Năm 2020, chỉ số cải cách hành chính của Bộ Ngoại giao đạt 89,18 điểm, tăng 1,54 điểm so với năm 2019 (87,64 điểm). |
Ngày 24/6, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS 2020) và Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (PAR INDEX 2020).
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ, chủ trì Hội nghị. Đây là năm thứ 9 Bộ Nội vụ tiến hành xác định chỉ số cải cách hành chính để đánh giá, xếp loại kết quả cải cách hành chính hàng năm của 17/22 bộ, ngành (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ) và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo kết quả chấm điểm, năm 2020, chỉ số cải cách hành chính của Bộ Ngoại giao đạt 89,18 điểm, tăng 1,54 điểm so với năm 2019 (87,64 điểm). Xếp hạng của Bộ Ngoại giao được nâng một bậc từ thứ 5/17 (năm 2019) lên thứ 4/17.
Trong số 7 lĩnh vực xác định chỉ số cải cách hành chính có 5 lĩnh vực Bộ Ngoại giao đạt trên 90% tổng điểm, đó là: công tác chỉ đạo điều hành, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa nền hành chính.
Qua việc đánh giá, chấm điểm có thể thấy một số nhiệm vụ Bộ Ngoại giao đã làm tốt và được đánh giá cao, cụ thể:
Thứ nhất là công tác cải cách tổ chức bộ máy (đạt 91,44% tổng điểm, xếp thứ 3/17): Triển khai các Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 về tiếp tục đổi mới, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngày 15/10/2017, Bộ Ngoại giao đã nghiêm túc rà soát, sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, đồng thời đảm bảo thực hiện hiệu quả chức năng nhiệm vụ được giao.
Hiện nay tổ chức bộ máy của Bộ Ngoại giao gồm 2 đơn vị cấp Tổng cục, 6 đơn vị cấp Cục và tương đương, 17 đơn vị cấp Vụ và tương đương và 11 đơn vị sự nghiệp công lập.
Thứ hai là cải cách thủ tục hành chính (đạt 91,74% tổng điểm, xếp thứ 6/17): Công tác ban hành quy định, thực hiện kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính đã được thực hiện đúng quy định; việc công bố, công khai thủ tục hành chính và kết quả giải quyết hồ sơ được đánh giá tốt; công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức đối với thủ tục hành chính về cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Thứ ba là xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức (đạt 91,14% tổng điểm; xếp thứ 7/17): Bộ Ngoại giao thực hiện tốt cơ cấu công chức, viên chức theo vị trí việc làm; công tác tuyển dụng công chức viên chức tiếp tục được tiến hành nghiêm túc với nhiều cải tiến, sáng kiến, đảm bảo chất lượng; công tác thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức được thực hiện đầy đủ, kịp thời; công tác bổ nhiệm, đánh giá, phân loại và đào tạo công chức viên chức thực hiện đúng quy định và yêu cầu; công tác đào tạo bồi dưỡng được tiến hành thường xuyên với sáng kiến tổ chức lớp đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến đảm bảo quy định về giãn cách trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Thứ tư là hiện đại hóa hành chính (đạt 91,42% tổng điểm; xếp thứ 7/17): Bộ Ngoại giao tích cực đưa ra các sáng kiến, đề xuất và ứng dụng công nghệ thông tin trong các mặt công tác của Bộ; tiếp tục số hóa công tác theo dõi, nhắc việc thông qua hệ thống thống kê điện tử tình hình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị trong Bộ.
Những năm qua, chỉ số cải cách hành chính và xếp hạng của Bộ Ngoại giao liên tục được cải thiện, từ 80,85 điểm, xếp hạng 8/19 bộ, ngành năm 2016 lên 89,18 điểm, xếp hạng 4/17 bộ, ngành năm 2020. Thành tích này là kết quả của sự đồng hành, chung tay của tất cả các đơn vị, công chức, viên chức và người lao động trong Bộ Ngoại giao, nhưng trước hết phải kể đến chủ trương đúng đắn của các đồng chí Lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, đặc biệt là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và sự chỉ đạo trực tiếp, quyết liệt, sát sao của đồng chí nguyên Thứ trưởng Lê Hoài Trung, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu trên cương vị thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XV, công tác cải cách hành chính tiếp tục được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của bộ máy hành chính nhằm xây dựng một nền hành chính hiện đại, phát triển, phục vụ nhân dân, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số. Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt công tác này; các bộ, ngành, địa phương và dư luận cũng rất quan tâm đến công tác cải cách hành chính và chỉ số cải cách hành chính.
Để giữ vững được thành tích về cải cách hành chính đồng thời để công tác cải cách hành chính đi vào thực chất, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục coi cải cách hành chính là trọng tâm công tác, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động về tầm quan trọng và ý nghĩa của cải cách hành chính, từng bước đưa công tác cải cách hành chính đóng góp tích cực hơn nữa vào việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đối ngoại và hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao.