TIN LIÊN QUAN | |
Tuyên bố của Đại diện cấp cao EU về phán quyết của Tòa trọng tài | |
Phán quyết của PCA: Bước ngoặt trong tranh chấp Biển Đông? |
PGS.TS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định như vậy trong cuộc phỏng vấn với Báo Thế giới & Việt Nam sau phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc.
PGS. TS Phạm Quang Minh. |
Ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của phán quyết này?
Theo tôi, phán quyết mang ý nghĩa lịch sử. Bởi lẽ, từ trước đến nay, tranh chấp giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á kéo dài rất lâu. Mặc dù hai bên đã có một số thỏa thuận như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) hay Bản hướng dẫn thực hiện DOC, song vẫn không giải quyết một cách căn bản về tranh chấp của các bên.
Chính vì vậy, phán quyết là bước tiến rất lớn, có thể coi là bước ngoặt trong việc hướng tới giải quyết tranh chấp giữa các bên ở Biển Đông.
Đây là cách giải quyết văn minh nhất, được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế. Luật pháp quốc tế thực sự chưa được tôn trọng trong một số trường hợp, nhưng suy cho cùng, đây vẫn là một biện pháp giải quyết hòa bình các tranh chấp. Chúng ta đang hướng tới một xã hội thượng tôn pháp luật. Tôi nghĩ phán quyết sẽ có tác động rất mạnh mẽ đối với cả bên kiện và bên bị kiện. Vụ kiện là hình mẫu cho những quốc gia khác trong khu vực, có thể vận dụng và học tập kinh nghiệm.
Vậy theo ông, thái độ và cách hành xử của Philippines sắp tới sẽ như thế nào?
Tôi cho rằng Philippines rất vui mừng, vì khi quyết định nộp đơn lên Tòa trọng tài, quốc gia này cũng đã phải cân nhắc rất kỹ về lợi ích chính trị, kinh tế, an ninh cũng như quốc phòng. Philippines biết rằng họ là một nước nhỏ hơn Trung Quốc, do vậy, khi khởi xướng vụ kiện, họ có thể phải trả cái giá rất đắt. Trung Quốc có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt và trên thực tế, Bắc Kinh đã làm như vậy. Có thể khẳng định việc kiện Bắc Kinh ra Tòa trọng tài là một quyết định rất dũng cảm của Manila.
Hội đồng Trọng tài 5 thành viên thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 thụ lý vụ kiện của Philippines. |
Cho dù chỉ được Tòa xem xét 7/15 điểm, tức khoảng một nửa yêu cầu, nhưng đây vẫn thể hiện sự thành công rất lớn của Philippines. Điều đó cho thấy pháp luật vẫn còn có ý nghĩa, luật pháp quốc tế vẫn còn sức mạnh để bảo vệ lợi ích của những nước nhỏ trước nước lớn.
Hiện tại, đối với Philippines, quan trọng nhất là làm thế nào để thực hiện phán quyết của Tòa. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào tân Tổng thống Rodrigo Duterte, người vốn có quan điểm ôn hòa hơn trong quan hệ với Trung Quốc so với người tiền nhiệm. Chúng ta đang trông đợi vào cách ứng xử của ông Duterte trong quan hệ với Trung Quốc. Ông Duterte một mặt phải chịu áp lực lớn trước sức ép của nhân dân, mặt khác là sức ép trong quan hệ với một nước lớn. Thời quan qua cho thấy, bất chấp việc Trung Quốc gây khó khăn trong quan hệ kinh tế giữa hai bên, song Philippines vẫn có sự phát triển kinh tế rất tốt. Thực tế này tạo niềm tin cho lãnh đạo và người dân Philippines.
Có người cho rằng việc phán quyết là minh chứng cho thành công của các nước nhỏ trong cuộc đấu tranh với các nước lớn, ông nghĩ sao về nhận định này?
Nhận định này chỉ đúng một phần. Nếu như những nước nhỏ có ứng xử không đúng mực hay đưa ra những yêu cầu trái với luật pháp thì Tòa cũng không thể xử thuận cho họ.
Từ trước đến nay trong lịch sử, quan điểm “chân lý thuộc về kẻ mạnh” đã từng xảy ra cho nên nhiều người nghĩ phán quyết là thắng lợi của nước nhỏ nhưng suy cho cùng, tôi nhấn mạnh đây là thắng lợi của công lý và của luật pháp quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, tinh thần thượng tôn pháp luật phải được đề cao. Luật pháp hơn bao giờ hết phải được cả nước lớn và nước nhỏ tôn trọng. Các nước lớn không được phép tạo ra những tiền lệ xấu để các nước nhỏ có cảm giác thất vọng hoặc cảm thấy không còn hy vọng về một tương lai mà ở đó pháp luật được thừa nhận.
Còn về phía Trung Quốc, từ trước tới nay, nước này có quan điểm không chấp nhận bất kỳ phán quyết nào của Tòa trọng tài. Ông đánh giá như thế nào về thái độ đó?
Ngay từ đầu, Bắc Kinh đã không đồng ý tham gia vụ kiện, gây khó khăn cho Manila. Trong quá trình diễn ra vụ kiện, Bắc Kinh cũng đã có lời cảnh báo về mức độ thiệt hại nếu Manila quyết định theo đuổi vụ kiện. Nước này cũng tiến hành các biện pháp vận động các quốc gia khác ủng hộ lập trường của mình và phản đối Philippines.
Trong thời gian trước khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết, Trung Quốc đã dùng rất nhiều biện pháp, đặc biệt là biện pháp ngoại giao. Họ có đưa danh sách khoảng 60 quốc gia ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có 8 quốc gia công khai ủng hộ quan điểm của nước này trong tranh chấp Biển Đông và đây là các quốc gia nhỏ, nằm ở vị trí xa, không liên quan đến tranh chấp. Điều đó cho thấy quan điểm của Trung Quốc không được thế giới ủng hộ.
Dự đoán của ông về các hành động tiếp theo của Trung Quốc trên Biển Đông sau phán quyết của Tòa?
Tôi cho rằng, thứ nhất, về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã đưa ra các tuyên bố chính thức. Thứ hai, Trung Quốc có thể sẽ có các phản ứng cứng rắn, có nghĩa là bất chấp tất cả và tiếp tục khẳng định lập trường của họ bằng cách tiếp tục bồi đắp những thực thể mà họ cải tạo trong vòng hơn một năm qua, đồng thời quân sự hóa, thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ). Thậm chí, Bắc Kinh có thể rút ra khỏi Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Thứ ba, Trung Quốc có thể sẽ xuống thang, xoa dịu các nước bằng cách tỏ ra tuân thủ phán quyết, để làm vừa lòng cộng đồng quốc tế cũng như các nước trong khu vực. Thế nhưng, trên thực tế, họ vẫn ngấm ngầm củng cố các vị trí mà họ đã cải tạo. Trong hai kịch bản “cứng rắn” và “mềm dịu” này, theo tôi, có lẽ Trung Quốc sẽ chọn xu hướng xoa dịu.
Vậy theo ông, thái độ của Mỹ sau phán quyết của Tòa trọng tài về vấn đề Biển Đông này như thế nào?
Theo tôi, Mỹ vui mừng trước thắng lợi của Philippines - một đồng minh của mình. Mặc dù không ký kết tham gia UNCLOS, nhưng điều quan trọng nhất đối với Mỹ là tự do hàng hải, tự do hàng không.
Với phán quyết này, việc tự do hàng hải và hàng không của các nước được bảo đảm bởi vì các thực thể ở Biển Đông không có Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) cũng như thềm lục địa. Bản đồ “đường chín đoạn” của Trung Quốc cũng không có giá trị. Như vậy, Mỹ đã đạt được lợi ích của mình và của các đồng minh.
Trong chiến lược “Xoay trục”, Mỹ ngoài việc muốn đảm bảo vị thế số một của mình thông qua các hoạt động tự do hàng hải và hàng không, nước này còn muốn bảo vệ các đồng minh. Mong muốn này được thể hiện qua hoạt động như tập trận chung. Việc giữ cho môi trường khu vực hòa bình, ổn định; củng cố hợp tác với các nước ASEAN là điểm đặc biệt trong chiến lược của Mỹ. Mỹ đã ủng hộ sáng kiến của các nước vừa và nhỏ, các cơ chế đa phương như ASEAN, do đó, Mỹ cũng hài lòng với phán quyết trên.
Theo ông, liệu phán quyết của Tòa có đưa Trung Quốc tiến gần hơn tới bàn đàm phán, cùng các nước ASEAN sớm đưa ra được Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC)?
Có lẽ về lâu dài, hướng đi sẽ được Trung Quốc thực hiện. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Trung Quốc sẽ không hành xử như vậy. Để một quốc gia thay đổi lập trường của mình, nhất là một trong những lập trường mà nước đó nói là liên quan tới lợi ích cốt lõi, không hề dễ dàng. Dù phản ứng của Bắc Kinh có theo chiều “cứng rắn” hay “mềm mỏng” thì theo tôi, điểm cốt lõi vẫn là nhằm duy trì lợi ích của họ.
Do vậy, để lãnh đạo Trung Quốc thay đổi nhận thức cũng như quan điểm cần một khoảng thời gian rất dài. Ở thời điểm hiện tại, lãnh đạo Trung Quốc đang ở vị thế vô cùng khó khăn. Cụ thể, nếu chính quyền của ông Tập Cận Bình ngay lập tức thay đổi lập trường thì Bắc Kinh sẽ mất đi vị thế, uy tín trong con mắt chính người dân trong nước. Song nếu nước này không thực hiện các phán quyết của tòa thì uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế sẽ bị suy giảm. Nhưng theo tôi, có lẽ việc Trung Quốc thực hiện phán quyết có thể tiếp tục giữ được vị thế của mình cả trong nước và quốc tế.
Theo ông, trong thời gian tới, ASEAN có thể đưa ra tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông hoặc phán quyết của Tòa trọng tài hay không?
Điều này phụ thuộc vào hai điểm quan trọng. Thứ nhất, trong cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao (AMM) sắp tới ở Lào, Ngoại trưởng các nước ASEAN phải bàn bạc rất kỹ để có được tiếng nói chung. Tinh thần thống nhất và đoàn kết sẽ tạo ra vị thế cũng như uy tín cho ASEAN.
Thứ hai là yếu tố nước Chủ tịch của ASEAN 2016-Lào. Tuy là một nước nhỏ trong ASEAN nhưng Lào cũng có vị thế và tầm ảnh hưởng nhất định, có quan hệ chặt chẽ với Việt Nam và Trung Quốc. Hội nghị AMM sắp tới có thể sẽ là phép thử quan trọng, không chỉ đối với quan hệ song phương Việt - Lào, mà còn với sự đoàn kết và thống nhất của ASEAN. Tôi tin rằng Lào sẽ dung hòa hai yếu tố này.
Xin cảm ơn ông.
Tướng lĩnh Philippines lắng nghe quan điểm của Việt Nam về Biển Đông Sáng 19/7, Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương đã tham dự cuộc gặp mặt thường kỳ của Hiệp hội Tướng lĩnh và ... |
Người Việt tại Ba Lan hoan nghênh phán quyết của Tòa trọng tài Cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan vừa tổ chức mít tinh tại thủ đô Warsaw hoan nghênh phán quyết của Tòa Trọng tài ... |
Quan hệ Philippines - Trung Quốc: Có được “hâm nóng”? Liệu cặp quan hệ này sẽ trở nên nồng ấm sau những tháng ngày bị phủ bóng bởi tranh chấp Biển Đông? |