Nhà thờ Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddin tại Bandar Seri Begawan, thủ đô Brunei. (Nguồn: Bernard Spragg/Flickr) |
Kể từ sau khi giành được độc lập (năm 1984) đến nay, Brunei Darussalam (Brunei) đã thành công duy trì ổn định chính trị và xác lập được vị thế, vai trò và ảnh hưởng trên trường quốc tế như một đối tác tin cậy của các nước. Một yếu tố quan trọng làm nên thành công này là do Chính phủ Brunei đã đề cao, phổ biến hệ tư tưởng “Quân chủ Hồi giáo Malay” trở thành triết lý dân tộc quốc gia.
Trong tuyên ngôn độc lập ngày 1/1/1984, Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah khẳng định hệ tư tưởng “Quân chủ Hồi giáo Malay” (Melayu Islam Beraja, MIB) là triết lý dân tộc của Brunei.
Thành tố “Malay” thể hiện nguồn gốc, chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa của người Brunei. Đến hết năm 2021, dân số Brunei là 440.715 người, trong đó công dân Brunei chiếm 75,7%, còn lại là thường trú nhân và người cư trú ngắn hạn. Người Malay chiếm 67,4%, còn lại là người gốc Hoa và một số tộc người khác. Ngôn ngữ chính thức ở Brunei là tiếng Malay.
Trong khi đó, thành tố “Hồi giáo” khẳng định Brunei là quốc gia Hồi giáo. Hiến pháp Brunei quy định “Hồi giáo” là quốc giáo của Brunei, truyền thống Sunni, trường phái Shafeite. Với Brunei, Hồi giáo không chỉ là tôn giáo, mà đã trở thành hệ ý thức định hình các quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn đạo đức và luật pháp.
Cuối cùng, thành tố “Quân chủ” thể hiện Brunei là quốc gia theo chế độ quân chủ chuyên chế tuyệt đối. Theo đó, Quốc vương có quyền lực tối cao trong các vấn đề lập pháp, hành pháp và tôn giáo. Hệ tư tưởng MIB có ảnh hưởng sâu sắc lên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và quan hệ đối ngoại của Brunei.
Tin liên quan |
Việt Nam bàn giao chức Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Cairo cho Brunei |
Ảnh hưởng toàn diện
Về tổ chức bộ máy và quản lý nhà nước, Quốc vương là nguyên thủ quốc gia, có quyền lực tối cao trong các vấn đề tôn giáo, chính trị, lập pháp và hành pháp. Quốc vương có toàn quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm các Bộ trưởng và thành viên nội các. Quốc vương hiện tại của Brunei là Quốc vương Hassanal Bolkiah ibni Omar Ali Saifuddien III, trị vì từ năm 1967 tới nay.
Thái tử kế vị hiện giữ chức Bộ trưởng cấp cao Văn phòng Thủ tướng. Các thành viên hoàng gia cũng nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong nội các. Quốc vương có quyền lực không giới hạn trong ban hành các sắc lệnh trong tình trạng khẩn cấp quốc gia. Các sắc lệnh này có thể trái Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
Các giá trị của MIB được đưa vào chủ trương chính sách quốc gia, quy định pháp luật và giáo dục. Bộ Tôn giáo và Bộ Giáo dục có chức năng tuyên truyền, giảng dạy các giá trị đạo đức MIB. Vụ Truyền thống và thông lệ, Cục ngôn ngữ và Văn học thuộc Văn phòng Thủ tướng được giao chức năng, nhiệm vụ thực hiện các giá trị của MIB. Trong khi đó, Bộ Tài chính và Thương mại, Bộ Y tế, Bộ Nguồn lợi cơ bản có các cơ quan quản lý, cấp phép cho thực phẩm Halal, cấp phép cho dịch vụ thương mại, các tổ chức tài chính theo tiêu chuẩn Hồi giáo. Tổng Chưởng lý có nhiệm vụ triển khai hệ thống luật và tư pháp Hồi giáo.
Về kinh tế, Brunei có nền kinh tế quy mô nhỏ, với tổng thu nhập quốc dân năm 2022 khoảng 39 tỉ USD. Nhờ vào nguồn thu lớn từ dầu mỏ, chiếm trên 60% GDP hàng năm cùng dân số nhỏ, thu nhập bình quân đầu người tại Brunei luôn ở mức cao, trên 30.000 USD/năm.
Tuy nhiên, nguồn dầu mỏ này được dự báo sẽ cạn dần từ năm 2030-2050. Trong bối cảnh đó, Brunei đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt theo Tuyên bố Tầm nhìn 2035 ban hành năm 2008.
Cụ thể, nước này xác định ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm và dịch vụ tiêu chuẩn Hồi giáo (Halal) là lĩnh vực mũi nhọn để thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế. Hiện thực phẩm Halal của Brunei đáp ứng tiêu chuẩn của các thị trường Hồi giáo khó tính nhất tại Trung Đông. Năm 2019, Brunei xếp thứ tám trong Bảng xếp hạng Hồi giáo Toàn cầu về xuất khẩu và phát triển công nghiệp Halal.
Hiện Brunei đang nỗ lực đẩy mạnh hợp tác trong khuôn khổ Phát triển Khu vực Đông ASEAN gồm: Brunei, Indonesia, Malaysia và Philippines (BIMP-EAGA), mục tiêu trở thành trung tâm khu vực về cung cấp, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm và dịch vụ Halal.
Với Brunei, Hồi giáo không chỉ là tôn giáo, mà đã trở thành hệ ý thức định hình các quy tắc ứng xử, tiêu chuẩn đạo đức và luật pháp. |
Về đối ngoại, trên cơ sở hệ tư tưởng MIB, Brunei triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, cân bằng quan hệ với các nước lớn để thúc đẩy lợi ích quốc gia phù hợp với tình hình, vai trò ở khu vực và thế giới.
Brunei duy trì quan hệ tốt đẹp với các láng giềng, thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), giữ quan hệ truyền thống đặc biệt với Malaysia và Singapore. Ngoài ra, nước này cũng duy trì quan hệ hữu nghị với phương Tây (Anh, Mỹ, Australia), đặc biệt là quan hệ với Anh để bảo đảm lợi ích về an ninh quốc phòng.
Mặt khác, Bandar Seri Begawan coi trọng quan hệ với Bắc Kinh vì lợi ích kinh tế: Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào Brunei với nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Bên cạnh đó, Brunei luôn chú trọng duy trì quan hệ tốt đẹp và tăng cường hợp tác kinh tế với các nước Trung Đông, khối Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) như Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Kuwait, Qatar, Oman và Iran. Nước này cũng ủng hộ người Hồi giáo tại các điểm nóng xung đột như người Palestine tại Trung Đông hay người Rohingya trong vấn đề Myanmar.
Trên bình diện đa phương, Brunei là thành viên của nhiều tổ chức, khuôn khổ khu vực và quốc tế quan trọng như Liên hợp quốc, OIC, Phong trào Không liên kết (NAM), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Về văn hóa, các giá trị của đạo Hồi hòa vào giá trị văn hóa Malay, bắt rễ sâu trong đời sống của mọi tầng lớp xã hội và hình thành nên chuẩn mực ứng xử chung của người Brunei như: Awar galat (khiêm nhường), Menuakan yang tua (tôn trọng người già), Menghormati ibu bapa (tôn trọng cha mẹ), Mentaari raja (trung thành với Quốc vương), Menjunjung adat (coi trọng, tiếp nối truyền thống), Identiti kebruneian (gìn giữ bản sắc Brunei).
Chính phủ áp dụng nhiều biện pháp hạn chế truyền bá tôn giáo khác tại Brunei để bảo đảm vai trò của Hồi giáo, không khuyến khích người dân tìm hiểu tín ngưỡng khác và cấm cải đạo. Nước này đưa MIB trở thành môn học bắt buộc ở cấp tiểu học và trung học, đồng thời theo dõi chặt chẽ báo chí, truyền thông cùng hoạt động công cộng liên quan.
Tiềm năng hợp tác rộng mở
Việt Nam có thể khai thác và ứng dụng các giá trị của hệ tư tưởng MIB để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ song phương với Brunei.
Việt Nam-Brunei chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992 và nâng cấp lên mức Đối tác toàn diện vào năm 2019. Trong hơn 30 năm qua, quan hệ hai nước đã chứng kiến nhiều bước phát triển quan trọng về mọi mặt.
Việt Nam và Brunei có cơ chế hợp tác Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác song phương (JCBC) do Bộ trưởng Ngoại giao làm Chủ tịch phân ban, nhằm rà soát và định hướng phát triển quan hệ hai nước, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Năm 2022, JCBC đã họp lần thứ hai nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ song phương. Hai bên đã ký Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Brunei giai đoạn 2023-2027 nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sang Brunei (02/2023).
Việc duy trì tương đối thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao những năm qua đã khiến Việt Nam và Brunei trở nên gắn bó hơn, củng cố tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác, duy trì ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế.
Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah và Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Bandar Seri Begawan tháng 2/2023. (Ảnh: Dương Giang) |
Hợp tác kinh tế-thương mại là một trong các trụ cột chính của quan hệ song phương Việt Nam - Brunei. Năm 2020-2021, ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở cả hai nước khiến trụ cột này chưa được triển khai hiệu quả. Bước sang năm 2022, giao thương giữa hai nước đã phục hồi mạnh mẽ. Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 726 triệu USD, vượt mục tiêu đặt ra 134% trước thời hạn năm 2025.
Tuy nhiên, dù đã tăng mạnh, nhưng kim ngạch thương mại song phương vẫn chưa tương xứng với tiềm năng hai nước. Việt Nam vẫn là bên nhập siêu hơn 90% tổng kim ngạch thương mại. Hiện doanh nghiệp Việt Nam chưa có nhiều dự án đầu tư, kinh doanh tại Brunei. Thời gian tới, hai nước cần đặt ra mục tiêu kim ngạch thương mại mới và hướng tới điều chỉnh cán cân thương mại cân bằng hơn.
Hiện nay, Chính phủ Brunei đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, nâng cao năng lực của các ngành kinh tế tư nhân, cải thiện cơ sở hạ tầng theo Tầm nhìn 2035. Đây là cơ hội và thời điểm vàng để Việt Nam xúc tiến thương mại, đầu tư, đưa doanh nghiệp tham gia vào quá trình này thông qua các hình thức hợp tác, liên doanh với đối tác Brunei, đặc biệt trong ngành năng lượng, hoá chất và công nghiệp thực phẩm Halal. Brunei có thể là cửa ngõ để Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ Halal sang các thị trường Hồi giáo thứ ba.
Về giao lưu nhân dân, các hoạt động trao đổi văn hóa giữa hai nước diễn ra phong phú, sôi nổi với nhiều hoạt động hội chợ triển lãm văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực. Trong đó, nổi bật là hợp tác trao đổi sinh viên giữa Trường Đại học quốc gia Brunei với Đại học FPT Đà Nẵng.
Bên cạnh đó, tăng cường hiểu biết về văn hóa Hồi giáo tại Việt Nam cũng đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực kết nối nhân dân hai nước, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam. Đồng thời, nó sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường Brunei và thị trường Hồi giáo hơn 1,9 tỷ người dễ dàng hơn, thúc đẩy ngành công nghiệp Halal của Việt Nam, qua đó thắt chặt hơn nữa quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước Đông Nam Á.
(*) Nghiên cứu sinh tại Trường Đại học Quốc gia Brunei.
(**) Bí thư thứ 3, Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei Darussalam.
| Khám phá Brunei qua 5 điểm đến thú vị Là một điểm đến thú vị mà du khách Việt không phải xin visa ở Đông Nam Á, so với các quốc gia khác, dường ... |
| Việt Nam bàn giao chức Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Tehran cho Brunei Ngày 30/11, tại thủ đô Tehran, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran - Chủ tịch đương nhiệm Ủy ban ASEAN-Tehran (ATC) đã tổ chức ... |
| Việt Nam bàn giao chức Chủ tịch Ủy ban ASEAN tại Cairo cho Brunei Ngày 26/02, Đại sứ Nguyễn Huy Dũng chủ trì phiên họp thường kỳ hàng tháng lần thứ 265 của Ủy ban ASEAN tại Cairo (ACC). |
| ASEAN 42: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Quốc vương Brunei Sáng 10/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah nhân dịp cùng dự Hội nghị Cấp ... |
| Tăng cường kết nối, cụ thể hóa cơ hội hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Brunei Tại các cuộc gặp, làm việc, hai bên nhất trí cần tăng cường các hoạt động quảng bá, kết nối các cơ quan và doanh ... |