📞

Bộ tứ, BRICS và cuộc dạo chơi mang tên 'tự chủ chiến lược' của Ấn Độ

Hồng Phúc 20:00 | 20/03/2021
TGVN. Việc Ấn Độ “đi dây” giữa BRICS và Bộ tứ những năm qua là sự phản ánh những bối rối chiến lược của New Delhi giữa phương Đông và phương Tây, cũng như giữa Âu-Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?

Tờ The Indian Express ngày 16/3 đăng bài bình luận của nhà phân tích chính trị hàng đầu Ấn Độ Raja Mohan về tầm quan trọng của Bộ tứ đối với quyền tự chủ chiến lược của Ấn Độ.

Theo tác giả, Bắc Kinh đã nổi lên như một thách thức lớn nhất đối với New Delhi và Mỹ đang ngày càng trở thành một phần trong lời giải của bài toán thách thức này. Ấn Độ tham gia nhóm Bộ tứ là câu trả lời cho tương lai địa chính trị đó.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự Thượng đỉnh Bộ tứ lần đầu tiên ngày 12/3. (Nguồn: PTI)

Thế "rối bời" của Ấn Độ?

Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo Trung Quốc nổi tiếng với những bài bình luận gây tranh cãi về các vấn đề thế giới, cuối tuần trước đã đăng một bài viết dự đoán về tác động của Hội nghị thượng đỉnh lịch sử của nhóm Bộ tứ đối với BRICS - diễn đàn biểu tượng cho “quyền tự chủ chiến lược” nổi tiếng của Ấn Độ.

Với việc gọi Bộ tứ- liên minh giữa Ấn Độ với Mỹ và các đồng minh châu Á gồm Australia và Nhật Bản - là “tài sản tiêu cực” đối với BRICS (nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, Brazil và Nam Phi), Thời báo Hoàn Cầu đã nhấn mạnh điều họ gọi là mâu thuẫn của việc Ấn Độ tham gia cả hai diễn đàn.

Bài báo lập luận: “Bằng cách xích lại gần Mỹ và nhóm Bộ tứ do Mỹ dẫn đầu trong những năm gần đây, Delhi đã làm xấu đi mối quan hệ Ấn-Trung và Ấn-Nga, cũng như cản trở sự phát triển của BRICS và SCO".

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) là diễn đàn Á-Âu do Bắc Kinh và Moscow cùng sáng lập cách đây 1/4 thế kỷ.

Nhiều người đã coi việc Ấn Độ “đi dây” giữa BRICS và Bộ tứ những năm qua là sự phản ánh những bối rối chiến lược của New Delhi giữa phương Đông và phương Tây, cũng như giữa Âu-Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, Ấn Độ đã tận dụng lợi thế của BRICS trong các vấn đề như khủng bố và có khả năng tiếp cận hợp tác khu vực ở nội địa châu Á. Còn việc Delhi tích cực thúc đẩy nhóm Bộ Tứ là nhằm tạo ra thế cân bằng hoặc thậm chí là “tống tiền” Trung Quốc.

Thời báo Hoàn Cầu cảnh báo rằng nếu tiếp tục xích lại gần Washington, New Delhi “cuối cùng sẽ mất quyền tự chủ chiến lược” và trở thành “tay sai của Mỹ chống lại Trung Quốc”.

Tuy nhiên, nếu tiếp tục chuỗi lập luận về chính sách thực dụng, bài báo có thể dễ dàng nhận thấy rằng chính nhiệm vụ “tự chủ chiến lược” đang đẩy Ấn Độ ngày càng xích lại gần Mỹ.

Sự thay đổi chiến lược

Đến đây, vấn đề trọng tâm là cần hiểu “quyền tự chủ chiến lược” của Ấn Độ - khuôn khổ định hướng các mối quan hệ quốc tế của New Delhi kể từ Chiến tranh Lạnh - là gì.

Vào đầu thập niên 1990, quyền tự chủ chiến lược có nghĩa là tạo không gian cho Ấn Độ chống lại sức mạnh quá lớn của Mỹ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Tuy nhiên, việc không chịu thay đổi ý thức hệ đã ngăn cản các nhà hoạch định chính sách đối ngoại ở Delhi nhận ra sự thay đổi cơ bản trong môi trường bên ngoài Ấn Độ trong 3 thập kỷ qua.

Bối cảnh nào hồi đầu thập niên 1990 đã khiến Ấn Độ nhấn mạnh quyền tự chủ chiến lược chống lại Mỹ? Và họ đã thay đổi như thế nào trong 3 thập niên qua để định hướng lại chiến lược hành động đối với Trung Quốc?

Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình (1993-1997), Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc sáp nhập Jammu và Kashmir vào lãnh thổ Ấn Độ, đồng thời tuyên bố ý định của Mỹ trong việc giải quyết tranh chấp tại Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan.

Ngoài vấn đề Kashmir, Washington nhấn mạnh việc giảm bớt các chương trình hạt nhân và tên lửa của Ấn Độ là một mục tiêu chính trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nếu Pakistan châm ngòi cho một cuộc nổi dậy ở Kashmir, thì Mỹ đã tuyên bố Jammu và Kashimir là “điểm bùng phát” hạt nhân nguy hiểm nhất thế giới.

Tất cả những điều đó đã thay đổi trong 3 thập niên qua. Dưới thời các tổng thống kế nhiệm Clinton, gồm George W. Bush, Barack Obama và Donald Trump, Washington đã từ bỏ mong muốn làm trung gian hòa giải cho cuộc tranh chấp ở Kashmir, giải quyết những tranh cãi về hạt nhân và mở rộng hợp tác kinh tế-chính trị để trở thành đối tác chiến lược quan trọng nhất của Ấn Độ.

Lời giải từ... các ông lớn

Ngược lại, một Trung Quốc đang trỗi dậy nổi lên như một thách thức lớn nhất đối với Ấn Độ, và Mỹ ngày càng trở thành một phần quan trọng của lời giải đáp.

Thứ nhất, với sức mạnh quân sự ngày càng tăng, quân đội Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn ở khu vực biên giới đang tranh chấp. Trong bối cảnh hòa bình và yên tĩnh ở biên giới bị phá vỡ, sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh châu Á là rất có giá trị.

Thứ hai, về vấn đề Kashmir, chính Trung Quốc đã nêu vấn đề tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong khi Mỹ đang giúp Ấn Độ ngăn chặn các động thái của Trung Quốc.

Thứ ba, về vấn đề khủng bố xuyên biên giới, Mỹ gây sức ép với Pakistan còn Trung Quốc bảo vệ Rawalpindi (thuộc tỉnh Punjab của Pakistan, giáp biên giới Ấn Độ).

Thứ tư, Mỹ đã tạo điều kiện cho Ấn Độ hội nhập vào trật tự hạt nhân toàn cầu, trong khi Bắc Kinh ngăn cản Delhi gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG).

Thứ năm, Mỹ ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, còn Trung Quốc thì không.

Thứ sáu, New Delhi hiện nhận thấy thương mại với Bắc Kinh làm cạn kiệt năng lực sản xuất của chính mình. Mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế sang các đối tác ngoài Trung Quốc được Mỹ và các đối tác trong nhóm Bộ tứ ủng hộ.

Thứ bảy, Ấn Độ phản đối Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, coi đây như một dự án làm xói mòn chủ quyền lãnh thổ và vị thế ưu tiên trong khu vực của Ấn Độ. Delhi đang phối hợp với các đối tác trong Bộ Tứ để đưa ra các giải pháp thay thế cho BRI.

Cuối cùng, New Delhi coi việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự ở tiểu lục địa và Ấn Độ Dương là một vấn đề nghiêm trọng và đang bắt tay với Washington để giải quyết tình trạng mất cân bằng đang diễn ra ở khu vực sân sau của Ấn Độ.

Đường hướng này đã phát triển theo thời gian và Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ là một phần quan trọng trong phản ứng của Ấn Độ đối với thách thức to lớn mà Trung Quốc đặt ra.

Ấn Độ sẽ tiếp tục gắn một số giá trị ngoại giao - nếu không muốn nói là chiến lược - vào một diễn đàn như BRICS. (Nguồn: Getty)

Không từ bỏ BRICS

BRICS là một phần trong chiến lược của Ấn Độ tại thời điểm thế giới đơn cực bắt đầu xuất hiện vào cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhiệt huyết của Delhi hiện nay đối với nhóm Bộ tứ là nhằm hạn chế những nguy cơ xuất hiện một châu Á đơn cực do Trung Quốc thống trị.

Điều này không có nghĩa là Ấn Độ sẽ từ bỏ BRICS. New Delhi sẽ tiếp tục gắn một số giá trị ngoại giao - nếu không muốn nói là chiến lược - vào một diễn đàn như BRICS.

Xét cho cùng, BRICS là một kênh liên lạc hữu ích giữa Delhi và Bắc Kinh vào thời điểm khó khăn trong quá trình phát triển quan hệ song phương Ấn-Trung. Đây còn là diễn đàn để Ấn Độ duy trì quan hệ đối tác lâu dài với Nga, Brazil và Nam Phi. Ấn Độ cũng coi trọng mối quan hệ với các quốc gia Trung Á trong SCO.

Một ngày nào đó, BRICS chắc chắn có thể trở thành một diễn đàn hiệu quả - khi New Delhi và Bắc Kinh giảm bớt nhiều mâu thuẫn, tranh chấp. Bộ tứ đang trong quá trình hồi sinh và phát triển và chắc chắn sẽ gặp phải những vấn đề của riêng mình. Thời báo Hoàn Cầu hoàn toàn sai khi cho rằng “phần đặt cược” của Ấn Độ vào nhóm Bộ tứ có thể tăng nhanh hơn là vào BRICS.

Nhiều nhà quan sát tỏ ra vui mừng khi các nhà lãnh đạo trong nhóm Bộ tứ cuối cùng đã đưa ra một tuyên bố chung. Tới nay thì 4 nước đã ra thông cáo báo chí riêng rẽ khi kết thúc mỗi cuộc thảo luận. Nhưng giá trị của các tuyên bố chung rất dễ bị đánh giá quá cao. Vấn đề quan trọng cuối cùng là mức độ hội tụ lợi ích của các bên.

Thời báo Hoàn Cầu hoàn toàn sai khi cho rằng “phần đặt cược” của Ấn Độ vào nhóm Bộ tứ có thể tăng nhanh hơn là vào BRICS.

Chẳng hạn, không từ nào trong một tuyên bố của BRICS có thể che đậy những mâu thuẫn ngày càng tăng giữa Ấn Độ và Trung Quốc hiện nay.

Trong khi đó, việc thiếu các tuyên bố chung không thể phủ nhận sự đồng nhất chiến lược ngày càng tăng giữa 4 nước thuộc nhóm Bộ tứ trong những năm gần đây.

Tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ và các văn bản liên quan bổ sung khoảng 1.600 từ. Để chương trình nghị sự mới dễ tiếp cận, nhóm Bộ tứ đã khái quát chủ trương trong 800 từ đăng trên tờ Washington Post. 800 từ này hiệu quả hơn nhiều so với 11.600 từ trong tuyên bố chung của hội nghị thượng đỉnh BRICS hồi tháng 11 năm ngoái.