Tổng thống Obama đang hiện thực hóa thuyết thế giới phi hạt nhân vốn giúp ông giành giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2009. |
Hàng loạt sự kiện đã và đang diễn ra khiến nhiều người nghĩ đến việc Tổng thống Obama đang hiện thực hóa thuyết thế giới phi hạt nhân vốn giúp ông giành giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2009. Thế nhưng từ nói đến làm không bao giờ suôn sẻ ngay cả đối với người được cho là hết sức cởi mở như ông Obama.
Bản dự thảo mâu thuẫn
“Báo cáo định hướng Đánh giá Vị thế Hạt nhân 2009” của Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP) cho rằng vị thế vũ khí hạt nhân hiện tại của Mỹ tạo ra một gánh nặng không cần thiết cho các nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố hạt nhân và việc chuyển giao công nghệ, nguyên liệu và vũ khí hạt nhân tới các quốc gia khác. Theo CAP, vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược của Mỹ cần phải giảm bớt, chẳng hạn giảm cơ cấu lực lượng, hạ thấp nguy cơ cảnh báo, thậm chí có thể bỏ các kế hoạch tấn công các mục tiêu định sẵn.
Tổng thống Obama đã từng tán thành Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT), tiến trình đàm phán về một Hiệp ước cắt giảm nguyên liệu hạt nhân có thể thẩm tra, và mục tiêu để đảm bảo an toàn cho toàn bộ nguyên liệu hạt nhân dễ bị tấn công trên toàn thế giới trong vòng 4 năm nhằm giảm nguy cơ từ chủ nghĩa khủng bố hạt nhân. Ông Obama còn nói rằng có thể trong nhiệm kỳ của mình ông sẽ không được chứng kiến một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhưng ông cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ sẽ hành động vì mục tiêu đó. Nếu vai trò của vũ khí hạt nhân được giới hạn xuống mức ngăn chặn, nó sẽ cho thấy một bước lùi đáng kể từ học thuyết của cựu tổng thống Bush về chiến tranh phòng ngừa được nhiều người coi là hết sức nguy hiểm và gây bất ổn.
Nhưng bản thân bản dự thảo NPR 2010 đã chứa đựng sự mâu thuẫn khi không nhấn mạnh vai trò của vũ khí hạt nhân trong vị thế chiến lược của Mỹ trong khi lại để ngỏ khả năng sử dụng. Đề xuất ngân sách tài khóa năm 2010 của chính quyền Obama đã đặt dấu chấm hết cho chương trình sản xuất đầu đạn hạt nhân thay thế tin cậy (RRW) nhằm kéo dài tuổi thọ của kho vũ khí của Mỹ thêm một thế kỷ nhưng thay vào đó chính quyền sẽ tiếp tục chương trình quản lý kho đầu đạn theo đó các phòng thí nghiệm sẽ tiếp tục duy trì và tái tạo các loại vũ khí hạt nhân có từ những năm 1990!
Tham vọng không quá tầm
Hệ thống phòng thủ tên lửa là một phần không thể thiếu trong NPR 2010. Mặc dù Chính quyền Obama sẽ không động chạm đến một số lĩnh vực trong hệ thống phòng thủ tên lửa khi đưa ra NPR nhưng chắc chắn các bộ phận có chi phí tốn kém và chưa được thử nghiệm trong chương trình phòng thủ tên lửa sẽ được cắt bỏ. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng xác nhận rằng báo cáo “Đánh giá Hệ thống Phòng thủ Tên lửa” sẽ được đệ trình lên Quốc hội vào năm 2010, và khi đó số phận của các hệ thống phòng thủ ngắn hạn và hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu sẽ được quyết định xem triển khai như thế nào và ở mức độ ra sao.
Như vậy, NPR 2010 có thể mang lại những thay đổi quan trọng nhất trong học thuyết sử dụng hạt nhân của Mỹ kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Nếu kết quả cuối cùng là: vai trò của vũ khí hạt nhân giảm, chỉ dùng để răn de các loại vũ khí hạt nhân khác; lực lượng hạt nhân cắt giảm; vũ khí hạt nhân không còn vai trò trong chống phổ biến; tăng cường kiểm soát vũ khí… thì nhiều người cho rằng đây là một kết quả thành công và nó sẽ tăng cường sức mạnh cho cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.
Những vấn đề trong NPR là rất tham vọng, nhưng có thể thực hiện được. Nhiều đồng minh của Mỹ và các quốc gia khác đang hy vọng một NPR của Mỹ mang tính hợp tác nhiều hơn, ít đơn phương so với những năm dưới thời Bush. Cho tới nay, vẫn còn nhiều thách thức về thể chế ở phía trước, và vẫn còn khó dự đoán được kết quả cuối cùng của NPR sẽ ra sao.
Nguyễn Nhâm & Lê Thành