Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. |
Trò chuyện cùng chúng tôi, phu nhân của cố Phó Chủ tịch HĐBT, bà Phan Thị Phúc, xúc động ôn lại những kỷ niệm về ông, người anh cả của ngành Ngoại giao Việt Nam thời kỳ Đổi mới. Một trong những kỷ vật đáng quý nhất của cố Phó Chủ tịch HĐBT hiện còn lưu giữ tại Viện chính là tủ sách với 2.238 cuốn mà ông để lại.
Chủ nhân 2.238 cuốn sách
Trong làn khói hương thoảng nhẹ, bao kỷ niệm như đang ùa về, phu nhân cố Phó Chủ tịch HĐBT bồi hồi nhớ lại. Lúc sinh thời, cố Phó Chủ tịch HĐBT là người rất đam mê đọc sách. Các cán bộ ngoại giao lão thành đã từng làm việc cùng ông đều nhớ rằng: Thông thường, các lãnh đạo yêu cầu cấp dưới đọc sách và nộp báo cáo tổng hợp lên. Nhưng cố Phó Chủ tịch HĐBT Nguyễn Cơ Thạch thì khác, ông thường tự mình tìm đọc những cuốn sách quý, rồi khuyên cấp dưới cùng đọc để nâng cao kiến thức.
Lòng yêu sách của ông không chỉ được người thân và đồng nghiệp biết đến, mà còn lan truyền trong bạn bè quốc tế. Vì thế, vào các cuộc tiếp xúc, các hoạt động đối ngoại ở trong và ngoài nước, những nhà ngoại giao, học giả các nước thường dành những cuốn sách quý nhất làm quà tặng ông. Trong giai đoạn đàm phán về vấn đề Campuchia, cứ mỗi lần ông tham dự họp tại Liên hợp quốc lại có nhiều người mang sách đến tặng. Tình hình lúc đó rất khó khăn do cấm vận, khối lượng hành lý còn bị hạn chế nhiều, nhưng lần nào ông cũng quyết tâm mang đủ số sách được tặng về.
Gợi mở giải pháp cho vấn đề đối ngoại
Sở dĩ cố Phó Chủ tịch HĐBT trân trọng sách như vậy, bởi lẽ đối với ông, mỗi cuốn sách là nguồn tri thức quý báu giúp ông tìm ra giải pháp cho những vấn đề đối ngoại qua các giai đoạn cam go của lịch sử dân tộc. Lòng yêu sách của ông bắt nguồn từ sâu thẳm là lòng yêu nước, yêu tri thức và khát khao cháy bỏng được vận dụng tri thức để cống hiến cho Tổ quốc. Tình yêu và tinh thần ấy như vẫn còn sống mãi trong những cuốn sách được lưu giữ tại tủ sách Viện Nghiên cứu Chiến lược.
Tủ sách với trên 2.000 cuốn sách quý của cố Phó Chủ tịch HĐBT Nguyễn Cơ Thạch hiện được lưu giữ tại Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao). |
Những trang sách khiêm nhường, lặng lẽ mà chứa đựng vốn kiến thức phong phú trong nhiều lĩnh vực của người chủ nhân năm xưa, từ lịch sử, quan hệ quốc tế, đến kinh tế, triết học và văn học – nghệ thuật. Những cuốn sách như đang kể lại câu chuyện về cuộc đời hoạt động đối ngoại sôi nổi, nhiệt huyết của cố Phó Chủ tịch HĐBT.
Lật giở từng trang sách, chúng tôi như được sống lại những tháng ngày của cuộc đàm phán Paris lịch sử, của quá trình giải quyết vấn đề Campuchia và rất nhiều sự kiện đáng nhớ khác. Bên cạnh đó, số lượng sách về kinh tế cũng chiếm một phần đáng kể, với khoảng 100 cuốn, trong đó khá nhiều sách viết về kinh tế thị trường. Theo lời kể của phu nhân, phát triển kinh tế đất nước vốn là nỗi niềm đau đáu của cố Phó Chủ tịch HĐBT trong những năm đầu nước ta thực hiện chính sách “mở cửa”.
Ông say sưa đọc những cuốn sách hay về kinh tế để trăn trở, tìm tòi hướng đi cho ngoại giao nước nhà nhằm phục vụ tốt nhất công cuộc Đổi mới. Khi được tặng giáo trình kinh tế học của Paul Samuelson, ông đã đề nghị các chuyên gia dịch cuốn sách này ra tiếng Việt. Sau đó, bản dịch này được ông tặng cho Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ James Baker như một thông điệp trong cuộc gặp năm 1990 khi hai nước còn chưa bình thường hóa quan hệ. Có lẽ đó chính là những bước đi đầu tiên đặt nền móng tư duy cho ngoại giao kinh tế Việt Nam thời kỳ Đổi mới.
Ngoài các sách chuyên ngành, tủ sách còn có một phần không nhỏ thuộc lĩnh vực văn học – nghệ thuật. Cố Phó Chủ tịch HĐBT thường tâm niệm rằng: Làm ngoại giao nếu chỉ biết chính trị, kinh tế thì chưa đủ, mà còn cần nghệ thuật nữa. Biết phu nhân thích đọc tiểu thuyết của các nước, ông thường mua về để bà đọc, rồi sau đó lắng nghe bà chia sẻ về cốt truyện và tư tưởng của tác giả.
Nhờ đó, ông có được kiến thức văn học – nghệ thuật đủ để gây ấn tượng và tìm được sự đồng cảm của bạn bè quốc tế. Đến nay, những cuốn tiểu thuyết kinh điển nguyên tác của các đại văn hào thế giới, hay những ấn phẩm độc đáo như bản dịch Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm bằng tiếng Pháp trong tủ sách của ông vẫn khiến bất kỳ một người yêu văn chương nào cũng phải trầm trồ, ngưỡng mộ.
Truyền lửa cho các thế hệ nghiên cứu
Không chỉ nói lên cuộc đời và tâm hồn phong phú, trí tuệ uyên bác của cố Phó Chủ tịch HĐBT, tủ sách còn là minh chứng sống động về sự coi trọng của cố Phó Chủ tịch HĐBT dành cho công tác nghiên cứu.
Phát biểu nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Nghiên cứu Chiến lược, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết: Công tác nghiên cứu của Bộ Ngoại giao không phải chỉ có trong 10 năm qua, mà từ cách đây 50 năm, khi cố Phó Chủ tịch HĐBT Nguyễn Cơ Thạch lập ra nhóm nghiên cứu chiến lược trong bối cảnh nước ta chuẩn bị cho đàm phán Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình.
Ngay từ lúc đó, ông đã hiểu rõ tầm quan trọng của việc nghiên cứu cục diện thế giới, những xu hướng lớn trong quan hệ quốc tế, cũng như chiến lược của các nước lớn. Trong tủ sách của ông, chúng tôi thực sự thấm thía khi đọc được những dòng bút tích mà ông viết về công tác nghiên cứu: “Nghiên cứu là nêu ra để đi tìm, là phải đập nát vấn đề ra để xem thực chất bên trong”.
Chính từ sự coi trọng của cố Phó Chủ tịch HĐBT đối với công tác nghiên cứu chiến lược, gia đình ông đã chọn Viện Nghiên cứu Chiến lược (Học viện Ngoại giao, Bộ Ngoại giao) làm nơi lưu giữ những cuốn sách này. Đích thân phu nhân cố Phó Chủ tịch HĐBT đã cùng đồng chí Trịnh Đình Hùng, nguyên là Thư ký của cố Phó Chủ tịch HĐBT sắp xếp tủ sách theo các thể loại, đóng gói thành 70 thùng và trao tặng cho Học viện. Đến nay, tủ sách của cố Phó Chủ tịch HĐBT đã đồng hành cùng Viện Nghiên cứu Chiến lược trong suốt 10 năm qua. Tập thể nghiên cứu viên của Viện đã thực hiện phân loại, đánh số, xây dựng thư mục điện tử và sửa sang cơ sở vật chất để tủ sách được bảo tồn trong điều kiện tốt nhất.
Tại nơi đây, những cuốn sách bình dị vẫn đang lưu giữ dấu ấn cuộc đời hoạt động của nhà ngoại giao lỗi lạc, một trong những người học trò xuất sắc nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tủ sách của cố Phó Chủ tịch HĐBT không chỉ là một phần kho tàng tri thức nhân loại mà đội ngũ nghiên cứu viên ngày nay được kế thừa, mà còn là sợi dây kết nối giữa các thế hệ cán bộ ngoại giao.
Đã 20 năm kể từ ngày cố Phó Chủ tịch HĐBT Nguyễn Cơ Thạch đi xa, nhưng nơi đây vẫn vẹn nguyên tinh thần của ông, vẫn vẹn nguyên tình cảm trân quý của bạn bè quốc tế. Và vẫn sáng mãi ngọn lửa nhiệt huyết mà ông truyền lại cho nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao làm công tác nghiên cứu sau này.