📞

Chào đón Năm APEC 2017

12:03 | 29/12/2016
Nghiêm túc rút kinh nghiệm từ các bài học thành công và chưa thành công, Ủy ban Quốc gia APEC đã sẵn sàng để tổ chức tốt nhất các sự kiện của Năm APEC Việt Nam 2017.

Khép lại một năm bận rộn chuẩn bị cho sự kiện đối ngoại trọng tâm trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng, phiên họp Ủy ban Quốc gia APEC lần thứ sáu đã rà soát, tổng kết các công tác đã triển khai trong năm 2016, đồng thời trao đổi những trọng tâm công tác của 6 tháng đầu năm 2017, trong đó có tiến độ công tác chuẩn bị Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng. Công tác chuẩn bị đang theo đúng hoạch định, các kịch bản tốt nhất đã và đang được hoàn thiện, để trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam luôn là một chủ nhà nồng hậu, chu đáo và làm việc hiệu quả. 

ISOM - thành công đầu tiên

Chủ trì Phiên họp toàn thể lần thứ sáu của Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 đã đề nghị tập trung làm rõ những công tác đã làm được, cũng như những khó khăn thách thức và các bài học kinh nghiệm trong cả năm chuẩn bị vừa qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh năm 2017 dự kiến sẽ có nhiều diễn biến mới, các Bộ, ngành, cơ quan và tỉnh thành là thành viên của Ủy ban Quốc gia cần phối hợp chặt chẽ, chủ động và tích cực hơn nữa trong nghiên cứu, đánh giá tình hình và tăng cường trao đổi thông tin nhằm đảm bảo Năm APEC 2017 thành công trên tất cả các mặt: nội dung, lễ tân, tổ chức, vật chất hậu cần, truyền thông.

Đánh giá cao thành công của Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp (ISOM), Phó Thủ tướng khen ngợi sự chuẩn bị chu đáo, phân tích, nắm bắt kịp thời xu thế quốc tế và sự quan tâm của các nền kinh tế thành viên APEC. Từ đó, chủ đề được các thành viên của Ủy ban Quốc gia đề xuất “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và 4 hướng ưu tiên của Việt Nam về Tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME); và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, ứng phó với biển đổi khí hậu, đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các thành viên.

Năm APEC 2017 là một trọng tâm đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng với 159 sự kiện quốc tế lớn nhỏ diễn ra trong suốt cả năm, trong đó sự kiện quan trọng nhất là Tuần lễ Cấp cao APEC vào tháng 11 tại thành phố Đà Nẵng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, “đăng cai Năm APEC 2017 là dịp để Việt Nam tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư với các nền kinh tế thành viên APEC, tạo thêm cơ hội phát triển và hội nhập sâu hơn cho các vùng miền, quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam “đổi mới năng động, hội nhập trách nhiệm, mến khách và an ninh”.

6 bài học thành công

Với vai trò chủ nhà, chủ động, sáng tạo trong công tác tổ chức, Việt Nam đã sớm vận động tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của các nền kinh tế thành viên, nhất là các thành viên chủ chốt và tổ chức quốc tế trong quá trình chuẩn bị cho Năm APEC 2017.

Việt Nam đã nghiên cứu, đánh giá đúng tình hình và xu thế hợp tác quốc tế, nắm bắt các quan tâm của các thành viên để chọn đúng các chủ đề ưu tiên và được đại diện các nền kinh tế ủng hộ và nhất trí cao. Thông điệp của Chủ tịch nước tại Hội nghị cấp cao APEC 24 ở Lima (Peru) về việc xây dựng “APEC vì người dân, vì doanh nghiệp” đã đáp ứng sự quan tâm của nhiều thành viên.

Tại sự kiện đầu tiên của Năm APEC 2017, chủ nhà Việt Nam đã sáng tạo và tạo được sự khác biệt trong cách thức tổ chức các hoạt động, nhất là việc gắn kết hơn với doanh nghiệp, như hoạt động tổ chức Đối thoại APEC với doanh nghiệp bên lề ISOM, thu hút sự tham gia đông đảo của các thành viên và nhiều tổ chức quốc tế.

Công tác tổ chức sự kiện ISOM cho thấy các Bộ, ngành và địa phương của Việt Nam đã phối hợp nhịp nhàng hơn, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp vào việc tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm APEC 2017.

Khép lại chuỗi hoạt động đầu tiên khởi động Năm APEC 2017, bài học tổ chức thực tế còn cho thấy, chủ trương về đảm bảo tiết kiệm, song vẫn trang trọng chu đáo, là hoàn toàn đúng đắn trong bối cảnh kinh tế khó khăn và các hoạt động APEC cần thực chất hơn. Đây cũng là vấn đề được các đối tác đánh giá cao và ủng hộ.

Sự kiện khởi động - ISOM còn là cơ hội tốt để bộ máy, đội ngũ cán bộ của Ủy ban Quốc gia, các tiểu ban, Ban Thư ký, đội ngũ liên lạc viên và tình nguyện viên bước đầu được hình thành, kiện toàn và lần đầu được cọ sát, trải nghiệm thực tế, kiểm nghiệm hiệu quả hoạt động với một sự kiện đa phương lớn như APEC.

Dấu ấn truyền thông

Trong báo cáo tổng kết trên tất cả các mảng công tác, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 cho biết, công tác chuẩn bị đã được khởi động sớm và chủ động trên tinh thần tận dụng hiệu quả các cơ sở vật chất sẵn có, tăng cường xã hội hóa. Nhờ đó, việc tổ chức các hoạt động khởi động vừa qua tại Hà Nội đã được các thành viên đánh giá cao, bảo đảm chu đáo, trọng thị và tiết kiệm, theo đúng phương châm chung của APEC.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 chủ trì Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Quốc gia APEC 2017.

Cũng trong phiên họp toàn thể Ủy ban quốc gia APEC lần này, Thứ trưởng thường trực Bùi Thanh Sơn đã tổng kết ngắn gọn và đánh giá công tác chuẩn bị của Ủy ban trên cả 5 lĩnh vực: nội dung, lễ tân, tuyên truyền và văn hóa, an ninh và y tế, vật chất và hậu cần, chỉ ra một số tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới. Qua đó, Ủy ban đã đưa ra những đề xuất và góp ý về các vấn đề liên quan tới tiến độ hoàn thiện cơ sở vật chất; sự tham gia của các doanh nghiệp trong khuôn khổ diễn đàn; việc đào tạo và huấn luyện đội ngũ cán bộ tham gia hỗ trợ Diễn đàn cả về kỹ năng tổ chức lẫn kỹ năng ngôn ngữ (tiếng Anh), để triển khai hiệu quả các hoạt động năm APEC 2017.

Đặc biệt lưu ý công tác tuyên truyền, quảng bá, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đánh giá mảng tuyên truyền báo chí đã được triển khai kịp thời với nhiều ý tưởng sáng tạo, góp phần quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người cũng như các tiềm năng kinh tế, du lịch của Việt Nam tới bạn bè quốc tế và khu vực, thu hút sự quan tâm rộng rãi của giới truyền thông.

Hiện Tiểu ban Tuyên truyền và Văn hóa đang tích cực làm việc với các đối tác và các hãng truyền thông lớn trên thế giới, trong đó có CNN, nhằm giới thiệu hình ảnh Việt Nam cũng như Năm APEC Việt Nam 2017. Việc liên kết với các kênh truyền thông quốc tế được đánh giá là một trong những hướng tuyên truyền chủ động và hiệu quả, không chỉ thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước tới Diễn đàn APEC 2017 mà còn là cơ hội tăng cường quảng bá về đất nước và con người Việt Nam.

Song song với quá trình làm việc cùng các kênh truyền thông, Ủy ban Quốc gia APEC 2017 còn đẩy mạnh việc tuyên truyền bên lề Diễn đàn, trong đó bao gồm xuất bản cuốn sách ''Năm APEC Việt Nam 2017: 50 điều cần biết''. Đây là một sản phẩm được đại biểu các nền kinh tế thành viên đánh giá cao, thậm chí đã đề xuất Việt Nam cho ra đời phiên bản tiếng Anh, để phổ biến tại các nền kinh tế trong khu vực.

Qua một năm rưỡi chuẩn bị và trải nghiệm tổ chức Hội nghị ISOM, Ban Tổ chức cũng đã thẳng thắn nhận diện 6 bài học thành công và 5 vấn đề cần kịp thời khắc phục, để công tác tổ chức Năm APEC 2017 ngày càng hoàn thiện hơn.

5 hạn chế cần khắc phục

Tiến độ triển khai một số đầu việc của một số mảng công tác còn chậm, trong đó tiến độ chuẩn bị cơ sở vật chất cho Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng.

Sự tham gia của các Bộ, ngành trong các công việc quan trọng của Năm APEC cần sâu hơn; lực lượng tham gia cần tăng cường về số lượng, chất lượng. Thực tế hiện nay, có Bộ, ngành chỉ có 1 - 2 người phụ trách APEC. Kỹ năng tổ chức, điều hành, khả năng trình bày và tiếng Anh cần được nâng cao hơn nữa.

Công tác chuẩn bị về nội dung cần được các Bộ, ngành đầu tư thích đáng hơn, nhất là các Bộ, ngành phụ trách ưu tiên và tổ chức các hội nghị Bộ trưởng và tương đương.

Đặc điểm của APEC là các sáng kiến, văn kiện phải được kiến nghị từ cấp làm việc rồi mới lên Bộ trưởng và Lãnh đạo Cấp cao. Như vậy, ngay tại SOM 1 này, chúng ta đã phải chuẩn bị được sẵn ý tưởng và văn kiện.

Điểm cuối cùng cần được khắc phục trong các hoạt động của năm APEC 2017 là sự vào cuộc của các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa chủ động và hạn chế.