Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai tháp tùng Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự Phiên họp cấp cao Khóa họp lần thứ 52 Hội đồng Nhân quyền, tháng 2/2023. (Ảnh: NVCC) |
Nhiệm vụ trọng tâm của Phái đoàn là đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, chú trọng đảm nhiệm thành công cương vị Việt Nam là thành viên Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (HĐNQ) nhiệm kỳ 2023-2025, đề cao chủ trương của Đảng và Nhà nước lấy con người là trung tâm, con người là mục tiêu, chủ thể và động lực của phát triển, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của mọi người dân, trong đó có quyền của phụ nữ và trẻ em gái, không bỏ ai lại phía sau.
Cá nhân tôi nhận thức rõ niềm vinh dự và tự hào cùng với trọng trách là nhà ngoại giao nữ đầu tiên được giao đảm nhiệm cương vị Đại sứ, Trưởng Phái đoàn sau 11 Đại sứ nam tiền nhiệm. Với tư cách Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện tại Geneva, tôi luôn ý thức phát huy truyền thống của phụ nữ và cán bộ ngoại giao nữ Việt Nam, tích cực tham gia mạng lưới các nhà ngoại giao tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới ở Geneva, luôn nỗ lực để bảo đảm cơ hội bình đẳng cho phụ nữ.
Cùng với các đồng nghiệp nam và nữ, chúng tôi tham gia tích cực vào các cuộc họp, đàm phán và thảo luận với các đối tác quốc tế để đề cao chính sách, thành tựu, thúc đẩy sáng kiến của đất nước ta về phát huy tiềm năng to lớn và vai trò quan trọng của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao sự tham gia của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực của đất nước cũng như trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, công tác của HĐNQ và các tổ chức quốc tế khác trên lĩnh vực như lao động, y tế, thương mại, phát triển, sở hữu trí tuệ…
Công việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng tôi tin rằng bằng sự tận tâm, kiên trì nỗ lực, đối thoại và hợp tác, tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin, chúng ta tiếp tục cùng các nước, đối tác quốc tế tạo ra sự thay đổi tích cực hơn để phụ nữ và trẻ em gái trên thế giới được hưởng quyền bình đẳng, được hưởng hòa bình và phát triển bền vững.
Ngoại giao và luật quốc tế gắn bó và tác động qua lại với nhau. Tôi may mắn được đào tạo và làm việc về ngoại giao và luật quốc tế, với hơn 30 năm công tác ở Bộ Ngoại giao. Tham gia đóng góp vào xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách ở trong nước cũng như hợp tác và đấu tranh, thảo luận, đàm phán ở cấp độ khu vực và quốc tế không chỉ đòi hỏi bảo đảm nguyên tắc, mà còn yêu cầu khả năng phân tích, giải quyết vấn đề và thuyết phục với căn cứ pháp lý - chính trị được thừa nhận. Tôi đã cùng đồng nghiệp ở trong nước cũng như ở nước ngoài vận dụng kiến thức và kỹ năng luật và ngoại giao để đạt được những thành quả mong muốn, có khi là vượt mong đợi.
Sự thông minh, mềm mại mà kiên trì, uyển chuyển mà kiên định giúp nhà ngoại giao nữ nắm bắt và hiểu sâu sự phức tạp của các vấn đề chính trị - pháp lý có tác động qua lại gắn kết với nhau, từ đó phân tích tìm ra và kiên trì thúc đẩy, thuyết phục thực hiện giải pháp tốt nhất.
Quyết tâm và sự kiên trì giúp chúng tôi không bị áp đặt, mà đi đến cùng để triển khai công tác với hiệu quả cao nhất có thể. Sức mạnh của nhà ngoại giao nữ không chỉ nằm trong khả năng cá nhân mà còn trong sự đoàn kết và phối hợp của tập thể, cộng đồng, sự đoàn kết và phối hợp với các đồng nghiệp, đối tác và tổ chức quốc tế.
Nhìn rộng ra, tôi cho rằng, thế mạnh của nhà ngoại giao nữ xuất phát từ khả năng đóng góp, sự chuyên nghiệp, cộng với sự nhạy bén, tinh tế, cách tiếp cận mềm mại mà kiên trì, uyển chuyển mà kiên định, đặc biệt là hết sức tâm huyết, kết nối con người “từ trái tim đến trái tim”.
Các nhà ngoại giao nữ Việt Nam đang gia tăng về số lượng, tiếp tục phát huy truyền thống của các thế hệ đi trước, không ngừng nỗ lực tạo dựng và củng cố lòng tin, mở rộng các quan hệ đối tác mạnh mẽ và cầu nối cho tình hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế, đóng góp cho hòa bình và phát triển ở trong nước, khu vực và quốc tế.
Với tôi, hình ảnh phụ nữ Việt Nam mặc áo dài như một biểu tượng đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Với trang phục áo dài dân tộc tham dự, phát biểu tại các diễn đàn quốc tế quan trọng, tôi cho đó là một cách để thể hiện niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam, văn hóa và bản sắc của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, không chỉ vẻ bề ngoài mà tầm quan trọng của phụ nữ làm ngoại giao, trong đa phương cũng như song phương, chính là khả năng đóng góp và sự chuyên nghiệp trong công việc. Cán bộ ngoại giao nữ cũng như vai trò của phụ nữ được đánh giá dựa trên năng lực và kết quả công tác.
Tóm lại, lợi thế của phụ nữ làm ngoại giao, đó là ở khả năng xây dựng quan hệ và tạo lòng tin, sự chuyên nghiệp và nhạy bén và đóng góp xây dựng. Lợi thế này sẽ được củng cố với tà áo dài thể hiện vẻ đẹp và bản sắc dân tộc Việt Nam với bề dày truyền thống vẻ vang và chủ trương đúng đắn, thành tựu của đất nước trong giai đoạn hiện nay.