📞
100 năm ngày sinh Đồng chí Nguyễn Cơ Thạch

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch với những đột phá về công tác chỉ đạo điều hành

Đại sứ Nguyễn Phú Bình 08:30 | 09/05/2021
Sau 30 năm kể từ ngày Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998) nghỉ hưu và sau 23 năm kể từ ngày ông đi xa, tôi vẫn cảm nhận sâu sắc rằng công tác xây dựng ngành hiện nay đều là những gì mà ông đã trăn trở, dày công tạo dựng nên...
Trích tham luận tại Tọa đàm khoa học với chủ đề "Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại" do Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Ngoại giao chủ trì ngày 16/4 tại Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch (1921-1998) đã tạo nên bước ngoặt cơ bản trong công cuộc xây dựng và phát triển ngành ngoại giao, trong đó có công tác xây dựng ngành. (Ảnh tư liệu)

Hết sức coi trọng công tác thông tin của Bộ

Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đặt ra yêu cầu vận hành hệ thống thông tin nhiều chiều và phải kịp thời, thông suốt, không gián đoạn. Hiện nay công tác thông tin của chúng ta chắc chắn được cải tiến nhiều hơn, nhưng về cơ bản vẫn mang dấu ấn của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Thứ nhất, việc xây dựng bản tin A của chúng ta khi đó rất kỳ công, vì nguồn tin không được phong phú như bây giờ, chủ yếu dựa vào Thông tấn xã, ngoài ra phải trực tiếp nghe đài các nước khác để có 1 bản tin A không sót những tin quan trọng.

Bộ phải chọn những cán bộ giỏi ngoại ngữ, có khả năng phát hiện và phân tích tốt như bác Nguyễn Tấn Cưu, bác Bùi Xuân Ninh, Bác Phan Doãn Nam, tiếp theo đó là các anh Đỗ Ngọc Sơn, Lê Kinh Tài, Đào Việt Trung, Nguyễn Thiệp…

Tôi được nghe kể lại, năm 1964, có cụ Mạnh, khi đó là cán bộ Bộ ngoại giao, nhờ nghe các đài phương Tây (cụ nghe được tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Pháp) mà phát hiện việc Mỹ tập trung lực lượng không quân bất thường ở Đông Nam Á và Hạm đội 7…

Nhận được thông tin kịp thời, lãnh đạo cấp cao ta phán đoán đúng, kịp thời bố trí trận địa đón lõng và tiêu diệt nhiều máy bay của Mỹ. Đây là chiến công mở đầu của quân dân miền Bắc đánh thắng “Sự kiện vịnh Bắc bộ” do Mỹ dựng lên vào ngày 5/8/1964.

Qua đó mới thấy công tác thông tin rất quan trọng. Đồng chí Phạm Văn Đồng rất thích các thông tin trong bản tin A do Bộ ta cung cấp. Theo yêu cầu của đồng chí, trong nhiều chuyến đi công tác địa phương, Bộ ta phải cử một đồng chí trong Tổ tin A đi cùng, chuyên nghe đài và cung cấp tin cho đồng chí.

Thứ hai, khối lượng thông tin được lưu chuyển giữa Bộ với các cơ quan đại diện ta ở các nước, các địa bàn là rất lớn. Trong đó, công việc thường xuyên bận rộn nhất liên quan đến xử lý nội dung thông tin. Tôi nhớ lúc đó, Chánh, Phó Văn phòng phải phân công nhau lo việc tổng hợp và tóm tắt điện để chuyển cho các nơi. Anh em chúng tôi ở Văn phòng Bộ luôn tự hào vì đã góp phần đảm bảo thông tin thông suốt giữa bên trong với bên ngoài.

Tất cả mọi thông tin chỉ đạo, điều hành, rồi tất cả thông tin về động thái giữa trong và ngoài, giữa các cơ quan đại diện với nhau và giữa Bộ với các đơn vị tạo nên một sự hài hòa, và đấy chính là yêu cầu rất cao của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Ông đòi hỏi thông tin các chiều đều phải thông suốt và không được phép gián đoạn.

Tôi nhớ mãi là khi đồng chí Vũ Khoan vừa được đề bạt Thứ trưởng, sau chuyến đi công tác nước ngoài về đã đến bắt tay cảm ơn anh em Văn phòng vì ra nước ngoài mà vẫn nhận được đầy đủ các thông tin cần thiết để nắm bắt tình hình, cứ như đang ở trong nước vậy!

Thứ ba, việc tập hợp thông tin, báo cáo Lãnh đạo Bộ hàng ngày hồi đó như thế nào, tôi thấy hiện nay vẫn đang được duy trì. Hay việc tập hợp thông tin cuối tuần, thông tin cuối tháng, sơ kết, tổng kết để báo cáo lên cấp trên, Bộ ta vẫn đang làm.

Tôi nhớ lúc đó, các đồng chí trưởng Cơ quan đại diện ta ở các nước, theo yêu cầu của Bộ trưởng, đã gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều bạn bè, đối tác, trí thức kiều bào, các học giả, doanh nhân và phản ánh những ý kiến rất bổ ích và xây dựng của họ đối với các vấn đề cấp bách của ta khi ấy như giải pháp về vấn đề Campuchia, bình thường hoá quan hệ với các nước và đối tác, kinh tế thị trường và lựa chọn mô hình kinh tế của ta…

Bộ trưởng xem xong và chỉ thị cho Văn phòng chuyển lên các đồng chí Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ… tham khảo. Các cuộc tiếp xúc tại Hà Nội về các vấn đề trên cũng được phản ánh theo cách đó.

Sau này, khi chúng tôi đã quen việc, Đồng chí giao cho Văn phòng chủ động làm việc đó. Kênh thông tin này đã góp phần rất quan trọng tạo nên sự hiểu biết và đồng thuận cao khi Lãnh đạo cấp cao thảo luận và ra quyết sách về các vấn đề đối ngoại và kinh tế quan trọng của đất nước.

Thứ tư, còn có một kênh thông tin nữa nhằm đảm bảo sự hài hòa trong quan hệ hợp tác giữa Bộ ta với các Bộ ngành và địa phương. Tôi nhớ, vào lúc đất nước mới mở cửa, hay xảy ra những sự cố liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, sự cố này rất khách quan thôi.

Ví dụ như một người Việt mang hộ chiếu nước ngoài về nước vi phạm pháp luật, bị công an giữ hộ chiếu để xử lý. Lập tức, Cơ quan đại diện của nước đó phản ứng, họ nói rằng hộ chiếu là tài sản quốc gia, việc thu giữ như thế là vi phạm luật pháp quốc tế.

Trong tình huống này, Bộ ta trao đổi với Bộ Công an để xử lý vụ việc ổn thoả và nhất trí sau này nên có biện pháp khác, tránh để xảy ra chuyện tương tự.

Hoặc có trường hợp Hải quan ta bắt giữ Tham tán Lãnh sự của Thái Lan khi về nước do mang theo đồ cổ, lập tức Thái Lan ngừng cấp thị thực quá cảnh cho công dân ta, tức là phong tỏa tất cả đường của ta qua lại với Thái Lan, và từ Thái Lan để đi các nước khác.

Khi đó, Bangkok là cửa ngõ cho ta đi các nước Đông Nam Á và phương Tây, còn Moscow là cửa ngõ đi các nước châu Âu. Rất may lúc đó Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch và Bộ trưởng Công an Mai Chí Thọ vừa là đồng hương, vừa là bạn chiến đấu cùng hoạt động cách mạng nên 2 ông đã không chỉ chỉ thị cho cấp dưới phối hợp, tháo gỡ sự cố một cách kịp thời, mà còn tạo dựng nên mối quan hệ hài hoà giữa các đơn vị của 2 Bộ.

Theo yêu cầu của Bộ trưởng Mai Chí Thọ, cán bộ Bộ ta thường xuyên sang thuyết trình về các hoạt động đối ngoại quan trọng và chủ trương của ta đối với các vấn đề quốc tế và các đối tác chính. Lãnh đạo Bộ nói chuyện tại những diễn đàn lớn; còn cấp vụ của Vụ Chính sách đối ngoại hoặc Văn phòng Bộ đến nói chuyện tại các đơn vị, các cơ sở đào tạo của Bộ công an. Do đó quan hệ của Bộ ta với Bộ Công an lúc đó rất rộng, hợp tác rất hiệu quả. Cá nhân tôi, qua các dịp đó cũng tạo được mối quan hệ hợp tác tốt đẹp và hiệu quả lâu dài khi giữ các cương vị khác của Bộ sau này.

Hay với Tổng cục Hải quan cũng vậy, nhất là khi đồng chí Trương Quang Được (sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội) từ Bí thư Hải Phòng được điều về làm Tổng cục trưởng Hải quan.

Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, đồng chí ngỏ ý muốn Bộ ta giúp bồi dưỡng kiến thức về đối ngoại cho cán bộ ngành Hải quan để anh em làm tốt nhiệm vụ đối ngoại. Vì vậy, tôi cũng có nhiều dịp đến nói chuyện tại các hội nghị, cơ sở đào tạo Hải quan, tranh thủ nêu những gợi ý để xử lý các vấn đề nhạy cảm liên quan đến công dân và pháp nhân nước ngoài.

Có thể nói, chính Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã tạo ra mối quan hệ hợp tác hài hòa và hiệu quả giữa Bộ ta với nhiều bộ, ngành khác.

Thứ năm, còn một điểm nữa về công tác thông tin, truyền thông là vào năm 1989, Bộ trưởng yêu cầu cần có một tờ báo của ngành để phổ biến rộng rãi cho công chúng, các bộ, ngành, địa phương hiểu biết tình hình quốc tế và chính sách đối ngoại của ta.

Thật là khó khăn khi làm việc với cơ quan quản lý báo chí vì họ cho rằng ngành Ngoại giao đã có tờ Le Courrier rồi! Chúng tôi phải kiên trì giải thích đó là ấn phẩm dành cho độc giả nước ngoài, trong khi chưa có ấn phẩm nào của ngành hướng vào đối tượng là công chúng trong nước.

Sau một thời gian kiên trì vận động, cuối cùng cơ quan quản lý đã cấp phép và Tạp chí Quan hệ Quốc tế, tiền thân của Báo Thế giới & Việt Nam ngày nay đã ra mắt.

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phú Bình tại Tọa đàm khoa học với chủ đề "Tầm nhìn Nguyễn Cơ Thạch trong sự nghiệp xây dựng ngành ngoại giao toàn diện, hiện đại" do Vụ Tổ chức Cán bộ - Bộ Ngoại giao chủ trì ngày 16/4 tại Hà Nội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Đặt nền móng trong công tác điều hành của Bộ

Thứ nhất, Bộ trưởng rất kiên quyết áp dụng chế độ làm việc theo Chương trình và đánh giá công tác của mỗi cá nhân và tập thể theo sản phẩm. Nghĩa là, lãnh đạo Bộ và các cơ quan chức năng luôn căn cứ vào “đầu vào, đầu ra” để đánh giá: đầu vào là chương trình công tác, đầu ra là sản phẩm, là kết quả xử lý và mức độ hoàn thành công việc nêu trong chương trình.

Văn phòng Bộ được giao nhiệm vụ, cùng các đơn vị chức năng xây dựng chương trình công tác (cả năm, 6 tháng, quý, tháng và tuần) trên cơ sở nhiệm vụ Lãnh đạo Bộ giao và đề xuất của các đơn vị, với phân công trách nhiệm và thời hạn thực hiện; Văn phòng có trách nhiệm đôn đốc và xác nhận kết quả được Lãnh đạo Bộ đánh giá.

Với hệ thống đánh giá này, đã chấm dứt tình trạng đánh giá chung chung, cảm tính trước đây, chuyển sang đánh giá, phân loại danh hiệu thi đua cũng như bổ nhiệm phân công công tác đối với đội ngũ cán bộ quản lý đều dựa trên cơ sở đánh giá sản phẩm công tác cụ thể.

Thứ hai, theo truyền thống, mỗi Lãnh đạo Bộ được phân công phụ trách theo lĩnh vực và khu vực, Bộ trưởng cao nhất phụ trách chung. Từ khi trở thành Tư lệnh Ngành, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch cho rằng cách phân công đó không hợp lý, không khác gì mỗi người một vương quốc riêng, vừa khó tạo thành sức mạnh tổng thể để thực hiện những mục tiêu to lớn của ngành Ngoại giao trong tình hình mới, vừa cản trở việc điều động nhân sự cho những công tác hết sức mới mẻ là nghiên cứu chiến lược và xây dựng ngành.

Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã kiên quyết phá bỏ “vương quốc”, tạo ra cách phân công trong Lãnh đạo Bộ hoàn toàn mới. Khi đó, Bộ vừa thực hiện thành công lớp tập sự cấp Vụ đầu tiên, đào tạo nên hàng chục cán bộ cấp vụ mới trẻ hơn và có trình độ đồng đều hơn, tiếp theo đó, lựa chọn một số Vụ trưởng, đưa vào diện Tập sự cấp Bộ để đào tạo cấp Thứ trưởng. Mỗi đồng chí đó được mang chức danh Trợ lý Bộ trưởng, được giao nhiệm vụ tương đương Thứ trưởng.

Cách phân công mới chia công việc chung của Bộ thành 3 lĩnh vực lớn: chính trị đối ngoại, ngoại giao kinh tế và xây dựng ngành; mỗi lĩnh vực lại chia thành 2 mảng là tác chiến và nghiên cứu cơ bản.

Mảng tác chiến trong mỗi lĩnh vực chỉ giao cho 1 Trợ lý Bộ trưởng phụ trách, gọi là “phễu” (nghĩa là những công việc cần xử lý hàng ngày trong 3 lĩnh vực đều dồn vào 3 cái “phễu”), trong khi các đồng chí Lãnh đạo khác - Thứ trưởng và Trợ lý Bộ trưởng tập trung lo các công việc lâu dài trong mỗi lĩnh vực là tổng kết và nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược.

Như vậy, mỗi đồng chí trong diện Tập sự cấp Bộ sẽ lần lượt làm “phễu” 6 tháng một lần rồi lần lượt cho cả 3 lĩnh vực, tiếp đó cũng phải phụ trách một đề tài nghiên cứu cơ bản.

Do đó, qua 2 năm tập sự, các Trợ lý Bộ trưởng sẽ nắm được toàn bộ công việc của Bộ, có khả năng chỉ đạo xử lý cả công việc tác chiến và chỉ đạo tổng kết, nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược.

Cũng theo cách phân công đó, tổng kết, sơ kết được Bộ trưởng nhấn rất mạnh vì phải qua đó mới rút ra được những kinh nghiệm, bài học, ưu điểm hoặc khuyết điểm cần phải sửa.

Cũng từ cách phân công và xác định, Bộ điều động một số cán bộ quản lý ở các đơn vị về những đơn vị mới giúp Lãnh đạo Bộ triển khai công tác nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chiến lược. Tại các đơn vị, cũng theo mô hình của Bộ, cấp trưởng phải lo các công tác lớn, cấp phó được giao phụ trách xử lý công việc hàng ngày.

Thứ ba, để đảm bảo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thì công tác tổ chức cũng đã có đột phá với việc ra đời các Tiểu ban tổng hợp phụ trách các lĩnh vực chính trị đối ngoại, kinh tế đối ngoại và xây dựng ngành (sau này chính thức hoá thành các Vụ tổng hợp), mỗi đơn vị này có nhiệm vụ giúp Lãnh đạo Bộ quản lý toàn bộ công việc trong lĩnh vực đó và có trách nhiệm khởi thảo các đề án, các quy trình, quy phạm.

Hiện nay, Vụ Tổng hợp đối ngoại đã đổi tên thành Vụ Chính sách đối ngoại, Vụ Tổng hợp kinh tế vẫn tiếp tục thực hiện chức năng và nhiệm vụ như trước. Riêng Vụ Tổng hợp xây dựng ngành sau khi hoàn thành các nhiệm vụ xây dựng tổ chức bộ máy, quy trình, quy phạm cho Bộ, đã sáp nhập vào Vụ cán bộ, trở thành Vụ Tổ chức Cán bộ như hiện nay.

Thứ tư, Văn phòng Bộ, đơn vị trực tiếp phục vụ cho công tác quản lý, điều hành của Lãnh đạo Bộ, đặc biệt, phải đảm bảo các kênh thông tin vận hành hiệu quả, làm đầu mối để xây dựng chương trình, công tác và lịch sinh hoạt của Bộ, với yêu cầu đảm bảo sự cân đối giữa các lĩnh vực công tác, giữa xử lý công việc hàng ngày với công tác nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chiến lược, đảm bảo cho các mối quan hệ công tác giữa các đơn vị trong Bộ, giữa Bộ với các cơ quan đại diện của ta tại các nước, giữa Lãnh đạo Bộ với Lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Đảng, Nhà nước, với các bộ, ngành, địa phương.

Văn phòng cũng có nhiệm vụ giúp Lãnh đạo Bộ theo dõi đánh giá công tác của các đơn vị trong và ngoài nước phục vụ trong công tác thi đua, khen thưởng. Nhớ lại những năm tháng làm việc ở Văn phòng Bộ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, không khí làm việc lúc nào cũng khẩn trương nhưng đầy hứng thú, mỗi ngày lại thấy thêm những điều mới mẻ!

Đặc biệt, công tác nghiên cứu luôn được ông đặt thành nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của Bộ. Cũng có lúc, các hoạt động đối ngoại rộ lên, thu hút nhiều cán bộ chủ chốt của các đơn vị nên khi xây dựng chương trình làm việc hàng tuần, chúng tôi chủ động giảm bớt số buổi sinh hoạt nghiên cứu. Thấy vậy, Bộ trưởng nghiêm khắc phê bình: các cậu phải coi công tác nghiên cứu như cơm ăn, thức uống hàng ngày của cán bộ ngoại giao thì mới tiến bộ được!

***

Có may mắn được trực tiếp gắn bó và chứng kiến sự chỉ đạo sâu sát của Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch đối với công tác xây dựng ngành, sau 30 năm kể từ ngày Bộ trưởng nghỉ hưu và sau 23 năm kể từ ngày ông đi xa, tôi vẫn cảm nhận sâu sắc rằng công tác xây dựng ngành hiện nay, từ tổ chức bộ máy, công tác quản lý, điều hành cho đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ, văn hóa lối sống của cán bộ ngoại giao hiện nay đều là những gì mà ông đã trăn trở, dày công tạo dựng nên.

Không chỉ thế hệ cán bộ, nhân viên đã từng được ông trực tiếp dẫn dắt, mà cả thế hệ cán bộ hiện tại và mai sau chắc chắn sẽ tiếp tục được thừa hưởng những kết quả tốt đẹp của công tác xây dựng ngành thời kỳ đó.

Chắc chắn những thế hệ cán bộ sau này, dù không được trực tiếp thấy ông, vẫn hướng về ông với sự ngưỡng mộ và vô cùng biết ơn bởi vì họ hiểu rằng chính ông đã tạo ra nền tảng cho ngành ngoại giao hiện nay, và trong đó có công tác xây dựng ngành.


Tiêu đề phụ do Báo Thế giới & Việt Nam đặt.