📞

Chống dịch Covid-19: Việt Nam tiếp tục nhận ‘cơn mưa’ lời khen từ báo chí quốc tế

20:26 | 04/05/2020
TGVN. Với việc không ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong nhiều ngày, tuần qua, công tác phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Việt Nam tiếp tục được truyền thông quốc tế ngợi ca như một "điểm sáng" của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 
Áp phích tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 tại một tuyến phố của thủ đô Hà Nội. (Nguồn: AFP)

Kết quả phi thường

Nhật báo Sydney Morning Herald (Australia) số ra ngày 29/4 đánh giá Việt Nam đã đạt "kết quả phi thường" trong nỗ lực phòng chống đại dịch khi liên tục trong nhiều ngày không có thêm ca nhiễm mới và không có ca tử vong nào kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 1 năm nay.

Bài báo so sánh với một số quốc gia Đông Nam Á như Singapore và Malaysia dù đạt được thành công ban đầu tương tự như Việt Nam trong việc ngăn chặn đại dịch Covid-19, nhưng đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ hai.

"Tỷ lệ lây nhiễm ở Việt Nam cũng rất thấp nếu so sánh với New Zealand, quốc gia cũng đã kiểm soát được lây nhiễm trong cộng đồng. New Zealand hiện có 19 ca tử vong trong tổng số 1.126 ca mắc Covid-19 được ghi nhận", tác giả dẫn chứng trên tờ Sydney Morning Herald.

Gọi câu chuyện của Việt Nam là "câu chuyện thành công ngoại lệ" trong đại dịch, tác giả Adam Taylor của tờ Washington Post - một trong những cơ quan truyền thông hàng đầu nước Mỹ ngày 30/4 khẳng định, Việt Nam đã mở ra những “bài học” cho Mỹ trong việc ứng phó với đại dịch toàn cầu.

So sánh với Mỹ - cường quốc hàng đầu thế giới với nguồn tài chính dồi dào và hệ thống y tế công cộng ưu việt, chưa đầy 3 tháng sau khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận trên lãnh thổ Mỹ, hơn 65.000 người Mỹ đã thiệt mạng. Trong khi đó, Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có bất kỳ ca tử vong nào và không ghi nhận thêm các ca lây nhiễm cộng đồng mới trong 2 tuần.

“Mặc dù có đường biên giới chung với Trung Quốc, với dân số hơn 95 triệu người và thu nhập tương đối thấp, Việt Nam vẫn là câu chuyện thành công ngoại lệ trong đại dịch”, tác giả Adam Taylor nhấn mạnh trong bài viết.

Washington Post cũng dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ngày 28/4 rằng: “Việt Nam đã cơ bản đẩy lùi dịch Covid-19”.

Theo bài viết, Việt Nam vốn không phải là nơi “nổi tiếng về công nghệ” như Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc). Việt Nam cũng không phải là nơi có diện tích nhỏ và dễ kiểm soát như Hong Kong (Trung Quốc) hay Iceland.

Tạp chí The Diplomat mới đây cũng có bài viết nhận định về phản ứng phòng chống đại dịch Covid-19 hiệu quả đến mức đáng ngạc nhiên của Việt Nam.

Theo tạp chí này, khi đại dịch Covid-19 tiếp tục tàn phá khắp thế giới, Việt Nam đang nổi lên là một trong những "điểm sáng" tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong công tác phòng chống dịch.

Theo The Diplomat, so sánh với những nơi được truyền thông quốc tế khen ngợi vì đánh bại được dịch Covid-19 như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc hay New Zealand, Việt Nam có thể bị coi là bất lợi hơn do nền kinh tế không phát triển bằng, dân số đông và chia sẻ một đường biên giới dài với Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh.

Năm 2019, theo bảng xếp hạng của Trung tâm Johns Hopkins về an ninh y tế và "Sáng kiến đe dọa hạt nhân" (NTI), Việt Nam xếp hạng thứ 50/195 quốc gia về mức độ sẵn sàng đối phó với dịch bệnh và đại dịch, thấp hơn nhiều so với Hàn Quốc (9), New Zealand (35), hoặc thậm chí những quốc gia đang “vật lộn” với hàng trăm nghìn ca nhiễm như Mỹ (1), Pháp (11) hay Italy (31).

Theo trang Times of India, chìa khóa thành công của Việt Nam đến từ việc huy động lòng yêu nước của nhân dân để chiến đấu với dịch bệnh. (Nguồn: Getty Images)

Chung sức, đồng lòng

Giải mã câu chuyện thành công của Việt Nam, trang mạng Times of India (Ấn Độ) mới đây cho rằng, Việt Nam đã tiếp cận Covid-19 như một cuộc chiến với tuyên bố "chống dịch như chống giặc". Việt Nam huy động tất cả nguồn lực của đất nước, bao gồm cả quân đội và bắt đầu kiểm dịch nghiêm ngặt cũng như truy tìm những người tiếp xúc ngay từ khi số người nhiễm còn rất thấp.

Tuy nhiên, theo trang Times of India, chìa khóa thành công của Việt Nam đến từ việc huy động lòng yêu nước của nhân dân để chiến đấu với dịch bệnh. "Là một quốc gia trong quá khứ đã đánh bại hai đế quốc hùng mạnh, Chính phủ Việt Nam có thể tin tưởng vào người dân Việt Nam trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh này", trang mạng bình luận.

Trang tin Yahoo Japan (Nhật Bản) ngày 27/4 cũng dẫn kết quả cuộc khảo sát gần đây do Tổ chức khảo sát YouGov của Anh tiến hành cho thấy, có tới 93% người dân được hỏi cho biết hài lòng với các biện pháp chống dịch Covid-19 mà Chính phủ thực hiện. Kết quả này đứng đầu danh sách các nước được khảo sát.

Còn theo Tạp chí The Diplomat, lãnh đạo Chính phủ giữa cuộc khủng hoảng này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hiểu được rằng, lệnh thực thi giãn cách xã hội trên toàn quốc và các biện pháp liên quan chỉ được thực hiện tốt khi người dân tin tưởng vào Chính phủ và Việt Nam đã đạt được điều này trong suốt những tháng qua, nhất là trên không gian mạng và mạng xã hội. Chính phủ luôn cập nhật, thông báo đầy đủ với người dân từng ngày về những ca nhiễm Covid-19 mới, tình hình dịch bệnh một cách minh bạch.

“Bằng cách nhanh chóng thiết lập các biện pháp nghiêm ngặt như giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới để chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2, đồng thời đề xuất một số gói kích thích để giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam và thậm chí tiếp cận và giúp đỡ các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ công chúng. Người dân Việt Nam dường như có mức độ tự tin cao nhất trên toàn cầu về cách Chính phủ của họ xử lý đại dịch” - The Diplomat nhận định.

Chiến lược thành công

Nhà văn, nhà báo nổi tiếng Indonesia Agus Marwan - Tổng Thư ký Diễn đàn Văn chương Indonesia đã có bài viết phân tích về bài học của Việt Nam trên tờ Suara Mahardika, theo đó đánh giá Việt Nam, với nguồn lực hạn chế, đã chống dịch Covid-19 thành công và được cộng đồng quốc tế ca ngợi chính nhờ có một chiến lược và kế hoạch tốt.

Ba chiến thuật then chốt được Chính phủ Việt Nam triển khai rộng khắp: gồm sàng lọc và kiểm tra nhiệt độ cơ thể, phong tỏa có mục tiêu và trao đổi thông tin liên tục.

Học giả này cũng đã chỉ ra chiến lược 12 điểm của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19: áp dụng chính sách phong tỏa hạn chế; có chiến lược tuyền truyền rộng rãi; tiến hành giám sát chặt chẽ và bảo vệ an ninh tại khu vực biên giới; ngừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc trước khi ngừng tất cả các chuyến bay đến các quốc gia vùng dịch, hạn chế nhập cảnh với người nước ngoài; huy động lực lượng an ninh để xác minh, theo dõi và giám sát những người từng tiếp xúc với các ca nhiễm bệnh; yêu cầu mọi công dân phải đeo khẩu trang ở các địa điểm công cộng; đóng cửa các địa điểm dịch vụ công cộng; ban hành chính sách giãn cách xã hội; áp dụng hướng dẫn điều trị bệnh nhân Covid-19; lập các cơ sở phát hiện bệnh nhân Covid-19 khẩn cấp tại các khu dân cư; lan tỏa các thông điệp truyền thông rõ ràng về Covid-19; huy động rộng rãi các lực lượng tham gia chống dịch.

Tờ Washington Post dẫn nhận định của Giáo sư Robyn Klingler-Vidra từ Trường King’s College London và Tiến sĩ Trần Bá Linh từ Đại học Bath (Anh quốc) cho rằng, có 3 chiến thuật then chốt được Chính phủ Việt Nam triển khai rộng khắp gồm: sàng lọc và kiểm tra nhiệt độ cơ thể, phong tỏa có mục tiêu và trao đổi thông tin liên tục.

“Tất nhiên, nhiều quốc gia cũng tiến hành xét nghiệm và số lượng xét nghiệm thô của Việt Nam thấp hơn nhiều so với nhiều nước khác: Mỹ tiến hành hơn 5 triệu xét nghiệm, trong khi Việt Nam mới chỉ tiến hành 200.000 xét nghiệm. Tuy nhiên, nếu tính số xét nghiệm trên đầu ca nhiễm, Việt Nam là trường hợp ngoại lệ”, bài viết phân tích.

Thành công của Việt Nam đến từ "mô hình chi phí thấp". (Nguồn: Getty Images)

Phân tích về những nỗ lưc của Việt Nam trên tờ The Sunday Guardian, Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh - Viện trưởng Viện nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) cho rằng, thành công của Việt Nam đến từ "mô hình chi phí thấp", theo cách John Reed mô tả trong một bài báo trên Financial Times.

Việt Nam không chọn xét nghiệm diện rộng mà thay vào đó là kiểm soát người nhiễm bệnh và áp dụng các biện pháp truy dấu tiếp xúc với những người nghi nhiễm. Sử dụng những công cụ kỹ thuật số như Bluezone, cơ quan y tế Việt Nam có thể dễ dàng định vị và xử lý các nguy cơ tiềm tàng.

Yếu tố thứ hai, theo Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh là các cơ quan y tế được công nhận ở Việt Nam, cả trong lĩnh vực nghiên cứu lẫn thực tiễn. Ví dụ, Trung tâm Nghiên cứu Hệ thống Y tế - Đại học Y Hà Nội (CHSR) hiện đứng thứ 23 trong bảng xếp hạng các tổ chức nghiên cứu, phân tích và vận động chính sách hàng đầu thế giới, theo đánh giá của Đại học Pennsylvania (Mỹ).

"Về mặt thực hành, các y bác sĩ ở Việt Nam có rất nhiều cơ hội để vận dụng các kiến thức của mình vào thực tiễn do số lượng bệnh nhân nhập viện quá nhiều. Rất nhiều bác sĩ từ Indonesia, Malaysia, Philippines và Nhật Bản chọn Việt Nam làm nơi rèn luyện tay nghề. Một điểm đáng chú ý khác là bộ dụng cụ xét nghiệm Covid-19 do Việt Nam chế tạo đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận và đạt chuẩn châu Âu", Tiến sĩ Lê Đình Tĩnh dẫn chứng.

(tổng hợp)