TIN LIÊN QUAN | |
ASEAN trong cạnh tranh Trung - Mỹ | |
Quan hệ Mỹ - Trung "làm khó" ASEAN |
Trong năm 2017, nước Mỹ đã có Tổng thống mới, Trung Quốc (TQ) cũng đã họp xong Đại hội Đảng lần thứ 19, đánh dấu kết thúc nhiệm kỳ đầu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, hai lần gặp gỡ và thảo luận giữa lãnh đạo hai nước đã không mang lại nhiều tiến triển trong những vấn đề quan trọng. Mặc dù Mỹ - Trung đã nhất trí xây dựng bốn cơ chế đối thoại mới cho hợp tác, nhưng mặt cạnh tranh cũng nổi lên ngày một rõ nét. Trong bối cảnh như vậy, với sự vươn mình mạnh mẽ của Bắc Kinh và những “bước lùi” từ phía Washington, nhiều người đã đặt câu hỏi: Phải chăng thế kỷ của Trung Quốc đã bắt đầu?
Liệu Trung Quốc sẽ thay thế vị trí dẫn dắt của Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương - Ảnh minh họa. (Nguồn: HuffingtonPost) |
Đa phương hay song phương?
Hai đặc điểm quan trọng trong chính sách của Mỹ hiện nay là chú trọng các cơ chế song phương và đòi hỏi sự công bằng trong các mối quan hệ, giảm gánh nặng và chi phí cho nước Mỹ. Chỉ trong 100 ngày sau khi trở thành Tổng thống, ông Donald Trump đã đưa nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), xem xét lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Thậm chí, có nhiều bình luận ám chỉ rằng nước Mỹ có thể rời bỏ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này có thể gây ảnh hưởng đến mô hình “trục – nan hoa” của Mỹ, do các nước “nan hoa” bị suy giảm lợi ích từ các điều chỉnh này. Mặc dù Tổng thống Trump đã nêu lên khái niệm Ấn Độ - Thái Bình dương, nước Mỹ chưa cho thấy họ thực sự có kế hoạch cụ thể nào cho việc bồi đắp một hệ sinh thái đa phương như vậy.
Trái ngược với Mỹ, sân khấu toàn cầu hóa chứng kiến sự đổi vai vào những ngày đầu của năm 2017, khi TQ hiện ra như hình ảnh của quốc gia thúc đẩy chủ nghĩa tự do về kinh tế. Sau Đại hội 19 vừa qua, TQ còn tự tin giới thiệu “giải pháp Trung Quốc” và “mô hình Trung Quốc”, một sự kết hợp giữa ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế nhanh cho các nước khác.
Cuộc đua kinh tế đang nổi lên như một cách để các cường quốc xác lập phạm vi và ảnh hưởng của mình. Trung Quốc hiện đang vươn lên mạnh mẽ trong vai trò đầu tàu kinh tế của châu Á. Chỉ riêng Đông Nam Á, đến cuối năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều TQ – ASEAN đã đạt 452,2 tỷ USD, đưa TQ thành đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn thứ hai và thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của ASEAN. Đầu tư trực tiếp của TQ vào ASEAN tính theo giá trị cộng dồn đến tháng 5/2017 đạt 183 tỷ USD.
Những diễn biến gần đây cho thấy các quốc gia vẫn có khuynh hướng hội tụ về các cơ chế đa phương mang tính khu vực nhằm tìm kiếm không chỉ cơ hội hợp tác, mà còn tìm kiếm điểm cân bằng chiến lược. Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, đàm phán TPP-11 vẫn được thúc đẩy, các nước cuối cùng đã thông qua Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trong khi đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện khu vực (RCEP) tiếp tục được đẩy mạnh, song hành với việc các nước châu Á – Thái Bình Dương triển khai Tuyên bố Lima, hướng tới thành lập Khu vực Thương mại Tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Điều này đem lại lợi thế lớn cho TQ trong cuộc đua củng cố ảnh hưởng ở từng khu vực.
Năng lực thiết lập luật chơi
Việc dẫn dắt các cơ chế đa phương bao gồm thiết kế luật chơi, hoặc phải làm chủ cuộc chơi. Điều này đòi hỏi các nước đứng đầu phải có nguồn lực tài chính và năng lực áp đặt, hoặc sự hấp dẫn của thể chế chính trị. Thế mạnh của Mỹ luôn là xây dựng luật chơi mới có chuẩn mực cao hơn các luật chơi cũ, cũng như thúc đẩy các nền kinh tế tuân thủ các nguyên tắc thị trường một cách nghiêm ngặt và minh bạch hơn. Vì vậy, cho dù đã rút khỏi TPP, Mỹ vẫn có thể thúc đẩy việc định hình và thực thi các chuẩn mực chất lượng cao bằng bốn cách.
Đầu tiên, Washington cần thúc đẩy thuận lợi hoá thương mại và đầu tư song phương hướng đến các quy định có đòi hỏi cao hơn về môi trường, thể chế và con người.
Bên cạnh đó, Mỹ có thể làm việc với các ngân hàng đa phương và các kênh song phương để đạt được sự chấp thuận trong việc thiết lập các nguyên lý quản trị trong hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu vực. Mỹ có thể chọn Singapore, Nhật Bản hay một nước đang phát triển trong khu vực để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng mềm (soft infrastructure).
Ngoài ra, Washington nên tham gia và khuyến khích các sáng kiến đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng cao trong khu vực, chẳng hạn như sáng kiến của Nhật Bản. Năm 2015, Nhật Bản đưa ra ý tưởng “Sáng kiến cơ sở hạ tầng chất lượng cao” (Quality Infrastructure Initiative). Trong vòng 5 năm (2016 – 2020), Nhật Bản sẽ đầu tư mới 110 tỷ USD (nhiều hơn 10 tỷ USD so với quy mô vốn điều lệ của AIIB) vào các dự án cơ sở hạ tầng tại châu Á. Vào tháng 6/2016, tại cuộc họp G20 diễn ra tại Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe tiếp tục nâng tầm sáng kiến nêu trên thành một kế hoạch hành động mới mang tên “Đối tác cơ sở Hạ tầng Chất lượng cao” (QIP – Quality Infrastructure Partnership), đồng thời kêu gọi Mỹ và các nước EU cùng tham gia.
Cuối cùng, Mỹ có thể hành động nhằm chống lại các chính sách bảo hộ đầu tư và thương mại, hoặc các chính sách vi phạm sở hữu trí tuệ gây phương hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài.
Có thể thấy trong cuộc chơi này, TQ không có thế mạnh như Mỹ. Sau 15 năm gia nhập WTO, quốc gia này vẫn bị chỉ trích vì việc ngày càng bảo vệ thị trường trong nước cho các tập đoàn kinh tế nhà nước. Năm 2016, TQ đầu tư sang châu Âu 35,1 tỷ Euro, trong khi mức đầu tư trực tiếp của khu vực đồng Euro sang TQ chỉ bằng khoảng 1/8 con số này. Trong khi con số đầu tiên thể hiện nhu cầu đầu tư ra bên ngoài của TQ đang tăng vọt, con số thứ hai lại cho thấy một thực trạng mà Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) từng phản ánh: TQ ngày càng ứng xử ít mang tính kinh tế thị trường hơn.
Cạnh tranh đầu tư
Chính phủ của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng bị chỉ trích vì đứng ngoài sáng kiến thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) của TQ vào năm 2015. Những chỉ trích này lập luận rằng khi Washington không chủ động tham dự vào cuộc chơi của Bắc Kinh, nước này sẽ không thể can dự vào hoạt động và dẫn dắt các cuộc chơi này theo chuẩn tắc chung đã được thiết lập.
Tuy nhiên, Mỹ đã nhanh chóng quay lại. Tại APEC Việt Nam 2017, Tổng thống Donald Trump đã tái khẳng định quan điểm về đầu tư nâng cao chất lượng. Trong bài phát biểu tại Đà Nẵng, ông cho rằng Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cần tập trung vào các công trình cơ sở hạ tầng chất lượng cao và các định chế phát triển của Mỹ như Tập đoàn Đầu tư Tư nhân ở Hải ngoại (OPIC) sẵn sàng tham gia vào quá trình này.
Đối với TQ, quốc gia này cũng đẩy mạnh các sáng kiến kinh tế đối ngoại, thúc giục các nước phối hợp với TQ để xây dựng các mô hình hợp tác kinh tế chưa từng có tiền lệ. Về thương mại và sản xuất, TQ hiện đẩy mạnh hợp tác với nhiều nước theo nhiều mô hình khác nhau. Tại Pakistan, TQ đang xây dựng khu kinh tế đặc biệt tại Cảng nước sâu Gwadar. Tại Myanmar, TQ đã giành được quyền xây dựng Đặc khu Kinh tế Kyaukpyu. Tại Campuchia, TQ cũng thuê đất và xây dựng Đặc khu Kinh tế Sihanoukville. Những mô hình hợp tác mới mà TQ đang thúc đẩy mạnh mẽ tại nhiều quốc gia thuộc phạm vi sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) trong đó có cả Việt Nam, là mô hình “hợp tác năng lực sản xuất (production capacity cooperation)” và “khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới”.
Nhiều nhận xét cho rằng các chính sách hiện thời của Mỹ đã vô tình trao cho TQ cơ hội vươn lên để dẫn dắt cuộc chơi ở khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, cùng với sức mạnh kinh tế và sự tự tin chính trị của mình, TQ đang sốt sắng đưa ra nhiều lời mời hợp tác vô cùng hấp dẫn với các nước đang phát triển.
Tuy nhiên, sự lo lắng về “thế kỷ Trung Quốc” có thể đã bị thổi phồng. Nhưng rõ ràng, nước Mỹ đang cảm nhận được hơi nóng mà TQ phả vào gáy mình tại các lĩnh vực trước đây họ từng thống lĩnh. Cạnh tranh Trung - Mỹ vừa tạo ra tình thế khó khăn cho các nước, nhưng cũng góp phần nâng cao chất lượng quản trị, tạo cơ hội cho những thể chế hợp tác mới có chất lượng hơn hình thành.
TS. Phạm Sỹ Thành
Giám đốc Chương trình Nghiên cứu
Kinh tế Trung Quốc – Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
Mỹ có nên chia sẻ vị trí bá chủ của mình? (phần II) Như học giả người Hy Lạp Robert Kagan đã từng viết: Các siêu cường không bao giờ rút lui, họ chỉ có thể bị buộc ... |
Nước Nga trong mắt Trung Quốc (Kỳ 2): Cuộc chơi ba bên Quan hệ giữa Trung Quốc, Nga, và Mỹ hiện nay giống như một tam giác lệch... |
Phương Đông chấn động Hệ thống quan hệ quốc tế khu vực châu Á đang có sự chuyển đổi mạnh mẽ bởi những thay đổi to lớn, bắt nguồn ... |