Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng, sự kiện này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng với quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn:AFP) |
Nga phản ứng dữ dội
Mặc cho Thổ Nhĩ Kỳ “giải thích”, Moscow một mực khẳng định, chiếc máy bay Su-24 “luôn bay trong không phận của Syria trong suốt hành trình của nó” và “rơi trong lãnh thổ Syria cách biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ 4km” nên “không hề đe dọa đến không phận của Thổ Nhĩ Kỳ”. Đồng thời, Bộ Quốc phòng Nga cũng lên án vụ việc này là hành động “xâm lược trắng trợn” chống lại chủ quyền của Syria.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin buộc tội hành động của Ankara là “một cú đâm sau lưng của kẻ đồng lõa với bọn khủng bố” và cảnh báo sẽ “không bao giờ tha thứ cho những hành vi phạm tội như thế”.
“Sự kiện này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Putin nhấn mạnh.
Thậm chí, sự giận dữ của người Nga còn bị đẩy lên tột độ khi Phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu Sergei Rudskoi của nước này khẳng định, một trong hai phi công phải nhảy dù ra khỏi máy bay Su-24 đã thiệt mạng do bị bắn ngay khi vừa tiếp đất, còn số phận của phi công thứ hai vẫn chưa được xác định. Trong khi đó, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ lại khẳng định cả hai vẫn còn sống.
Đi kèm với sự giận dữ là một loạt các động thái trả đũa bằng các tuyên bố chấm dứt mọi liên lạc quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ triển khai tàu chiến đến vùng biển Syria để tăng cường phòng thủ cho lực lượng không quân của Bộ Quốc phòng Nga.
Ông Sergei Rudskoi cũng so sánh rằng, mối đe dọa của cuộc tấn công vào máy bay Su-24 này cũng “không kém gì vụ tấn công làm rơi máy bay Nga ở Ai Cập” khiến 224 người thiệt mạng do Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra hồi tháng Mười vừa qua.
“Bất cứ mục tiêu nào tiềm ẩn nguy cơ đối với chúng tôi sẽ bị hủy diệt”, Bộ Tổng tham mưu Nga Sergei Rudskoi răn đe.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nga cũng khuyến cáo công dân nước mình không nên đến Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm này. Đồng thời, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã hủy chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến diễn ra vào hôm nay (25/11).
Thổ Nhĩ Kỳ cũng chẳng kém phân
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng quân sự nước này luôn khẳng định, họ đã cảnh báo phi công trên chiếc Su-24 ít nhất 10 lần rằng, nó đang xâm phạm không phận nước này trước khi khai hỏa. Đồng thời, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cũng tuyên bố, ông sẽ làm tất cả những gì cần thiết để đảm bảo an ninh biên giới của đất nước.
“Quy tắc của chúng tôi rất rõ ràng. Ngay cả khi một con chim xâm phạm biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, các bước cần thiết đều sẽ lần lượt được triển khai”, Thủ tướng Ahmet Davutoglu nói với đài truyền hình Haberturk.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, Ankara đã “mách” các đồng minh NATO và nhanh chóng gửi thư tới Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon, cũng như 15 thành viên Hội đồng bảo an để trình bày sự việc.
Vụ việc xảy ra trong bối cảnh Nga và Syria tiến hành một chiến dịch ném bom hạng nặng chống lại các mục tiêu ở phía Bắc Syria, trong khi liên minh Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục các cuộc không kích của riêng mình.
Thổ Nhĩ Kỳ luôn bày tỏ lo ngại về các hành động của Nga và cho rằng đó là nguyên nhân chính khiến hàng nghìn người phải di dời khỏi nơi ở của mình và tràn sang nước này. Hai nước này từ lâu đã bất hòa trong cuộc xung đột Syria. Trong khi Ankara tìm cách lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad thì Moscow lại làm mọi thứ để bảo vệ người đồng minh thân cận này.
Tình hình quốc tế xáo trộn
Theo đề nghị của Ankara, ngay sau đó, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp tại Brussels, Bỉ. Tất nhiên, tổ chức này bảo vệ lập trường thành viên của mình. Tuy nhiên, nhận định được sự nghiêm trọng của vấn đề và lo ngại phản ứng gay gắt của Nga, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã kêu gọi Nga và Thổ Nhĩ Kỳ “bình tĩnh và kiềm chế”, đồng thời đề nghị hai bên duy trì liên lạc bất chấp mâu thuẫn.
Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đã có “quyền được bảo vệ lãnh thổ và không phận của mình giống như mọi quốc gia khác” nhưng vẫn khẳng định hai bên không nên có bất kỳ động thái nào làm leo thang tình hình. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Hollande thì nhấn mạnh sự đoàn kết và nhắc nhở các bên rằng, “mục đích chung của thế giới hiện nay là chiến đấu chống chủ nghĩa khủng bố, cụ thể là IS”.
Ở cấp độ toàn cầu, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cũng kêu gọi “tất cả các bên liên quan cần triển khai các biện pháp khẩn cấp với quan điểm xoa dịu căng thẳng”.
Vụ việc này đang đe dọa dập tắt những nỗ lực đoàn kết quốc tế chống IS mang lại hòa bình cho Syria vừa mới nhen nhóm sau sự kiện khủng bố ở Paris hôm 13/11 vừa qua.
Trang Trần (theo AFP)