Ảnh minh họa |
CSIS cho biết, chi tiêu quân sự của Trung Quốc cùng với 4 nước và vùng lãnh thổ châu Á khác đã tăng gấp đôi trong 10 năm qua và sẽ vượt chi tiêu quân sự của khu vực châu Âu trong năm nay. Mặc dù cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực châu Á chưa thể khiến chi tiêu quân sự của khu vực này bằng hoặc vượt Mỹ, song nó sẽ càng khiến cho Mỹ quyết tâm thực hiện kế hoạch chuyển trọng tâm chiến lược sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo số liệu của CSIS, chi tiêu quân sự của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã lên tới 224 tỷ USD năm 2011. Năm 2005, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã vượt Nhật Bản và Trung Quốc trở thành nước có ngân sách quốc phòng lớn nhất châu Á, với mức tăng hàng năm là 13,4%.
Trên thế giới, Trung Quốc hiện đứng thứ hai sau Mỹ về chi tiêu quân sự. Các chuyên gia cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là một "gã khổng lồ về kinh tế" trên toàn cầu đã thúc đẩy Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự trong bối cảnh nước này tìm cách tăng cường ảnh hưởng bên ngoài để đảm bảo việc tiếp cận với các nguồn tài nguyên và các tuyến đường biển. Năm 2011, Bắc Kinh đã chi 25,8 tỷ USD để mua sắm vũ khí mới, tiến hành các cuộc nghiên cứu và các hoạt động phát triển có liên quan, tăng so với mức 7,3 tỷ USD năm 2000.
Dẫn số liệu của Chính phủ Trung Quốc, CSIS cho biết trong giai đoạn 2000-2011, tổng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng từ 22,5 tỷ USD lên 89,9 tỷ USD. Tuy nhiên, CSIS cho biết theo những đánh giá độc lập thì số liệu này còn cao hơn nhiều. Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho rằng ngân sách quốc phòng năm 2011 của Trung Quốc là 142,2 tỷ USD.
Chi tiêu quân sự của Ấn Độ trong thập kỷ qua tăng 47,6%, đạt 37 tỷ USD năm 2011, trong khi ngân sách quốc phòng của Nhật Bản tăng từ 40 tỷ USD lên 58,2 tỷ USD. Đầu tư cho quốc phòng của Hàn Quốc tăng từ 17 tỷ USD lên 29 tỷ USD, còn ngân sách quốc phòng của vùng lãnh thổ Đài Loan tăng với tốc độ chậm hơn, từ 8 tỷ USD năm 2000 lên 10 tỷ USD năm 2011.
Vấn đề chi tiêu quân sự trong tương lai sẽ còn phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế và chính trị. Guy Ben-Ari, nhà phân tích của CSIS, cho rằng mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này được cho là sẽ giảm, song tình hình an ninh bất ổn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải có thể thúc đẩy các nước mạnh tay chi tiêu quân sự hơn.
Phương Nguyên (Theo AFP)