“Lách luật”...
Hôm đó, vừa đến cơ quan đầu buổi chiều, tôi nhận được một tập công văn cần xử lý. Theo thói quen, tôi lướt qua các công văn xem có bút phê phân công xử lý của Đại sứ không rồi mới đến các thư từ khác.
Trong số đó có một phong bì của Tòa án thành phố kèm bút phê của Đại sứ: “Cậu kiểm tra xem ai và xử lý”. Nhìn phong bì, tôi biết ngay là thư của chính quyền thành phố thông báo vi phạm luật giao thông và yêu cầu nộp phạt.
Cũng như nhiều nơi khác, Nam Phi là nước khá nghiêm về luật lệ giao thông. Lỗi vi phạm phổ biến nhất là quá tốc độ, người vi phạm sẽ nhận được một giấy báo phạt của chính quyền thành phố và trong vòng 30 ngày, nếu chủ xe không nộp phạt, vụ việc sẽ được chuyển sang tòa án để xử lý.
Dù là cơ quan đại diện ngoại giao, nếu vi phạm luật, xe của Đại sứ quán cũng vẫn bị gửi giấy phạt như thường. Mặc dù vậy, anh em trong cơ quan học được một kinh nghiệm là thay vì nộp phạt, Đại sứ quán thường gửi công hàm đến chính quyền thành phố trình bày rõ lúc vi phạm đang phải phục vụ một đoàn cấp cao nào đó nên buộc phải chạy quá tốc độ và hứa lần sau rút kinh nghiệm, không tái phạm. Do là cơ quan ngoại giao nên chỉ cần viết thư xin lỗi như vậy là chính quyền thành phố sẽ bỏ qua.
Tuy nhiên, Đại sứ của chúng tôi thời kỳ này rất nghiêm khắc đối với việc vi phạm luật lệ giao thông. Ông cấm tất cả mọi người không được vi phạm lỗi quá tốc độ và bắt anh em phải thu xếp thời gian đi sớm trong mọi hoạt động, không để xảy ra chuyện phải chạy xe vội mà vượt quá tốc độ. Lý lẽ của ông khá đơn giản: “Tôi không ngại chuyện các anh phải xin lỗi người ta. Tôi chỉ sợ các anh chạy quá, tay lái không chuyên nghiệp, dễ gây ra tại nạn thì sứ quán thiệt cả xe lẫn người!”. Vì vậy, nhiều anh nhận được giấy phạt thường phải giấu Thủ trưởng viết thư xin lỗi chính quyền ngay để khỏi bị “mắng”.
… bởi không thể làm khác
Lần này, chính tôi lại bị phạt! Tôi biết Đại sứ bực lắm vì trong cơ quan, tôi được phân công phụ trách công tác nội bộ, đôn đốc anh em tôn trọng luật lệ của sở tại. Chính vì vậy, ông không gọi điện, cũng không nói chuyện trực tiếp mà phê luôn vào bì thư. Ngồi nhìn lại tờ giấy phạt, có in ảnh chiếc xe của Đại sứ quán, câu chuyện của ngày hôm đó hiển hiện nguyên vẹn trong đầu tôi.
Đó là một buổi trưa thứ Sáu. Tôi kết thúc cuộc làm việc đầu buổi sáng với Cục Lãnh sự Nam Phi thì đã hơn 10h30 sáng. Rời khỏi Bộ Ngoại giao bạn, tôi vội vàng lao ngay đi JHB, thành phố cách thủ đô khoảng 80km, để đến trung tâm giam giữ dành riêng cho phụ nữ. Trung tâm chỉ cho phép thăm phạm nhân vào buổi sáng các ngày thứ 3, 4 và 6 hàng tuần. Tại đây, một nữ tù nhân người Việt mới bị bắt khoảng một tuần trước đó. Sau rất nhiều công sức, chúng tôi mới xác minh được phòng giam và xin được chính quyền sở tại vào thăm.
Người phụ nữ này bị bắt khi quá cảnh qua Nam Phi, trên đường trở về Việt Nam từ một nước châu Phi khác, trong hành lý có mang đồ cấm. Chị không nói được tiếng Anh, không ăn uống gì được và rất hoảng loạn. Đó chính là lý do khiến tôi phải chạy xe nhanh hơn thường lệ, vì vậy, chắc chắn đã vượt tốc độ giới hạn 120km/h trên đường cao tốc của Nam Phi.
Tôi nhớ như in buổi trưa hôm đó, khi tôi đến cửa kiểm tra an ninh cuối cùng trước khi thăm phạm nhân, nữ giám thị Nam Phi bắt đầu mang thức ăn trưa bầy trên bàn. Vẻ khó chịu, chị ta hất hàm hỏi tôi từ đâu đến và có biết mấy giờ rồi không! Khi biết tôi từ Đại sứ quán Việt Nam, chị ta liền đổi thái độ, chuyển sang niềm nở và còn dặn dò là nếu có định gửi tiền cho tù nhân thì phải gửi luôn tại đây và nên mua cho họ mấy chiếc thẻ điện thoại để họ còn gọi về cho gia đình khi cần.
Cũng như nhiều nước châu Phi khác, người Nam Phi rất có cảm tình với Việt Nam và mỗi khi mới làm quen, họ đều nhắc đến Bác Hồ, Tướng Giáp với vẻ kính trọng và thân ái. Đây cũng là những thứ “vũ khí tinh thần” của chúng tôi để làm công tác dân vận khi đi bảo hộ công dân.
Đúng như tôi dự đoán, người phụ nữ bị giam hôm ấy đã gần như suy sụp. Chị rất ngây thơ tin rằng cầm mấy cục sừng tê giác hộ ai đó về Việt Nam, quá cảnh qua sân bay Nam Phi sẽ không vấn đề gì. Nhưng chị không hề biết rằng tại đầu khởi hành, những nhân viên Hải quan sau khi nhận hối lộ, làm ngơ cho chị lên máy bay đã thông báo ngay cho nhân viên chống buôn lậu tại sân bay JHB và chị đã bị bắt như nhiều người ngây thơ khác. Chị là một giáo viên tiểu học ở ngoại thành Hà Nội, mới đi nước ngoài hai lần, không biết ngoại ngữ và hoàn toàn không hiểu về đất nước, luật lệ và con người nơi chị đang bị giam giữ.
Tôi ái ngại giải thích cho chị một vài điều tối thiểu, đưa vội cho chị hai chiếc thẻ điện thoại và nhắc chị là tôi gửi tạm cho chị một ít tiền tiêu vặt vào sổ của Trại giam để chi tiêu, gửi cho chị vài tờ báo tiếng Việt đã cũ mà tôi vơ vội ở Đại sứ quán trước khi đi. Đó cũng là lúc người giám thị vào nhắc hết giờ thăm. Nhìn chị thất thểu quay lại phòng giam, tôi vừa buồn và thất vọng vì không biết sự cố gắng hết sức của mình có làm cho chị trấn tĩnh trở lại, không suy sụp thêm hay không. Tôi trăn trở không biết khi nào mới hết cảnh những người Việt dại khờ hoặc vì lí do nào khác mà lâm vào cảnh tù tội nơi đất khách quê người như vậy. Bước ra khỏi trại giam, lòng tôi thật nặng nề. Ngược lại với sự hối hả lúc ra đi, tôi ra về uể oải và chậm chạp…
Gói ghém lại tờ giấy báo phạt, tôi nghĩ bụng phải viết luôn một lá thư xin lỗi chính quyền thành phố và thầm nghĩ chắc Đại sứ sẽ giận mình cả tuần chứ không ít! Liệu mọi người có biết công việc của người cán bộ Đại sứ quán cũng có những lúc buồn như vậy không!