Thương vụ này hứa hẹn sẽ “cứu” hàng nghìn việc làm ở Anh. (Nguồn: British Steel/Twitter) |
Nhận định về thương vụ này, các chuyên gia cho rằng, đây sẽ là bước đi quan trọng để thép Trung Quốc có thể tràn vào thị trường châu Âu, trong bối cảnh ngành thép của nước này đang phải đối mặt với tình trạng dư cung thép do sản lượng gia tăng.
Thương vụ chiến lược
British Steel đang sử dụng khoảng 5.000 lao động và tạo ra 20.000 việc làm liên quan tới chuỗi cung cấp của doanh nghiệp này. Khoảng 4.000 lao động của British Steel làm việc ở Anh và 1.000 lao động khác ở Pháp và Hà Lan. Theo Jingye, thương vụ này hứa hẹn sẽ “cứu” hàng nghìn việc làm ở Anh khi hai doanh nghiệp kết hợp thành một tập đoàn lớn trên thế giới.
Ngoài ra, Jingye cho biết sẽ đầu tư 1,2 tỷ Bảng Anh (1,5 tỷ USD) trong thập niên tới để vực dậy và phát triển British Steel trên một nền tảng bền vững và có sức cạnh tranh tốt. Trong khi đó, hồi tháng 5/2019, British Steel đã tuyên bố phá sản.
Theo thương vụ trên, Jingye sẽ mua các cơ sở sản xuất của British Steel tại Scunthorpe thuộc miền Bắc nước Anh cũng như các nhà máy khác trên cả nước. Ngoài ra, thương vụ này cũng bao gồm việc Jingye mua lại cổ phần của British Steel ở doanh nghiệp sản xuất thép FN Steel (Hà Lan), British Steel France và công ty chế tạo TSP Engineering.
British Steel do Chính phủ Anh điều hành thông qua một công ty tư nhân chuyên về quản trị doanh nghiệp kể từ tháng 5/2019, do công ty mẹ của British Steel là Greybull Capital đã từ bỏ vì lo ngại những ảnh hưởng từ sự kiện Anh rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Ngành công nghiệp thép của Anh đã phải đối mặt với nhiều thách thức khi hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường trong nhiều năm. Nếu việc mua lại British Steel thành công, Tập đoàn Jingye hướng tới mục tiêu gia tăng sản lượng cùng với cắt giảm chi phí nhằm giúp nâng sản lượng thép hàng năm tại vùng Scunthorpe của Anh từ 2,5 triệu tấn lên hơn 3 triệu tấn.
Dư cung còn kéo dài
Trong vài năm trở lại đây, ngành công nghiệp thép thế giới nói chung và ở Trung Quốc nói riêng luôn ở trong tình trạng dư thừa nguồn cung do năng lực sản xuất vượt quá nhu cầu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng, ngành sản xuất thép thế giới đã giảm liên tiếp trong vài năm gần đây, song vẫn chưa đủ để giải tỏa tình trạng dư thừa nguồn cung.
Theo dự báo của OECD, từ năm 2018 đến năm 2020, công suất sản xuất thép toàn cầu sẽ tăng thêm 52 triệu tấn do sẽ có nhiều quốc gia mở rộng năng lực sản xuất.
Trước đó, Hiệp hội Thép Thế giới cho biết, tổng sản lượng thép thô trên toàn thế giới đã đạt 1,88 tỷ tấn năm 2018, tăng 4,6% so với năm 2017. Trong đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng đầu, đạt 928,3 triệu tấn năm 2018 (tăng 6,6%) và chiếm tỷ trọng 51,3% tổng sản lượng thép toàn cầu, tăng nhẹ so với con số 50,3% năm 2017.
Xếp sau Trung Quốc lần lượt là Ấn Độ (106,5 triệu tấn), Nhật Bản (104,23 triệu tấn) và Mỹ (86,7 triệu tấn). Ấn Độ từng đứng thứ ba trong năm 2017, nhưng đã vượt qua Nhật Bản, vươn lên thứ hai trong năm 2018.
Mới đây, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) cho biết, doanh thu của ngành công nghiệp sắt thép nước này trong 8 tháng tính từ đầu năm nay tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước lên 5.580 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 788,7 tỷ USD.
Trong giai đoạn từ tháng 1-9/2019, sản lượng gang thép của Trung Quốc tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 612 triệu tấn, trong khi thép thô tăng 8,4% lên tới 748 triệu tấn.
Theo MIIT, trong giai đoạn 9 tháng đầu năm nay, sản lượng thép cuộn của Trung Quốc tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt 909 triệu tấn. Tuy vậy, xuất khẩu thép của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 3 quý đầu năm nay giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, ở mức khoảng 50,3 triệu tấn, trong lúc nhập khẩu giảm 12,2%, xuống còn 8,75 triệu tấn.