Những lao động nhập cư phải ra “nằm đường” ở Bucharest (Romania). |
Theo dự báo, tỷ lệ thất nghiệp năm 2009 tại Tây Ban Nha sẽ tăng gấp đôi so với năm 2007, mức cao nhất tại châu Âu. Tính đến cuối năm 2008, đã có hơn 400.000 lao động nhập cư tại nước Tây Âu này phải “ngồi chơi xơi nước”, tăng 94% so với năm trước. Nếu như tỷ lệ thất nghiệp trung bình của cả nước là 14% thì con số này lên đến gần 20% đối với người nhập cư. Từ giữa những năm 1990, ước tính có tới 5 triệu lao động nước ngoài đã đổ xô đến Tây Ban Nha từ châu Phi, Mỹ Latinh, Romania và Bulgaria kiếm việc. Phần lớn họ làm việc trong ngành xây dựng và mới đây đã phải ra đứng đường do tình trạng vỡ bong bóng bất động sản.
Thái độ của những người sử dụng lao động địa phương cũng đã thay đổi. Ví dụ, trong vụ thu hoạch ô-liu cuối năm 2008, các chủ trang trại không còn chào đón lao động nhập cư như trước mà ưu tiên tuyển dụng người địa phương đang gặp khó khăn. Về phía các nhà lãnh đạo, tình hình kinh tế mới đã buộc Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Zapatero xem xét lại các chính sách nhập cư.
CH Czech cũng đang dự định xem xét lại chính sách đối với người nhập cư thất nghiệp. Chính phủ nước này đề nghị hỗ trợ vé máy bay và khoảng 500 euro cho mỗi lao động ngoại quốc tự nguyện hồi hương. Theo Bộ trưởng Nội vụ Czech, quyết định này nhằm giảm “nguy cơ mất an ninh” do tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng ở người nhập cư. Trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế tại Czech đã thu hút hàng triệu người từ các nước Ukraine, Slovakia, Việt Nam, Mông Cổ và Moldova.
Còn tại Anh, ngay vừa đầu tháng này, hàng trăm công nhân địa phương trong lĩnh vực năng lượng đã tổ chức biểu tình phản đối người lao động ngoại quốc, vốn chỉ được trả lương và các khoản bảo hiểm xã hội thấp hơn nhiều so với người bản địa. Thủ đô Mátxcơva của Nga chứng kiến nạn “đầu trọc” tấn công người nhập cư gốc châu Á và Trung Đông đang gia tăng cùng với khủng hoảng kinh tế. Hiện ở Nga, người lao động nhập cư chiếm khoảng từ 5-10% dân số nước này.
Lê Việt