📞

'Chiếc bẫy' S-400 của Tổng thống Putin và những 'lá bài tẩy' của Mỹ

16:16 | 29/07/2019
Một bài phân tích gần đây trên tuần báo Al-Ahram (Ai Cập) nhận định, hệ thống tên lửa phòng không S-400 Nga cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ thực chất là một "chiếc bẫy" của Moscow nhằm làm chậm tiến độ phát triển dự án máy bay chiến đấu F-35 và phá vỡ mối liên kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). 
Hệ thống tên lửa phòng không S-400. (Nguồn: TASS)

Trì hoãn chương trình F-35

Theo bài viết trên, một sự kiện chưa từng có tiền lệ đã xảy ra trong nội bộ NATO khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần qua thông báo Thổ Nhĩ Kỳ không còn là một phần của chương trình phát triển máy bay tiêm kích tối tân F-35. Quyết định của NATO được đưa ra dựa trên các báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong đó chỉ ra rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết tâm mua hệ thống tên lửa phòng không chiến lược S-400 mới nhất của Nga và điều này có thể làm tổn hại đến sự an toàn của chương trình phát triển F-35.

Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ và một nhóm các nước thành viên NATO khác đã được giao nhiệm vụ sản xuất các bộ phận cho máy bay chiến đấu hiện đại này. Theo kế hoạch, Ankara sẽ sản xuất 844 bộ phận trong tổng số gần 185.000 linh kiện để chế tạo F-35. Quyết định của NATO sẽ khiến liên minh quân sự này phải tìm kiếm một nhà sản xuất thay thế Thổ Nhĩ Kỳ và điều này có thể làm trì hoãn chương trình F-35.

F-35 là dự án đầy tham vọng và đắt đỏ bậc nhất trong lịch sử quân sự thế giới, với chi phí vượt quá 400 tỷ USD và có thể chạm tới mốc 1.000 tỷ USD sau khi hoàn thành. Do đó, ý nghĩa chính trị của quyết định đình chỉ tham gia dự án đối với Thổ Nhĩ Kỳ là rất lớn và lần đầu tiên được đưa ra trong nội bộ NATO. Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga đã vi phạm các quy tắc của NATO, vốn bắt buộc các nước thành viên NATO phải sử dụng vũ khí do các thành viên NATO sản xuất. Đáng chú ý, hệ thống S-400 có thể phơi bày những bí mật về phương thức hoạt động của F-35 nếu được kết nối trong giao thức phòng thủ của NATO.

Do mới chỉ được sử dụng hạn chế tại thời điểm hiện tại, máy bay F-35 vẫn chưa tiệm cận mức hoàn thành 80% được đặt ra cho năm nay và còn xa với mục tiêu sẵn sàng chiến đấu 100% mà Mỹ và các đồng minh nhắm tới. Sự chậm trễ của dự án càng trở nên nghiêm trọng sau những thất bại trong các lần thử nghiệm.

Một mũi tên, nhiều mục đích

Điều đó cho thấy, rõ ràng, F-35 không phải là máy bay chiến đấu "bất khả chiến bại" và "không có đối thủ" như những gì NATO từng tuyên bố. Việc Nga đẩy nhanh triển khai hệ thống S-400 ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhằm mục đích phát hiện các điểm yếu của F-35 và qua đó có thể được sử dụng để phát triển hệ thống S-500 mới của Nga với mục tiêu tiếp tục trở thành hệ thống tên lửa phòng không tân tiến nhất thế giới.

Vì S-400 của Nga, Mỹ quyết định ngừng tiếp nhận phi công Thổ Nhĩ Kỳ sang đào tạo về F-35. (Nguồn: Reuters)

Mỹ và các đồng minh NATO thừa hiểu các mục tiêu của Nga trong bối cảnh Washington đã chi quá nhiều tiền để phát triển F-35 và họ sẽ không thể để các bí mật quân sự của mình rơi vào tay Moscow. Một khi Nga phát hiện cách thức theo dõi các máy bay F-35 mới, điều này đồng nghĩa với chương trình quân sự của Mỹ bị thất bại toàn diện.

Giới phân tích cho rằng Tổng thống Putin đã khiến các đối thủ NATO của Nga phải "đau đầu" với một mũi tên trúng hai đích. Thứ nhất, ông chủ Điện Kremlin đã thành công khi thuyết phục Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 trị giá hơn 2 tỷ USD, trong bối cảnh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang tìm cách cải thiện quan hệ với Moscow sau cuộc khủng hoảng ngoại giao song phương khi một máy bay chiến đấu của Nga bị bắn hạ gần biên giới Syria và Đại sứ Nga ở Thổ Nhĩ Kỳ bị ám sát.

Thứ hai, truyền thông Nga thời gian gần đây tiết lộ, bên cạnh hệ thống S-400, Nga rất quan tâm đến việc cung cấp máy bay chiến đấu SU-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ và có thể cả máy bay chiến đấu tàng hình SU-57 hiện vẫn đang được phát triển. Như vậy, ông Putin sẽ đảm bảo duy trì được một khách hàng tiềm năng mua các thiết bị quân sự của Nga bất chấp kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua giai đoạn khó khăn những năm gần đây.

Nắm bắt được tâm lý của ông Erdogan, ông Putin có thể tự tin rằng, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục mua thêm các trang thiết bị quân sự của Nga sau thương vụ S-400. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ cân nhắc những đề xuất của Nga một cách nghiêm túc, tư cách thành viên NATO của nước này sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ không muốn chứng kiến một nước thành viên NATO quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi liên minh quân sự này và Washington sẽ càng "đau đầu" nếu Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đồng minh thân cận của Nga. NATO chắc chắn sẽ tìm mọi cách để Thổ Nhĩ Kỳ không rơi vào tầm ảnh hưởng của Nga. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn sở hữu khá nhiều "lá bài tẩy" về kinh tế và chính trị để mặc cả với Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vậy, các giải pháp của Mỹ sẽ chỉ được Washington sử dụng tùy thuộc vào quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ diễn biến ra sao trong thời gian tới.

(theo AhramOnline)