📞

Bloomberg: Việt Nam vẫn hút FDI dù Mỹ rút khỏi TPP

13:28 | 29/04/2017
Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại mà theo Ngân hàng Thế giới (WB), hứa hẹn có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm khoảng 8% vào năm 2030. Nhưng điều đó không làm mất đi sự nhiệt huyết của các công ty đa quốc gia với Việt Nam.

Trên thực tế, các nhà máy tại Việt Nam vẫn chạy hết công suất dù Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thỏi nam châm hút vốn đầu tư

Việt Nam vẫn tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với những con số ấn tượng. FDI của quốc gia này đạt kỷ lục vào năm ngoái với mức tăng trưởng 9% đạt 15,8 tỉ USD. Ngành chế tạo và chế biến chiếm phần lớn lượng đầu tư nước ngoài đã cam kết, dẫn đầu bởi hai dự án từ Hàn Quốc: 1,5 tỷ USD của LG Display và 550 triệu USD của LG Innotek.

Việc Tổng thống Donald Trump kêu gọi áp thuế 45% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có ảnh hưởng lớn tới việc các công ty chuyển dịch nhà máy sang các quốc gia khác, trong đó Việt Nam nổi lên là một đối thủ mạnh. Nguồn lao động trẻ và giá rẻ của nước này trở thành thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư quốc tế.

Các công nhân đang làm việc trong một nhà máy dệt may ở tỉnh Bắc Giang. (Nguồn: Reuters)

Trịnh Nguyễn, một nhà kinh tế cao cấp thuộc Natixis SA (Hongkong, Trung Quốc) cho biết: “Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào những công ty thâm dụng lao động cũng như là những công ty muốn chiếm lĩnh thị trường nội địa đang phát triển một cách nhanh chóng”.

Nhiều năm qua, Việt Nam được hưởng lợi từ sự bùng nổ làn sóng đầu tư nước ngoài. Từ một nước xuất khẩu nông sản chủ yếu như gạo, cà phê, Việt Nam cũng trở thành một trung tâm chế tạo ở Đông Nam Á.

Theo ông Joseph Incalcaterra, chuyên gia về kinh tế châu Á thuộc tập đoàn HSBC Holdings Plc ở Hongkong, ít có quốc gia nào thay thế cho thị trường Trung Quốc có thể sánh được với Việt Nam về lương nhân công vốn chỉ bằng một phần ba so với Trung Quốc, cùng với vị trí cảng biển thuận lợi. “Việt Nam là địa chỉ hấp dẫn”, ông Incalcaterra nhấn mạnh.

Nhà phân tích Catherine Lim của Bloomberg cho biết một số công ty đang tìm kiếm thị trường thay thế Trung Quốc, chẳng hạn như Yue Yuen Industrial Holdings - hãng cung cấp giầy cho các thương hiệu như Adidas AG và Nike Inc. Bên cạnh đó, Yue Yuen và Shenzhou International Group Holdings “có thể sẽ chuyển hướng sang sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam và Indonesia nhằm xoa dịu những tác động tới khách hàng” do trừng phạt của Mỹ nhằm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Theo một đại diện của Yue Yuen, 40% sản phẩm của công ty này được sản xuất từ nhà máy tại Việt Nam – nơi mà họ cho rằng “có giá thành lao động rẻ, đội ngũ công nhân có tay nghề và chính quyền địa phương luôn hỗ trợ cho các doanh nghiệp”. Đại diện của Yue Yuen không nghĩ rằng, TPP sẽ gây ảnh hưởng lớn tới các quyết định của họ đối với các hoạt động sản xuất tại Việt Nam”.

Đầu tư nước ngoài hậu TPP

Năm ngoái, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu hàng hóa hàng đầu vào Mỹ trong số các nước ASEAN, đạt 38,5 tỷ USD. Theo báo cáo của CIMB Securities Việt Nam, TPP có thể sẽ loại bỏ 17% thuế quan của Mỹ đánh vào các mặt hàng may mặc được nhập khẩu từ Việt Nam. Hàng dệt may chiếm gần 19% xuất khẩu của quốc gia Đông Nam Á này. Báo cáo cũng cho thấy, TPP sẽ mang lại cho ngành may mặc Việt Nam “một lợi thế to lớn trong việc xuất khẩu sản phẩm của họ tới Mỹ”. Tuy nhiên, không có TPP đồng nghĩa với việc “lợi thế này biến mất”. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa ký kết một hiệp định thương mại tự do nào với Mỹ - đối tác thương mại vô cùng quan trọng trên thế giới.

Các chuyên gia kinh tế nhận định ngành công nghiệp da giầy của Việt Nam sẽ vẫn tăng trưởng mạnh ngay cả khi không có TPP. (Nguồn: TTXVN)

Các công ty Mỹ tại Việt Nam tỏ ra thất vọng trước nước đi của Tổng thống Trump. Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành của Phòng Thương mại Mỹ (AmCham) tại Hà Nội, cho rằng: “Hành động rút Mỹ khỏi TPP của Tổng thống Trump là một tin xấu cho các công ty, các nhà đầu tư, công nhân, nông dân cũng như người tiêu dùng của Mỹ và Việt Nam”.

Tuy nhiên, theo LG Display, ảnh hưởng từ việc Mỹ rút khỏi TPP đối với hoạt động của họ tại Việt Nam là hạn chế. Quyết định đầu tư vào Việt Nam “không chỉ thuần túy dựa trên vấn đề lợi ích thuế quan”. Do đó, sẽ không có nhiều thay đổi tới quyết định của công ty này đối với việc đầu tư ở Việt Nam hay với chiến lược kinh doanh của họ tại đây.

Khi tham gia TPP, Chính phủ Việt Nam đồng ý đẩy nhanh quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện tại Việt Nam của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, chính phủ Việt Nam vẫn đang tiếp tục có những cải cách thân thiện hơn với nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp Việt Nam và những nước Đông Nam Á khác tránh khỏi sự thất vọng của các nhà đầu tư hậu TPP.

(theo Bloomberg)