Ngày 30/1, Hải quân Mỹ đưa tàu khu trục mang tên lửa USS Curtis Wilbur đến tuần tra tại khu vực đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa). |
Phát biểu tại Viện nghiên cứu Chiến lược và các vấn đề quốc tế Mỹ (CSIS) tại Washington nhân chuyến thăm Mỹ tháng Hai vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tái khẳng định: “Trung Quốc và ASEAN có đủ năng lực để tự mình duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông”. Điều đó bộc lộ rõ ràng hàm ý mà Trung Quốc đã công khai từ lâu: Các nước ngoài khu vực, đặc biệt là Mỹ, không cần thiết và không nên dính líu vào tranh chấp này.
Tuy nhiên, ngược với mong muốn này của Trung Quốc, từ nửa cuối năm 2015 trở lại đây, căng thẳng trên Biển Đông đã không còn là câu chuyện giữa Trung Quốc và ASEAN. Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, và đặc biệt là Mỹ đã ngày càng thể hiện thái độ rõ ràng và tích cực hơn trong việc tham gia quản trị tranh chấp trong khu vực. Thậm chí có thể nói, câu chuyện Biển Đông đã trở thành vấn đề trực diện giữa Trung Quốc và Mỹ. Nếu ASEAN không tích cực và khéo léo trong vai trò của tổ chức đa phương có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất ở Đông Nam Á, vị trí trung tâm của Hiệp hội trong vấn đề Biển Đông có thể bị thách thức trong vòng xoay vận động chiến lược Mỹ-Trung.
Quá trình hình thành trật tự thế giới mới
Trật tự thế giới trong hơn hai thập kỷ vừa qua thường được gọi tên là “thời kỳ Hậu Chiến tranh Lạnh”. Nói cách khác, “Hậu Chiến tranh Lạnh” là khái niệm chỉ giai đoạn quan hệ quốc tế vận động chưa định hình trật tự sau sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Tuy nhiên, khái niệm này đang đi vào giai đoạn cuối, mở đường cho một giai đoạn mới với trật tự được định hình rõ ràng hơn, có trụ cột là mối quan hệ cạnh tranh cùng tồn tại giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc xây dựng các liên minh cũng như các cơ chế an ninh và kinh tế quốc tế.
Về phương diện kinh tế, tiềm lực dồi dào hiện nay cho phép Trung Quốc thực hiện tham vọng thách thức Mỹ và định hình lại trật tự toàn cầu. Tuy nhiên, thay vì trực tiếp thách thức trật tự hiện nay, Bắc Kinh đã khéo léo tận dụng cơ hội để đi lên từ các cơ chế hiện có, đồng thời từng bước xây dựng các cơ chế mới do mình dẫn dắt.
Tháng 12/2015, đồng Nhân dân tệ chính thức được IMF đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế (SDR). Đây là bước ngoặt quan trọng đánh dấu vị thế mới của Trung Quốc trong thị trường tài chính quốc tế. Đồng thời, đây cũng là cuộc cách mạng của IMF bởi lần duy nhất IMF có điều chỉnh trong SDR chỉ mang tính hình thức, khi năm 1999 đồng tiền chung châu Âu thay thế hai đồng tiền riêng của các nước thành viên là Đức và Pháp.
Bên cạnh đó, việc ra đời của hai ngân hàng quy mô lớn đặt trụ sở tại Trung Quốc là Ngân hàng Phát triển mới của khối BRICS (Trụ sở tại Thượng Hải) và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB, trụ sở tại Bắc Kinh) cho thấy Trung Quốc đã thực sự đóng vai trò lớn hơn trong hệ thống tài chính toàn cầu. AIIB còn thu hút được nhiều cường quốc và đồng minh quan trọng của Mỹ tham gia.
Ở cấp độ khu vực, Bắc Kinh cũng tích cực đầu tư vào các dự án hợp tác kinh tế lớn do Trung Quốc dẫn dắt để mở rộng ảnh hưởng, trong đó có Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và đại dự án Một vành đai, một con đường (OBOR) nối hai lục địa Á-Âu qua cả đường bộ và đường biển.
Về phương diện quân sự, Trung Quốc đã trở thành nước có chi phí quốc phòng lớn thứ hai thế giới, tích cực hiện đại hoá và đạt những thành tựu công nghệ nổi bật như sở hữu tàu sân bay, đội tàu ngầm tấn công và tàu ngầm chiến lược đông đảo, hệ thống ra-dar và vệ tinh quân sự hiện đại và các tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công tàu sân bay. Bắc Kinh cũng từng bước mở rộng hoạt động của lực lượng vũ trang và bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài.
Để đối phó với các hoạt động mở rộng ảnh hưởng toàn diện của Trung Quốc, ngoài những liên minh và cơ chế kinh tế, luật pháp hiện tại, Mỹ đã tăng cường tập hợp lực lượng ở nhiều hình thức và lĩnh vực khác nhau, từ các liên minh an ninh-chính trị tới quan hệ đối tác linh hoạt và liên kết kinh tế-chính trị như tam giác Mỹ-Nhật-Australia, Mỹ-Nhật-Ấn, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Mỹ cũng tăng cường quan hệ với các tổ chức khu vực và các nước, trong đó có ASEAN, Singapore, Indonesia… nhằm duy trì trật tự thế giới hiện có, trước hết ở khu vực Đông Á, buộc Trung Quốc trỗi dậy trong khuôn khổ đã định hình.
Mặt trận Biển Đông
Biển Đông trở thành một mặt trận nóng nhất trong tương tác Mỹ-Trung bởi đây là khu vực hai nước đều có lợi ích chiến lược, thậm chí mang tính sống còn cho vai trò quốc tế của mình. Không kiểm soát được Biển Đông, “giấc mơ Trung Hoa” và “phục hưng đất nước”, nâng cao vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế mà ông Tập Cận Bình công khai theo đuổi sẽ gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, Mỹ cần một Biển Đông hoà bình, ổn định và tự do hàng hải, trong đó có tự do đi lại của tàu thuyền quân sự, để phục vụ các hoạt động thương mại và tuần tra hải quân của Mỹ và đồng minh. Vì lẽ đó, Trung Quốc từng tuyên bố Biển Đông thuộc lợi ích cốt lõi của mình, còn Mỹ luôn khẳng định có lợi ích quốc gia trong khu vực.
Đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa). |
Việc Trung Quốc bất ngờ xây dựng và từng bước quân sự hoá các đảo nhân tạo ở Trường Sa đặt Mỹ vào thế bị chiếu bí. Buộc Trung Quốc phải trả lại trạng thái nguyên trạng tự nhiên của các thực thể ở Trường Sa là không thể. Thậm chí ngăn cản Bắc Kinh xây dựng và lắp đặt các trang thiết bị quân sự tại các điểm đảo này trong thời gian tới không phải dễ dàng. Dù đã thực hiện một số biện pháp cụ thể như tăng cường tuần tra ở Biển Đông, đi vào trong phạm vi 12 hải lý của một số điểm đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa, về cơ bản, Mỹ dường như vẫn chưa tìm được hướng đối phó cụ thể thích đáng.
Điều đó không đồng nghĩa với việc Mỹ chịu bó tay nhìn Trung Quốc tự ý hành xử. Washington dường như đang lấy nhu chế cương - chiến lược vốn là sở trường của người phương Đông. Minh bạch hoá các hành vi của Trung Quốc trên Biển Đông và công khai phê phán tại các diễn đàn đa phương và truyền thông đại chúng, tăng cường quan hệ với ASEAN và các đối tác ngoài khu vực, và bổ sung lực lượng hiện diện ở Biển Đông; Mỹ đang đi nước cờ lớn nhằm chiếm lĩnh các ưu thế then chốt trên mọi mặt trận chính trị, an ninh, và kinh tế ở Đông Á. Điều đó có nghĩa, thắng lợi trước mắt trên thực địa của Bắc Kinh có thể phải trả giá bằng chính sự phát triển của Trung Quốc trong tương lai lâu dài.
Trong thế trận giữa các nước lớn, các nước ASEAN cần tỉnh táo và mạnh dạn tìm ra giải pháp vượt qua những thách thức nội khối, tăng cường đoàn kết, làm nền tảng cho việc đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc quản trị tranh chấp ở Biển Đông. Hợp tác vì hoà bình và phát triển của khu vực chính là ước nguyện của lãnh đạo các nước ASEAN trong quá trình chuẩn bị cho sự ra đời của Hiệp hội tròn 50 năm trước đây.