?
Châu Long (tổng hợp)