📞

Các nhà tình báo làm gì trong đại dịch Covid-19?

Lê Ngọc 15:27 | 08/04/2020
TGVN. Giống như nhiều cuộc chiến trong suốt chiều dài lịch sử, trong trận chiến với đại dịch Covid-19, các cơ quan tình báo có vai trò rất lớn.
Thông tin về COVID-19 và tỷ lệ lây nhiễm… là bí mật quốc gia. (Nguồn: Top War)

Đại dịch Covid-19 đang lan rộng trên toàn thế giới không chỉ là một báo động đỏ về sức khỏe cộng đồng, mà đặt ra những mối đe dọa chưa từng có tiền lệ đối với vấn đề an ninh quốc gia và quốc tế... Giống như trong các cuộc chiến trong suốt lịch sử nhân loại và dù không công khai nhưng trong cuộc chiến với Covid-19, các cơ quan tình báo có vai trò rất lớn. Theo tác giả Calder Walton trong bài viết “Spies Are Fighting a Shadow War Against the Coronavirus” (tạm dịch là “Các điệp viên đang trong cuộc chiến vô hình chống coronavirus”, đăng trên trang ForeignPolicy.com, có nhiều cách tình báo có thể đóng góp cho cuộc chiến chống Covid-19.

Cách thứ nhất, tình báo cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách những đánh giá về sự lây lan cũng như tác động của chủng loại virus này. Cộng đồng tình báo Mỹ hiện đã có một cơ sở chuyên ngành trên tuyến đầu chống Covid-19 - Trung tâm Quốc gia về Tình báo Y tế (NCMI), có trụ sở tại Fort Detrick (bang Maryland). Với biên chế gồm các nhà dịch tễ học, virus học cùng các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác, NCMI hoạt động như một cơ quan xử lý tất cả các thông tin về virus của tình báo Mỹ.

Kế tục tiền thân từ thời Chiến tranh Lạnh, NCMI "là tai, là mắt" của Mỹ về các mối đe dọa sinh học. Theo báo cáo công khai, ngày từ tháng Một và tháng Hai vừa qua, giới tình báo Mỹ đã cảnh báo chính quyền Trump về mối đe dọa của virus lây lan từ thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) - nơi virus chết người này bắt nguồn và trở thành đại dịch, nhưng Tổng thống Donald Trump đã phớt lờ. Thất bại của Mỹ trong ứng phó với Covid-19 không phải do tình báo Mỹ đã không cảnh báo các nhà hoạch định chính sách, mà đã không thành công trong thuyết phục Nhà Trắng đưa ra đối sách phòng chống đại dịch này.

Cách thứ hai, các cơ quan tình báo có thể "thu thập" các bí mật liên quan đến virus, bao gồm cả độ chính xác của tỷ lệ lây nhiễm được công bố chính thức. Theo đánh giá của tình báo Mỹ, Trung Quốc đã che giấu sự bùng phát virus ban đầu, trong khi Nga có mức độ nhiễm Covid-19 chính thức lúc đầu thấp đáng ngờ, nhưng hiện các nước này đã áp dụng chế độ bảo mật chặt chẽ. Do đó, tình báo Mỹ và các đối tác của họ có nhiệm vụ xác minh các số liệu chính thức đó. Một số thông tin tình báo dạng này sẽ thu được từ hoạt động gián điệp, theo truyền thống lâu đời - tuyển dụng nguồn nhân lực có quyền truy cập thông tin mật liên quan, hoặc nhờ tình báo kỹ thuật, chẳng hạn như tín hiệu hoặc hình ảnh tình báo để minh chứng sự lừa dối của các nước về Covid-19.

Covid-19, “sân chơi” vô tiền khoáng hậu của tình báo. (Nguồn: The Register)

Cách thứ ba, các cơ quan tình báo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc đối phó với SARS-CoV-2 và các đại dịch trong tương lai, bằng cách chống thông tin giả. Bắc Kinh và Washington hiện đang tham gia vào một trận chiến tuyên truyền rằng họ dẫn đầu thế giới trong việc đánh bại Covid-19, và mô hình nào có thể bảo vệ công dân tốt hơn. Khi tỷ lệ lây nhiễm của Mỹ tăng theo cấp số nhân, và số ca thiệt mạng do Covid-19 của Mỹ vượt Trung Quốc, xem ra Washington đang thua trong trận chiến quyền lực mềm này.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi đối mặt với một loại virus mới gây chết người, không có cách chữa trị, các cộng đồng bối rối, sợ hãi và hỗn loạn, và đó là cơ sở sự bí ẩn và việc thông tin bị bóp méo. Trong những trường hợp như vậy, bản chất con người có xu hướng tìm kiếm lời giải thích, và bàn tay bí mật của một chính phủ nước ngoài là một cách hấp dẫn và hợp lý để giải thích điều không thể giải thích.

Ngày nay, các tài khoản truyền thông xã hội trực tuyến ảo là nhân tố gây mất uy tín của Chính phủ Mỹ. Một sự khác biệt lớn khác giữa các phản ứng của Mỹ trong quá khứ và hiện tại đối với thông tin về đại dịch là thông tin sai của Nhà Trắng hiện tại về Covid-19. Tổng thống Trump được cho là đã đưa ra nhiều tuyên bố và chỉ đạo sai về virus corona và sự lây lan của nó. Không giống như các tổng thống trước đây, ông Trump đã đặt câu hỏi liệu có chính phủ nào trung thực về điều đó. Ông tuyên bố mọi quốc gia đều công bố thông tin sai lệch về virus - ám chỉ đó không phải là vấn đề lớn...

Nhiều “ngón nghề” sở trường sẽ được các cơ quan tình báo tung ra để thu thập thông tin về Covid-19. (Nguồn: ABC)

Cuối cùng, tình báo có thể giúp chống lại Covid-19 và các đại dịch khác thông qua giám sát. Ở đây, Trung Quốc có những lợi thế lớn sẵn có so với một số nước phương Tây vốn đề cao việc tôn trọng luật pháp và tự do dân sự. Trung Quốc đã triển khai giám sát hàng loạt công dân của mình để chống lại sự lây lan của virus, sử dụng danh tính (ID) kỹ thuật số để theo dõi sự di chuyển của người dân và thậm chí trọng thưởng cho những người cung cấp thông tin về người bị bệnh.

Ngược lại, có lẽ người Mỹ chưa sẵn sàng cho việc xâm phạm quyền riêng tư để bảo vệ sức khỏe cộng đồng thông qua việc truy tìm người nhiễm bệnh. Một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Israel, đã triển khai chương trình giám sát kỹ thuật số trên toàn quốc bằng công nghệ phần mềm gián điệp theo dõi điện thoại, ban đầu vốn được thiết kế nhằm chống khủng bố, để lập bản đồ lây nhiễm và thông báo cho những người có thể bị nhiễm coronavirus mới.

(theo Foreign Policy, The Register )