Trong bài phân tích đăng trên The Diplomat ngày 12/10, TS. Vũ Lê Thái Hoàng và TS. Ngô Di Lân (Viện Nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao) khẳng định, từ những đế chế cổ đại đến các quốc gia hiện đại, các nhà lãnh đạo từ lâu đã dựa vào câu chuyện chiến lược để định hình nhận thức về đất nước và xác định lập trường của quốc gia đối với những vấn đề quan trọng nhất của thời đại. Việt Nam, một cường quốc tầm trung đang nổi, đã duy trì một câu chuyện chiến lược mạch lạc và nhất quán kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Giờ đây, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, diễn biến của câu chuyện này đang thay đổi một cách tinh tế.
Trong một bài phát biểu gần đây tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh rằng “Việt Nam đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Quan điểm mới này phản ánh nỗ lực chủ động của Việt Nam trong việc thích ứng với một môi trường chiến lược thay đổi nhanh chóng và thể hiện khát vọng tham gia tích cực và sâu rộng hơn trong các vấn đề quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu chính sách tại Đại học Columbia, Hoa Kỳ ngày 23/9. (Nguồn: TTXVN) |
Những thành tố chính
Theo tác giả bài viết, câu chuyện chiến lược chứa đựng những “lời kể” có sức thuyết phục, cho phép các nhà lãnh đạo chia sẻ với thế giới về bản sắc, lợi ích và tầm nhìn của quốc gia họ đối với trật tự quốc tế. Những câu chuyện này thường bao gồm những thành tố chủ chốt như bối cảnh lịch sử, giá trị cốt lõi, khát vọng và cách tiếp cận của một quốc gia đối với quan hệ quốc tế và cung cấp một khuôn khổ giải thích cho quá khứ dân tộc, lý giải cho những hành động hiện tại và vạch ra những khát vọng tương lai của quốc gia đó.
Câu chuyện của Việt Nam thấm nhuần lịch sử đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, trong đó tập trung khắc họa một dân tộc đã anh dũng vượt qua hàng thế kỷ dưới ách đô hộ thực dân và nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc để vươn lên trở thành một quốc gia năng động, phát triển nhanh chóng.
Vì vậy, câu chuyện hậu chiến của Việt Nam nhấn mạnh cam kết hàn gắn và ngoại giao dể hướng tới tương lai với chủ trương “thêm bạn, bớt thù”. Cách tiếp cận này được khắc họa sống động qua những nỗ lực đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc chuyển biến những mối quan hệ đầy thách thức với các cựu thù thành các mối quan hệ đối tác xây dựng. Các quốc gia từng có chiến tranh với Việt Nam bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Pháp giờ đây đều được nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Điều đáng lưu ý, khả năng của Việt Nam vượt qua những bất đồng lịch sử để hướng tới hợp tác cùng có lợi, phần nào là kết quả của lập trường ca ngợi những giá trị như công lý và nhân đạo trong ứng xử quốc tế. Chẳng hạn như nguyên tắc đạo đức “lấy chí nhân thay cường bạo” được phát biểu gần đây là minh chứng cho cam kết lâu dài của Việt Nam đối với lối hành xử hòa bình và đạo đức trong các vấn đề toàn cầu.
Một đặc điểm nổi bật khác trong câu chuyện chiến lược của Việt Nam, nhóm tác giả nêu rõ, chính là tinh thần lạc quan vốn có. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng đã duy trì quan điểm “Hòa bình, hợp tác và phát triển tiếp tục là xu thế lớn trên thế giới”. Cách nhìn này vẫn được giữ vững, bất chấp các cuộc xung đột và chủ nghĩa dân tộc gia tăng trong những năm gần đây, phản ánh niềm tin vững vàng của Việt Nam với xu hướng tích cực tổng thể của các vấn đề quốc tế. Dựa trên thế giới quan tích cực này, câu chuyện mô tả một tầm nhìn về Việt Nam như một xã hội hiện đại, công nghiệp hóa, với mục tiêu là đạt được mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
Trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn nhấn mạnh những nguyên tắc cốt lõi về độc lập, đa phương hóa, đa dạng hóa, tầm quan trọng của niềm tin chính trị, hội nhập quốc tế và ủng hộ các thể chế đa phương. Việt Nam nhận ra tầm quan trọng của việc duy trì sự cân bằng giữa các cường quốc, đồng thời theo đuổi quyền tự chủ chiến lược và làm sâu sắc thêm lòng tin chính trị với tất cả bạn bè và đối tác.
ASEAN và Liên hợp quốc là những yếu tố nổi bật trong câu chuyện này, đóng vai trò là nền tảng quan trọng cho sự tham gia của Việt Nam trên trường quốc tế. Cách tiếp cận này phản ánh sự pha trộn tinh tế giữa tư tưởng hiện thực và thể chế tự do mới – vừa nhìn nhận thực tế các tính toán về quyền lực và lợi ích, vừa kêu gọi luật pháp quốc tế và hợp tác đa phương để giảm bớt bản chất khắc nghiệt của chính trị toàn cầu và tạo ra một môi trường mà các quốc gia đều có thể phát triển mạnh mẽ.
Nhóm tác giả lập luận rằng, ẩn dưới câu chuyện chiến lược nhất quán của Việt Nam là một lý thuyết thành công, đó là thông qua phát triển các mối quan hệ ngoại giao đa dạng, sâu sắc, tiếp tục duy trì là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam có thể đạt được sự phát triển nhanh chóng, bền vững, đồng thời đảm bảo hòa bình, an ninh và độc lập. Nói cách khác, Việt Nam từ lâu đã đặt cược rằng trở thành “một công dân quốc tế mẫu mực” là con đường ổn định nhất để đảm bảo an ninh và thịnh vượng trong một thế giới ngày càng bất ổn và phức tạp.
Một hành trình
Trong khi duy trì cốt lõi của câu chuyện chiến lược lâu đời của Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đưa ra những điều chỉnh tinh tế phản ánh sự gia nhập của đất nước vào “kỷ nguyên mới”. Điều này thể hiện rõ trong những bài phát biểu và hoạt động ngoại giao gần đây của người đứng đầu Đảng và Nhà nước, nhấn mạnh sự chuyển mình và sự sẵn sàng của đất nước để thích ứng với bối cảnh toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.
Chẳng hạn, tại kỳ họp thứ 79 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh môi trường quốc tế phức tạp và nguy hiểm, mang chủ nghĩa dân tộc vị kỷ đặc thù kèm theo không gian sinh tồn và phát triển ngày càng thu hẹp, cũng như sự gia tăng của các thách thức an ninh phi truyền thống. Quan trọng hơn, “nguy cơ chiến tranh hạt nhân, thậm chí là chiến tranh thế giới lần thứ ba, chưa thể loại trừ”.
Bài phát biểu có nhiều diễn đạt tương đối mới, phản ánh cách đánh giá nghiêm túc và cập nhật hơn về các rủi ro toàn cầu và nhấn mạnh nhận thức ngày càng cao của Việt Nam về bản chất bấp bênh của các vấn đề quốc tế sau các cuộc xung đột khu vực gần đây và niềm tin vào sự cần thiết của ngoại giao chủ động và tăng cường hợp tác đa phương để giảm thiểu những rủi ro này.
Các đại biểu tham dự hội thảo trong khuôn khổ chương trình kỷ niệm 5 năm thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) và Ngày hội Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024 tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Hà Nội ngày 1/10. (Nguồn: TTXVN) |
Một yếu tố quan trọng khác trong câu chuyện trên đà phát triển của Việt Nam đặt trọng tâm vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là những động lực quan trọng cho các mục tiêu phát triển năm 2030 và 2045 của Việt Nam, nhận thức được cơ hội để Việt Nam thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” chỉ còn tồn tại trong vòng 10 đến 15 năm nữa. Do đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thường xuyên nhấn mạnh vai trò của tiến bộ khoa học và công nghệ trong việc đạt được tăng trưởng bền vững và cải thiện mức sống của người dân. Sự chú trọng vào các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), phản ánh mong muốn của Việt Nam trong việc tận dụng đổi mới sáng tạo như một phương tiện để thúc đẩy phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Cuối cùng, nhà lãnh đạo Việt Nam cũng điều chỉnh mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia và sự tham gia quốc tế, phản ánh một lý thuyết thành công hài hòa hơn trong câu chuyện chiến lược của đất nước hình chữ S. Tại Đại học Columbia, ông khẳng định: “Chúng tôi không thể thực hiện các mục tiêu cao cả nói trên nếu thiếu sự đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Thành công của chúng tôi là thành công của các bạn”.
Câu chuyện phát triển vẫn theo sát những diễn biến cho tới thời điểm hiện tại nhưng cũng đặt trọng tâm lớn hơn vào những đóng góp tiềm năng của Việt Nam đối với tiến bộ toàn cầu và nhấn mạnh cam kết của Việt Nam không chỉ là một chủ thể từ hợp tác quốc tế, mà còn là một thành viên tích cực trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu trong kỷ nguyên mới này.
Chặng đường phía trước
Câu chuyện chiến lược đang phát triển của Việt Nam, theo người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam, phản ánh một quốc gia đang đối mặt trước ngã rẽ của các vấn đề toàn cầu. Câu chuyện được “kể” đầy tinh tế này không chỉ thể hiện sự tự tin ngày càng tăng mà còn nêu bật sự hiểu biết sâu sắc của quốc gia về bối cảnh quốc tế ngày càng bất ổn. Bằng cách đề cao độc lập, chủ nghĩa đa phương và đổi mới công nghệ, Việt Nam tìm cách vạch ra một đường lối cân bằng năng động của các cường quốc, đồng thời phải phù hợp với nhiều ưu tiên toàn cầu cấp bách như phát triển bền vững và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Cách tiếp cận này có thể nâng cao sức mạnh mềm và ảnh hưởng của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế, định vị Việt Nam như một đối tác có trách nhiệm trong cộng đồng toàn cầu.
Tuy nhiên, chặng đường phía trước có thể sẽ còn nhiều thách thức. Khi cạnh tranh giữa các cường quốc gia tăng và các vấn đề toàn cầu ngày càng phức tạp, khả năng duy trì cách tiếp cận cân bằng cẩn trọng của Việt Nam sẽ gặp nhiều thử thách. Tính hiệu quả của câu chuyện này sẽ phụ thuộc vào khả năng của Việt Nam trong việc biến tư duy thành hành động cụ thể – một nhiệm vụ phức tạp bởi những đòi hỏi trong nước và tính chất khó lường của các mối quan hệ quốc tế.
Tựu trung, nhóm tác giả nhận định, câu chuyện chiến lược đang phát triển của Việt Nam đại diện cho một phản ứng sâu sắc và cân bằng trước một thế giới đang thay đổi là điều không thể hoài nghi. Đây là câu chuyện đan xen những tham vọng quốc gia với những đánh giá thực dụng về thực trạng toàn cầu, mang đến tầm nhìn về Việt Nam vừa là nước vừa thụ hưởng, vừa là nước có đóng góp cho hợp tác quốc tế. Khi câu chuyện này tiếp tục phát triển và biểu lộ trong các quyết định chính sách, Việt Nam sẽ có tiềm năng định hình lại vị thế và ảnh hưởng của quốc gia trên toàn cầu.
Những năm tới đây sẽ cho thấy liệu câu chuyện này có thể chịu được áp lực của trật tự toàn cầu luôn biến động và sẽ thực sự mở ra “kỷ nguyên mới” mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hình dung cho Việt Nam hay không.