Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth rời căn cứ Hải quân ở Portsmouth, phía Nam nước Anh vào ngày 1/5 và sẽ có chuyến đi tới Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau khi tham gia một cuộc tập trận ở ngoài khơi Scotland. (Nguồn: AFP) |
Theo các nhà phân tích, việc Anh lên kế hoạch đưa tàu tới khu vực này không đơn thuần là hành động “làm màu” mà là nỗ lực thực sự nhằm ủng hộ các đồng minh trong khu vực, thực hiện tự do hàng hải và thể hiện tính dân chủ.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của Hải quân Anh còn mang lại lợi ích trong việc huấn luyện và cứu hộ khẩn cấp trong trường hợp cần thiết.
Trả lời phỏng vấn Kyodo News, chuyên gia Alessio Patalano từ Đại học London nói: “Anh cho rằng, trật tự hàng hải thế giới dựa trên luật lệ về cơ bản đang bị thách thức. Đây là cơ hội để tuyên bố rằng, Anh không chấp nhận các hành vi làm xói mòn trật tự hàng hải".
Biển Đông đóng vai trò quan trọng đối với thương mại và vận tải toàn cầu. Việc Anh quay trở lại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng nhằm ủng hộ các đối tác quan trọng trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia và Mỹ.
Theo chuyên gia này, Anh muốn gửi thông điệp tới Trung Quốc rằng: "Chúng tôi không ở đây để gây sự và sẽ không chấp nhận hành vi bắt nạt".
Trong khi đó, chuyên gia Nick Childs từ Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế cho rằng, chính sách mới của Anh tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một “sự thay đổi lớn”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, điều quan trọng là phải xem Anh có thể duy trì được sự hiện diện tại khu vực hay không và đây có phải là một phần trong những cam kết chính trị và ngoại giao toàn diện hay không.