Tốc độ già hoá dân số ở châu Á ngày càng nhanh. |
Tốc độ già hoá ở châu Á đang diễn ra nhanh, dẫn đầu là Nhật Bản, tiếp đến là Hàn Quốc và Thái Lan, Trung Quốc và nhiều nền kinh tế khác.
Sự thay đổi nhân khẩu học này đang báo hiệu cho sự kết thúc của “phép màu kinh tế” châu Á?
Bất kỳ ai quen với việc ghi sổ kế toán kép đều biết rằng mọi tài sản đều có một khoản nợ tương ứng và ngược lại. Nhưng châu Á ngày càng coi tình trạng già hóa dân số là một thực tế cần phải chấp nhận hơn là một tài sản cần được nuôi dưỡng.
Vì vậy, các nước châu Á nhìn chung đang không đánh giá cao người cao tuổi - coi họ như tài sản dư thừa chứ không phải là nguồn tiềm năng có khả năng đóng góp cho tăng trưởng quốc gia.
Đây là một trong những kết luận của tôi khi điều hành một cuộc thảo luận gần đây của nhóm chuyên gia về già hóa và suy giảm dân số tại Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài Nhật Bản (FCCJ) ở Tokyo.
Cạnh tranh giữa các nền kinh tế châu Á ngày càng khốc liệt khi các nước tranh giành thị phần trong nền kinh tế toàn cầu bị đe dọa bởi sự phân tán và thu hẹp do động cơ chính trị, sự cạnh tranh trong chuỗi cung ứng và chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Nâng cao năng suất để tăng sức cạnh tranh đang trở thành nỗi ám ảnh và tài sản được ưu tiên là tài sản vật chất gắn liền với công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo hơn là con người.
Tuy nhiên, trừ khi đầu tư nhiều hơn vào con người, vấn đề dân số già hóa sẽ ngày càng đè nặng lên ngân sách quốc gia, có thể gây ra cuộc nổi dậy của người nộp thuế. Người cao tuổi sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh phổ biến các chế độ lương hưu phúc lợi xác định, trong đó những khoản tiền cố định được hứa trước cho người về hưu.
Aiko Kikkawa, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và là tác giả chính của báo cáo chính sách “Già hóa tốt ở châu Á” công bố trong tháng này, nhận xét thách thức không còn xa như nhiều người nghĩ. Chuyên gia ADB ví vấn đề này giống như “con voi trong tủ” - thứ mà mọi người biết là có nhưng sự hiện diện của nó lại không muốn thừa nhận. Trong các xã hội bận tâm đến sản lượng và hiệu quả, một số người coi lão hóa là “kẻ thù bên trong”.
Kikkawa cho biết: “Vấn đề này khá cấp bách và sẽ định hình lại nền kinh tế và xã hội của chúng ta”. Các nhà hoạch định chính sách phải tập trung vào các vấn đề như sức khỏe, đời sống năng suất, an ninh kinh tế, sự tham gia của gia đình và xã hội – một mệnh lệnh cao cả (và tốn kém) nhưng phải được tuân theo nếu phép màu châu Á không kết thúc sớm.
Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan cũng đang tiến tới trở thành những xã hội già hóa trong khi Trung Quốc đang đi theo hướng đó một cách nhanh chóng. Chỉ có Ấn Độ là vẫn còn khá trẻ, trong số những quốc gia đông dân nhất châu Á.
Số liệu của Nhật Bản cho thấy gần 30% dân số nước này có độ tuổi từ 65 trở lên. ADB không liệt kê Nhật Bản vào khu vực châu Á “đang phát triển” nhưng báo cáo của họ cho thấy tỷ lệ dân số trên 60 tuổi đạt 20% ở Hàn Quốc và Thái Lan, trong đó Trung Quốc cũng đang tiến gần đến mức đó.
Ở châu Á đang phát triển, nơi mà báo cáo bao gồm hầu hết khu vực, tỷ lệ những người từ 60 tuổi trở lên dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 1,2 tỷ vào năm 2050, hay 1/4 dân số trong khu vực.
Vấn đề lão hóa không thể được giải quyết đơn giản bằng cách tăng nhập cư hoặc cải thiện lương hưu. Naohiro Ogawa, một thành viên khách mời tại Viện Ngân hàng Phát triển châu Á, nhận xét tại sự kiện FCCJ, khoảng 80% dân số châu Á đang sống trong các xã hội có mức sinh dưới mức thay thế. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ghi nhận hôm thứ Ba vừa qua rằng tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc và Nhật Bản hiện thuộc hàng thấp nhất thế giới, lần lượt là 0,72 và 1,26.
Tại sự kiện FCCJ, cả Kikkawa và Ogawa đều đưa ra tranh luận về một cách tiếp cận toàn diện hơn, bao gồm mọi thứ từ giáo dục trọn đời và chăm sóc sức khỏe đến quản lý nguồn nhân lực tốt hơn đối với người lớn tuổi.
Nhật Bản chứng kiến sự gia tăng 'những cái chết cô đơn' ở người già trong bối cảnh kêu gọi giải quyết sự cô lập xã hội
Một điểm quan trọng, không phải lúc nào cũng được chú ý, đó là xã hội châu Á đang chứng kiến không chỉ tỷ lệ sinh giảm và dân số già đi mà còn không tận dụng được nguồn nhân lực của mình.
Như Ogawa đã lưu ý, người cao tuổi là “nguồn năng lực làm việc chưa được khai thác”. Đã đến lúc phải “đo lường lại tình trạng già hóa dân số, dựa trên khả năng nhận thức”, mà ông khẳng định thường cao hơn độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc được đề xuất.
Ông trích dẫn dữ liệu cho thấy việc giữ chân người lao động lớn tuổi có thể tăng thêm 1,4% vào tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Nhật Bản và một con số tương tự ở Hàn Quốc, trong khi những nước khác như Trung Quốc cũng sẽ được hưởng lợi.
Việc sử dụng các bài kiểm tra nhận thức tương đối đơn giản có thể xác định người lao động có thể tiếp tục làm công việc được trả lương sau khi nghỉ hưu theo luật định, đặc biệt nếu công việc được thực hiện thân thiện với lứa tuổi hơn thông qua sắp xếp công việc linh hoạt. Nhưng điều đó có nghĩa là người lao động không thể dựa vào một bộ kỹ năng được học sớm trong đời và với tốc độ thay đổi công nghệ, sẽ cần phải đào tạo lại ở tuổi trung niên, đồng nghĩa với việc đầu tư nhiều hơn vào nguồn nhân lực.
Cuộc tranh luận ngày càng chuyển sang cuộc chiến giữa con người và máy móc – tự động hóa để thay thế những người lao động già hoặc đầu tư nhiều hơn vào chăm sóc nguồn nhân lực và đào tạo năng suất. Nhà kinh tế học Nhật Bản Jesper Koll lập luận già hóa dân số có thể đóng vai trò vừa là chất xúc tác cho tái cơ cấu công nghiệp vừa là sự chuyển giao tài sản khổng lồ từ người già sang người trẻ, từ đó cung cấp nguồn tài chính hoặc đầu tư trong tương lai.
Theo quan điểm này, phép lạ kinh tế châu Á vẫn chưa kết thúc mà đang thay đổi đến mức các xã hội giàu tài sản - đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc - sử dụng tiền tiết kiệm của mình để tài trợ cho một phép lạ kinh tế mới dựa trên năng suất. Nhưng điều này không làm mất đi nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực tốt hơn. Chúng ta cần đặt lại câu hỏi: “Còn người lao động thì sao?”