Trung Quốc hiện đang đẩy mạnh xây dựng các thiết bị phát điện bằng sức gió. |
Trước nhu cầu cấp bách về năng lượng, Trung Quốc (TQ) đã và đang tích cực xây dựng một chiến lược an ninh năng lượng từ nay đến năm 2020.
Mục tiêu chiến lược
Mục tiêu phát triển của TQ trong những năm đầu thế kỷ 21 đã được giới nghiên cứu cụ thể hoá: Một là, trong 20 năm (2001-2020) tăng tổng giá trị sản xuất trong nước lên gấp 4 lần, tới năm 2020, GDP của TQ bằng 16 lần năm 1978, trở thành thực thể kinh tế hàng đầu thế giới; Hai là, sau 20 năm, sức mạnh tổng hợp của TQ từ chỗ bằng 1/3 của Mỹ tăng lên bằng 1/2, trở thành cường quốc có năng lực chủ đạo trên cơ sở sức mạnh tổng hợp hùng mạnh; Ba là, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt, từ chỗ là nước có mức thu nhập trung bình thấp thành nước có mức thu nhập từ trung bình trở lên, xây dựng thành công xã hội khá giả - mọi người đều được giáo dục, chăm sóc y tế và cùng giàu có; Bốn là, nâng cao sức cạnh tranh quốc tế, đứng vào hàng ngũ 10 nước hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển trên, TQ không thể không tính đến vấn đề năng lượng. Đó là nhằm đảm bảo sự tăng trưởng kinh tế ổn định, ngăn chặn khủng hoảng và xây dựng chính sách an ninh, nhằm khôi phục và bảo vệ môi trường với tư cách là điều kiện bắt buộc của sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, trong quá trình hoạch định chiến lược an ninh quốc gia, nước này luôn tính đến chiến lược an ninh năng lượng. TQ đã đề ra mục tiêu cụ thể cho chiến lược an ninh năng lượng. Đó là: xây dựng chiến lược an ninh năng lượng trên cơ sở vận dụng kinh nghiệm quốc tế, tôn trọng quy luật kinh tế, quy luật tự nhiên và xuất phát từ tình hình thực tế đất nước nhằm giảm bớt nguy cơ phụ thuộc và chịu áp lực về năng lượng từ nước ngoài, đảm bảo sự chắc chắn, liên tục việc vận chuyển năng lượng trong khi tiếp tục tìm kiếm những nguồn năng lượng ổn định trên thế giới.
Việc xác định mục tiêu chiến lược an ninh năng lượng như trên đã tạo tiền đề quan trọng để TQ tiến hành các biện pháp cụ thể nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Biện pháp chiến lược
TQ là nước không chỉ có nhu cầu về năng lượng tăng nhanh nhất trong những năm gần đây, mà còn là nước lãng phí các nguồn năng lượng nhất, bởi có hiệu suất sử dụng năng lượng thấp. Năm 2004, TQ chi 13% GDP cho tiêu thụ năng lượng, gấp đôi tỷ lệ tương đương ở Mỹ.
Để giảm bớt rủi ro và hạn chế sự gia tăng nhập khẩu năng lượng, TQ đã tiến hành một loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng. Chẳng hạn như thực hiện nghiêm ngặt tiết kiệm dầu mỏ trong nước. Ngành nào có thể dùng than thì tận dụng, ngành nào buộc phải dùng dầu mỏ thì cố gắng tiết kiệm. Ngoài ra, nước này còn đề ra những biện pháp thuế ưu tiên và tín dụng kích thích sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và công nghệ mới ít tiêu hao; cử người đi học tập kinh nghiệm tiên tiến nước ngoài...
Bên cạnh đó, TQ còn đẩy mạnh tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ hạn chế nguồn năng lượng của nước mình, kêu gọi toàn dân tiết kiệm và xây dựng mô hình xã hội tiết kiệm năng lượng. Những năm gần đây, nhiều thành phố của TQ đã thực hiện việc các công xưởng luân phiên ngừng sản xuất, tránh căng thẳng về điện trong giờ cao điểm. Bắc Kinh cũng đã kêu gọi các công sở chỉ mở máy điều hoà ở mức 26oC để tránh lãng phí điện. Hơn thế, TQ còn rất tích cực đưa ra những tính toán năng lượng chiến lược cho những năm tiếp theo. Chẳng hạn, tháng 11/2003, nhóm vấn đề về nghiên cứu chiến lược và chính sách phát triển tổng hợp năng lượng TQ có bài Phân tích chiến lược và chính sách nhà nước đã ước tính nhu cầu năng lượng của TQ đến năm 2020 theo 3 phương án: tối đa phải cần tới 3,28 tỷ tấn nguyên liệu, phương án trung bình là 2,896 tỷ tấn và phương án tối thiểu là 2,466 tỷ tấn. Các phương án được phân theo mức độ tính hợp lý của những biện pháp được áp dụng nhằm hạn chế nhu cầu sử dụng năng lượng. Các phương án cũng chú ý những yếu tố sử dụng năng lượng quan trọng nhất như nhịp độ tăng trưởng dân số, mức độ đô thị hoá, khuynh hướng tiêu dùng, sự thích ứng với những bước nhảy vọt của nền kinh tế thế giới, cuộc cách mạng kỹ thuật - kinh tế của những ngành cơ bản thuộc nền kinh tế quốc dân. Các nhà hoạch định chiến lược an ninh năng lượng TQ cho rằng định hướng tối ưu cho sự phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng phải là hạn chế sử dụng năng lượng theo phương án tối thiểu và trong mọi tình huống cũng không để vượt quá phương án trung bình.
Phát triển các nguồn năng lượng thay thế
Cùng với tiết kiệm năng lượng, phát triển năng lượng tái sinh, năng lượng hạt nhân và các nguồn năng lượng thay thế khác cũng đang là một trong những trọng tâm của chiến lược an ninh năng lượng TQ.
Về năng lượng tái sinh, TQ hiện đang đẩy mạnh xây dựng các thiết bị phát điện bằng sức gió, các nhà máy thủy điện để tăng cường điện năng. Năm 2011, TQ đã lắp đặt các turbin gió công suất 17,6GW, giảm 6,9% so với 2010, nhưng vẫn đưa tổng công suất lắp đặt năng lượng gió của TQ lên 62,4 GW tính đến cuối năm 2011 và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió. Theo Cục Quản lý Năng lượng, Ủy ban Phát triển và Cải cách TQ, tới năm 2020, năng lượng điện dùng sức gió ở TQ có thể đạt 20 triệu KW…
Về năng lượng hạt nhân - năng lượng duy nhất có thể thay thế với quy mô lớn năng lượng hoá dầu, đồng thời giảm được việc thải thể khí và vật chất vào môi trường, TQ đang đặt mục tiêu từ nay đến hết năm 2020 sẽ xây dựng 40 tổ máy phát điện hạt nhân. Năng lượng nguyên tử sẽ chiếm 6% tổng năng lượng tiêu thụ nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu dầu và cái giá phải trả về môi trường. Do vậy, từ năm 2004, bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác với Mỹ xây dựng 4 nhà máy điện hạt nhân (trị giá hơn 5 tỷ USD), TQ cũng đang xây dựng các nhà máy điện hạt nhân do nước này tự thiết kế.
Thêm vào đó, TQ cũng đang tăng cường nghiên cứu các công nghệ mới từ các nguyên liệu hoá thạch và từ rác thải. Tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải..., người ta đã sử dụng công nghệ "khí hóa than đá". Công nghệ này giúp biến than đá thành khí gas sạch không chứa khí lưu huỳnh để hóa lỏng hoặc dùng cho chạy xe hơi hay đốt để phát điện. Nhiều thành phố của TQ cũng chú trọng xây dựng các nhà máy tận dụng, biến nguồn nhiệt từ việc đốt rác thải thành điện. Có thể nói, những loại năng lượng thay thế trên có tiềm năng sử dụng rất lớn, nhưng mới chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng lượng năng lượng của TQ. Nguyên nhân là do giá thành đầu tư vẫn cao hoặc chưa phù hợp với trình độ công nghệ của TQ. Tuy nhiên, TQ đang ngày càng ý thức được tầm quan trọng này và coi trọng phát triển các loại năng lượng thay thế. Đây cũng là hướng để TQ thúc đẩy phát triển KHCN cao.
Xây dựng các kho dự trữ dầu chiến lược
Xây dựng các kho dự trữ dầu chiến lược là bài học kinh nghiệm mà các nước rút ra trong cuộc khủng hoảng dầu lửa năm 1973. Khi đó, trong lúc Nhật, nước nhập khẩu dầu lửa lớn điêu đứng vì thiếu nhiên liệu thì Mỹ lại an toàn do có dự trữ lượng lớn dầu lửa. Kể từ đó, hầu hết các nước đều xây dựng kho xăng dầu dự trữ. Từ năm 1993, khi TQ bắt đầu chuyển từ nước xuất dầu sang nước nhập dầu, TQ đã đưa ra phương án dự trữ dầu, nhưng tới năm 2004 mới phê duyệt với tổng đầu tư trên 100 tỉ NDT.
Phương án này chia làm 3 giai đoạn và hoàn thành trong 15 năm. Nội dung cơ bản của chiến lược này gồm 3 phương thức: Thu mua dầu trên thị trường đưa về nước làm nguồn dự trữ ở các kho chứa trong nước. Theo quy hoạch, các kho này có thể đảm bảo cung cấp đủ dầu lửa trong 6 tháng khi có khủng hoảng dầu lửa. Thứ hai, các công ty dầu mỏ của TQ ở nước ngoài có nhiệm vụ dành ra lượng dầu dự trữ nhất định để cung cấp khi trong nước cần huy động và thứ ba, các công ty dầu mỏ ở trong nước luôn phải dành lượng dầu lửa làm dự trữ khi nhà nước cần huy động.
Nhìn chung, phương thức đầu tiên vẫn là chủ yếu vì dự trữ ngoại tệ của TQ hiện rất hùng hậu. Theo đó, tổng dự trữ ngoại tệ của TQ tính đến cuối tháng 3/2012 đã lên đến 3.305 tỷ USD. Trước mắt, TQ đã xây thêm các kho dự trữ dầu chiến lược tại các khu vực kinh tế trọng điểm ở Triết Giang, Đại Liên, Sơn Đông và Quảng Đông. Theo những đánh giá gần đây cho thấy, kho dự trữ dầu thô TQ hiện đã lên trên 88 tỷ tấn, tăng 15% so với hồi 2003. Dự trữ khí đốt tự nhiên của TQ cũng tăng 49% so với năm 2003, đạt 52.000 tỷ m3. Khoản tiền đầu tư vào khai thác dầu khí của TQ đã tăng từ 19 tỷ NDT (3 tỷ USD) vào năm 2002 lên 67 tỷ NDT vào năm 2011.
Lưu Việt Hà