TIN LIÊN QUAN | |
Châu Á-Thái Bình Dương cần các hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao | |
Chứng khoán châu Á mở phiên đầu tuần trong sắc đỏ |
Đoàn kết trước mối đe dọa từ Triều Tiên
Gần 1 tuần sau khi Triều Tiên tiến hành thử tên lửa đạn đạo (đã rơi xuống Biển Nhật Bản, chỉ cách bờ biển Nhật Bản 200 dặm), Bình Nhưỡng dường như đang chuẩn bị dùng bãi thử hạt nhân Punggye-ri cho một vụ thử tên lửa tiếp theo. Mối đe dọa mang tên Triều Tiên khiến các quốc gia láng giềng phải tìm kiếm một kế hoạch phản ứng khả thi, đồng thời tìm cách ngăn Bình Nhưỡng đạt được tiến bộ trong việc tiến hành tấn công hạt nhân.
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ là trọng tâm chính trong chuyến công du châu Á đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. (Nguồn: Reuters) |
Vấn đề hạt nhân của Triều Tiên sẽ là trọng tâm chính trong chuyến công du châu Á đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Chuyến thăm này kéo dài 6 ngày, đưa ông Tillerson tới Tokyo, Seoul và Bắc Kinh. Ông Tillerson sẽ phải đứng trước một loạt lựa chọn: đối thoại với Triều Tiên, bổ sung các biện pháp trừng phạt mới hoặc thậm chí tiến hành tấn công phủ đầu nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất đối với ông Tillerson là làm thế nào để chèo lái mối quan hệ đang rạn nứt giữa các quốc gia châu Á này.
Hàn Quốc và Nhật Bản đang phải vật lộn để giải quyết các bất đồng chính trị "thâm căn cố đế" kéo dài từ nhiều thế hệ. Hơn nữa, cả Seoul và Tokyo đều tỏ ra không hài lòng với cách hành xử của Bắc Kinh trước các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với Bình Nhưỡng.
Hideaki Kaneda, Trung tướng hải quân nghỉ hưu của Nhật Bản và hiện là thành viên của Viện Các vấn đề quốc tế Nhật Bản, nói: "Các hành động của chính quyền Tổng thống Trump trong khu vực này sẽ có ý nghĩa quyết định đối với việc tình hình Triều Tiên được cải thiện hay tiếp tục xấu đi. Tình thế hiện nay rất bấp bênh. Mỹ cần phải kêu gọi các nước đoàn kết với nhau". Rõ ràng, Mỹ rất muốn Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản cùng sát cánh trước các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, mối quan hệ đang rối rắm giữa ba nước này khiến cho mong muốn đó của Mỹ khó trở thành hiện thực. Nhật Bản muốn Mỹ phản ứng mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên, đồng thời Tokyo cũng đang nỗ lực tăng cường áp lực với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Nhật Bản và Hàn Quốc lại đang vướng vào một tranh cãi gay gắt liên quan đến những ký ức đau buồn trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Trung Quốc vẫn là đồng minh lớn duy nhất và là đối tác thương mại của Triều Tiên, nhưng đã tăng cường áp lực kinh tế lên Bình Nhưỡng. Quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đang ở vào thời kỳ nghiêm trọng nhất do Bình Nhưỡng liên tục tiến hành các vụ thử tên lửa. Tuy nhiên, Trung Quốc không muốn trừng phạt mạnh tay đối với Triều Tiên mà kêu gọi Triều Tiên ngừng các hoạt động hạt nhân và tên lửa để đổi lấy việc Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận quân sự chung ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, nỗ lực này của Bắc Kinh đã thất bại.
Thay vào đó, Mỹ nỗ lực tăng cường hệ thống phòng thủ cho Hàn Quốc, và điều này đã khiến Trung Quốc không hài lòng. Bắc Kinh cho rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa đó có thể được sử dụng để chống lại Trung Quốc. Mới đây, quân đội Mỹ và Hàn Quốc thông báo triển khai các bộ phận trong Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), một hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ dành cho Hàn Quốc. Các bệ phóng tên lửa và trang thiết bị khác đã được chuyển tới Hàn Quốc, nhưng toàn bộ hệ thống này sẽ chưa hoạt động ít nhất là tới tháng 4.
Mỹ khẳng định THAAD nhằm ngăn chặn tên lửa của Triều Tiên, nhưng việc triển khai hệ thống này đã khiến Trung Quốc tức giận vì cho rằng đây là một phần trong chiến lược nhằm kiềm chế sức mạnh đang lên của Bắc Kinh. Trung Quốc đe dọa sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Seoul, đồng thời đã hạn chế quan hệ kinh tế.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). (Nguồn: Business Insider) |
Cần một chiến lược mới
Một vấn đề khác gây bối rối cho ông Tillerson trong chuyến thăm lần này là vụ bê bối tham nhũng đã khiến cho Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất hôm 10/3 vừa qua. Tình trạng rối ren trong chính phủ Hàn Quốc chắc chắn sẽ khiến cho ông Tillerson khó có thể thu hút sự chú ý của các chính khách nước này.
Trong hơn một thập kỷ, các lợi ích đan xen phức tạp ở Đông Á đã cản trở các nỗ lực liên tục của Mỹ trong việc ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Chính sách "kiên nhẫn chiến lược" của chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama đối với Triều Tiên đã không thể ngăn được các hoạt động thử hạt nhân, cũng không thể đảm bảo được an toàn cho các nước láng giềng của Bình Nhưỡng.
Chính vì vậy, Narushige Michishita - giáo sư chính sách đối ngoại của Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia ở Tokyo cho rằng ông Tillerson và chính quyền Tổng thống Trump không nên áp dụng lại chiến thuật cũ. Ông Narushige Michishita nói: "Chúng ta không thể cứ chờ đợi mãi. Tình hình đang xấu đi nghiêm trọng, và nguy cơ là rất lớn".
Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley gần đây đã nói trước Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng chính quyền Tổng thống Trump đang để ngỏ mọi lựa chọn liên quan đến các chính sách với Triều Tiên. Tuy nhiên, hiện tại chính quyền ông Trump vẫn chưa đưa ra một chiến lược rõ ràng. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner từng nhấn mạnh: "Tất cả những nỗ lực mà chúng ta thực hiện từ trước đến nay vẫn không thể thuyết phục được Triều Tiên tham gia các cuộc đàm phán có ý nghĩa. Chính vì vậy, chúng ta cần phải tìm các biện pháp mới để thuyết phục Bình Nhưỡng rằng việc từ bỏ tham vọng hạt nhân sẽ mang lại lợi ích cho họ".
Ngoại trưởng Mỹ sắp đến Hàn Quốc Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson chuẩn bị có chuyến thăm đầu tiên tới 3 nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản. |
Cần thời gian để định hình lại quan hệ Nga-Mỹ Ngày 16/2, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov đã có cuộc gặp bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm ... |
Thách thức toàn cầu chờ đón tân Ngoại trưởng Mỹ Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ Rex Tillerson sẽ đối mặt với những thách thức không nhỏ trong chuyến công du nước ngoài đầu ... |