Hình ảnh tấm áp phích trước chợ Tân Bình (trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) vào ngày 27/9/2022. (Ảnh: Trần Xuân Tiến) |
Chỉ có "các bà nội trợ"?
Những ngày qua, dư luận xã hội lại một phen chấn động, khi báo chí đưa ra ánh sáng loạt bài về một đơn vị kinh doanh bán lẻ đã lừa dối người tiêu dùng với những sản phẩm rau có nguồn gốc không rõ ràng nhưng cố ý thay hình đổi dạng, “giả danh” VietGap.
Đáng chú ý, khi chia sẻ và trao đổi bàn luận về sự việc đáng lên án này, trên truyền thông mạng xã hội, chúng ta dễ thấy sự xuất hiện của các cụm từ như: “siêu thị đã mất lòng tin của các bà nội trợ”, “các bà nội trợ hoang mang trước cơn sốc rau “đội lốt” VietGap”, “sự tin tưởng của các bà nội trợ bị đánh cắp”…
Không hề nói quá khi khẳng định rằng, những cách diễn đạt này rất… có vấn đề về định kiến giới. Nó phản ánh tâm thế mặc định của người viết khi cho rằng công việc bếp núc mặc nhiên là nhiệm vụ không phải bàn cãi của phái nữ.
Tư tưởng trọng nam khinh nữ, biểu hiện qua lối suy nghĩ rằng nội trợ là công việc hiển nhiên của phụ nữ, đã trở thành thói quen dường như khó nhận ra ở nhiều người với nhiều giai tầng xã hội.
Cả người nói/người viết và người nghe/người đọc đều không cảm thấy có gì sai, mặc dù có thể vẫn luôn nhiệt tình hô hào về phong trào bình đẳng giới trong cuộc sống hiện đại.
Tức là, bản thân người nói/người viết đều có nhận thức và tinh thần đồng thuận về sự bình quyền giới tính, nhưng như một thói quen, họ đã sử dụng các cụm từ, quán ngữ diễn đạt thông dụng, mà quên mất ý nghĩa hàm ẩn (vốn thường hàm chứa sắc thái phân biệt giới tính) mà những cụm từ, quán ngữ này có thể mang lại.
Phần việc của ai?
Hình ảnh tấm áp phích (ảnh trên) do chúng tôi chụp lại trước chợ Tân Bình, đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh vào ngày 27/9/2022. Trên đó có ghi dòng chữ lớn: “Nam giới có trách nhiệm chia sẻ với nữ giới trong việc thực hiện kế hoạch hóa gia đình và nuôi dạy con cái”.
Thoạt đầu, chúng ta cảm thấy đây là một thông điệp thiện lành ấm áp tinh thần gia đình, xuất phát từ sự thấu cảm, niềm tin vào quan điểm bình đẳng giới trong đời sống hiện đại.
Nhưng nếu đọc lại lần hai, hoặc lần sau đó, thông điệp này lại… “tố cáo” tâm tư chưa thật sự trút bỏ quan niệm trọng nam khinh nữ của người phát đi thông điệp. Vì sao lại là trách nhiệm “chia sẻ”?
“Chia sẻ” ở đây phải chăng được hiểu là nam giới chỉ đang có lòng hảo tâm gánh giúp phần việc vốn thuộc về nữ giới trong công tác thực hiện kế hoạch hóa gia đình và nuôi dạy con cái?
Xin đừng nghĩ rằng đây là hành động bắt bẻ ngôn từ, làm khó làm dễ người viết/người nói, vì người nói vô tình người nghe hữu ý.
Chúng ta cần nhận thức đầy đủ rằng, để lan tỏa thông điệp tích cực, nếu không chú ý dụng tâm trong cách diễn đạt, không suy nghĩ thấu đáo bản chất của vấn đề, ắt sẽ sinh ra tình huống phản tác dụng, phản ánh sự hô hào nửa vời, chưa thực chất.
Truyền thông bình đẳng giới chưa bao giờ là dễ dàng, bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ ảnh hưởng của tinh thần Nho giáo đã cắm rễ rất lâu vào nền văn hóa của chúng ta. Thế nên, rất cần lưu ý kỹ càng hơn nữa, trong quá trình triển khai, để có thể mang lại hiệu quả truyền thông tốt nhất có thể.
Bài viết phản ánh quan điểm của tác giả.