Tàu hải cảnh Trung Quốc. (Nguồn: Sina) |
Theo đó, chuyên gia này khẳng định: “Ngày 3/7, tàu khảo sát của Trung Quốc được sự hộ tống của hai tàu bảo vệ đã đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, tiến hành các hoạt động nghiên cứu. Những hành động không được Việt Nam cho phép như vậy là phi pháp”.
Ông Grirory Lokshin lo ngại, tình hình sẽ nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng tới lợi ích của các công ty Nga đang hoạt động hợp pháp trong khu vực theo thỏa thuận đã được hai Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga ký trước đó.
Chuyên gia Nga cho rằng, phía Việt Nam đã phản ứng hoàn toàn chính đáng khi đưa các tàu bảo vệ bờ biển ra bảo vệ và ngăn chặn các tàu Trung Quốc tiến đến cản trở hoạt động, đồng thời thể hiện sự kiềm chế trước sự việc.
Nga ủng hộ ASEAN - Trung Quốc soạn thảo COC
Về vấn đề Biển Đông, báo Độc lập nhận định đề tài này là chủ đề tranh cãi của Mỹ và Trung Quốc tại các cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 (AMM-52) và các nước đối tác. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã tham dự các sự kiện tại Bangkok. Tuy nhiên, phía Nga không thảo luận đề tài này mà tập trung vào các vấn đề hợp tác kinh tế thương mại và văn hóa.
Theo báo Độc lập, trong các phát biểu và tuyên bố chính thức tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các nước đối tác tại Bangkok, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho rằng trong tình hình phức tạp hiện nay, mỗi quốc gia có triết lý ngoại giao riêng, nhưng sẽ tương đồng trong cách tiếp cận với việc giải quyết các vấn đề thời sự thông qua đàm phán và đối thoại.
Trước đó, quan điểm chính thức của Nga về vấn đề Biển Đông đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nêu rõ: “Lập trường của Nga là nhất quán và không thay đổi: Chúng tôi ủng hộ việc các quốc gia liên quan trong tranh chấp lãnh thổ ở vùng biển này cần tuân thủ triệt để việc không sử dụng vũ lực và tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chính trị-ngoại giao để giải quyết vấn đề trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Chúng tôi ủng hộ ASEAN và Trung Quốc soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moscow không phải là một bên tranh chấp ở Biển Đông và về nguyên tắc sẽ không đứng về bên nào trong vấn đề này.
Quan ngại về tình hình Biển Đông
Ngày 17/7, hãng tin Nga TASS dẫn lời Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Mọi hoạt động của nước ngoài tại các vùng biển Việt Nam nếu không được phép của Việt Nam đều vô giá trị, xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Theo hãng tin này, Việt Nam kiên quyết đấu tranh trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982.
Các hãng thông tấn như TASS, RIA Novosti, ngày 20/7 trích dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ quan ngại về những thông tin rằng Trung Quốc đang cản trở hoạt động dầu khí của các nước khác ở Biển Đông, chỉ trích Bắc Kinh có hành động khiêu khích và gây bất ổn tại vùng biển này.
Với tiêu đề “Trung Quốc cần kiềm chế các hành động khiêu khích tại Biển Đông”, hãng tin Nga TASS trích dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus bày tỏ quan ngại việc Trung Quốc can thiệp vào các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại Biển Đông mà Việt Nam đã thực hiện từ lâu. Bà Morgan Ortagus cũng chỉ rõ những hành động này “đang làm ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường năng lượng tự do và cởi mở ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Ngày 30/7, hãng tin Interfax của Nga dẫn phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana chỉ trích Trung Quốc vì những hành động mà ông cho là “hăm dọa” tại Biển Đông. Ông Lorenzana cho rằng những tuyên bố của Bắc Kinh hoàn toàn trái ngược với hành động của nước này tại Biển Đông, đồng thời cảnh báo những hành động gây hấn của Trung Quốc tại vùng biển này sẽ ngày càng gia tăng.
Trao đổi với tờ VnExpress, Tiến sĩ Umnova Irina Anatolyevna, Trưởng ban nghiên cứu Hiến pháp - pháp luật của Đại học Tư pháp thuộc Toà án tối cao Liên bang Nga cho rằng Trung Quốc nên rút nhóm tàu Hải Dương 08 khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. “Hành động của phía Trung Quốc hoàn toàn trái ngược với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đi ngược lại nỗ lực bảo vệ hòa bình, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình của các nước Đông Nam Á. Hành động đó không được phép tái diễn trong tương lai”, bà Umnova Irina Anatolyevna nói. Chuyên gia này nhấn mạnh việc các nước trên thế giới lên tiếng trước hành vi Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam là điều rất quan trọng. Cộng đồng quốc tế nên đề nghị Trung Quốc tôn trọng quyền của các bên liên quan, thúc đẩy đàm phán và tuân theo luật quốc tế. Bà cũng cho rằng Việt Nam cần kiên trì nêu quan điểm của mình về giải quyết bất đồng bằng biện pháp hòa bình, nhấn mạnh chủ trương phản đối sử dụng vũ lực. |