Chuyên gia Ấn Độ cho rằng nhóm Bộ tứ nhấn mạnh một trật tự tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên luật lệ. (Nguồn: Business Standard) |
Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dựa trên luật lệ
Bản tổng kết các cuộc thảo luận được tổ chức riêng giữa Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi với Thủ tướng Australia Scott Morrison, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng như Tuyên bố chung của cuộc họp trực tiếp đầu tiên của nhóm Bộ tứ (ngày 24/9 tại Nhà Trắng) cho thấy sức mạnh của nhóm đã được củng cố. Không những thế, các cuộc gặp còn truyền tải một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc để chống lại cách tiếp cận ngày càng hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Nội dung các cuộc gặp không chỉ cho thấy sự hội tụ các lợi ích mà còn cả các bước tiếp theo để duy trì hòa bình tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách chống lại các xu hướng tiêu cực.
Tại các cuộc họp song phương trước thềm hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ, lãnh đạo các nước đều bày tỏ quyết tâm tiếp tục hợp tác chặt chẽ vì lợi ích chung; hướng tới thúc đẩy mục tiêu chung là một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, rộng mở, thịnh vượng và dựa trên luật lệ.
Sau cuộc họp kéo dài 2 giờ, một tuyên bố chung đã được đưa ra, thể hiện quan điểm nhất quán của nhóm Bộ tứ ủng hộ pháp quyền, tự do đi lại trên biển và trên không, giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hoà bình đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia...
Diễn ra vào thời điểm chính sách của Mỹ đang có những thay đổi mạnh mẽ, nội dung hội nghị lần này thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế bởi mỗi bước đi mới mà nhóm Bộ tứ triển khai có thể dẫn tới những biến chuyển trên bàn cờ chiến lược thế giới.
Hợp tác chống lại những xu hướng tiêu cực
Theo cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan, mọi khía cạnh trong Tuyên bố chung của nhóm Bộ tứ đều rất đáng chú ý.
Thứ nhất, tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương rộng mở và "không bị ép buộc". Mặc dù Trung Quốc không được nhắc tới, Bắc Kinh rõ ràng đang là ưu tiên hàng đầu của nhóm.
Thứ hai, tuyên bố chỉ ra các quốc gia “đứng về pháp quyền, tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp, các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia”.
Các nước thành viên của nhóm Bộ tứ quyết tâm tiếp tục ủng hộ việc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), để đối phó với các thách thức trật tự dựa trên quy tắc hàng hải, bao gồm cả ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhóm Bộ tứ cũng khẳng định hỗ trợ các quốc đảo nhỏ, đặc biệt là các quốc đảo ở Thái Bình Dương, nhằm tăng cường khả năng phục hồi về kinh tế và môi trường của họ.
Thứ ba, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ được quan tâm nhiều hơn. Nhóm Bộ tứ đã công bố một số hiệp ước mới, bao gồm một hiệp ước để tăng cường bảo mật chuỗi cung ứng cho chất bán dẫn. Nhóm cũng triển khai quan hệ đối tác 5G và quyết tâm làm việc cùng nhau để tạo thuận lợi cho hợp tác công tư và chứng minh khả năng mở rộng và đảm bảo an ninh mạng.
Tin liên quan |
Ấn Độ ra tuyên bố đầu tiên về AUKUS |
Thứ tư, tuyên bố chung ghi nhận "sự hợp tác mở rộng" giữa 4 quốc gia.
Thứ năm, nhóm Bộ tứ cho thấy rõ ý định mở cửa để các nước khác tham gia vào việc đạt được mục tiêu của họ. Trong khi tái khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN và sự hội tụ với Triển vọng của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Nhóm Bộ tứ cũng hoan nghênh chiến lược của EU đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được công bố vào tháng 9/2021.
Thứ sáu, nhóm Bộ tứ quyết định thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và hỗ trợ Mạng lưới Điểm Xanh, đây là sáng kiến của Mỹ nhằm chứng nhận các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn như tính minh bạch và tính bền vững, được cho là nhằm khuyến khích lĩnh vực tư nhân đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng ở các thị trường mới nổi.
Nhóm Bộ tứ nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động hỗ trợ công khai, công bằng và minh bạch phù hợp với các quy tắc và tiêu chuẩn quốc tế đối với các quốc gia chủ nợ lớn, bao gồm cả về tính bền vững và trách nhiệm giải trình nợ, đồng thời kêu gọi tất cả các chủ nợ tuân thủ các quy tắc và tiêu chuẩn này. Điều này sẽ giúp chống lại chính sách bẫy nợ của Trung Quốc dưới hình thức là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Tất cả những điều trên cho thấy các nước trong nhóm Bộ tứ đang hợp tác chặt chẽ để chống lại các xu hướng tiêu cực của Trung Quốc, đồng thời quyết tâm duy trì pháp quyền ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Giờ đây, nhóm Bộ tứ đã có nền tảng vững chắc hơn và đã cụ thể hóa các kế hoạch thay vì đề cập đến chúng một cách chung chung.
Cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ SD Pradhan cho rằng, thay vì nhìn nhận lại chính mình, Trung Quốc lại đang tiếp tục các hoạt động vi phạm các chuẩn mực và luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã gọi nhóm Bộ tứ là một NATO phiên bản châu Á hay một nhóm chống Trung Quốc.
Theo ông Pradhan, mặc dù Thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh, Australia (AUKUS) không có liên hệ với nhóm Bộ tứ, các liên minh như vậy nhất định sẽ phát triển để chống lại các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc.
| Thoả thuận AUKUS làm thay đổi cuộc chơi trong bàn cờ chính trị quốc tế, Nga sẽ đối phó như thế nào? Tác giả Alexey D Muraviev* trong bài viết trên tờ Asia Times cho rằng, Nga cần có chiến lược phù hợp nhằm thích ứng với ... |
| Nhóm Bộ tứ quyết định họp thượng đỉnh hằng năm, Nhật Bản nêu ý kiến về AUKUS Thủ tướng Nhật Bản cho biết nhóm Bộ tứ đã nhất trí tổ chức họp thượng đỉnh hằng năm, đẩy mạnh hợp tác trong các ... |