📞

Chuyện mở Tổng Lãnh sự quán ở Sihanoukville 30 năm trước

Đại sứ Trần Hải Hậu 09:11 | 30/08/2019
TGVN. Trong đời ngoại giao, tôi có hai nhiệm kỳ công tác tại Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville. Nhiệm kỳ đầu tiên thật đáng nhớ vì gắn với những ngày đầu lập Tổng Lãnh sự quán tại đây ngay sau khi quân tình nguyện hải quân rút về nước. 
Triển lãm về Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người tại Sihnoukville tháng 5/1990. (Ảnh tác giả cung cấp)

Còn nhớ, ngày 27/9/1989 chúng tôi có mặt ở Kompong Som (tên cũ của thành phố Sihanoukville); ngày 28/9/1989, ra Cảng tiễn quân tình nguyện hải quân về nước. Hình ảnh còn đọng lại trong tôi là từng đoàn quân trong trang phục lính hải quân, chỉnh tề xếp hàng bước xuống “tàu há mồm”. Khi người lính cuối cùng bước lên con tàu, cửa tàu phía sau từ từ kéo lên, lòng tôi nghẹn lại một cảm xúc khó tả.

Gạch nối của lịch sử

Sau này được biết trận đánh giải phóng Kompong Som những ngày đầu tháng 1 năm 1979 diễn ra rất khốc liệt. Chiến công của Lữ đoàn 126 đặc công hải quân, Hạm đội 171 và Lữ đoàn 125, Lữ đoàn 101 hải quân giải phóng thành phố cảng Kompong Som và thành phố Riêm vẫn mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử hào hùng của Hải quân vùng 5. Sau đó suốt 10 năm, để giữ cho mảnh đất này yên ổn, cũng không ít tổn thất hy sinh để hôm nay đoàn quân được trở về đất mẹ.

Tôi miên man theo đuổi dòng suy nghĩ buổi tiễn quân tình nguyện hải quân hôm đó là một thời khắc lịch sử, là gạch nối giữa các anh và chúng tôi. Tôi hiểu nhiệm vụ của Tổng Lãnh sự quán ở mảnh đất này chắc sẽ nhiều điều mới mẻ. Chúng tôi không thể thay thế được các anh như một người lính, nhưng tự nhủ phải cố gắng hết sức trên nhiệm vụ của mình.

Chiều hôm trước, khi chiếc máy bay trực thăng quân sự chở chúng tôi từ sân bay Pochentong hạ cánh xuống Kompong Som, tôi liền bắt xe ôm, hỏi đường về nhà ông Bí thư thành phố Lâm Nay. Gặp ông lần đầu, tôi thấy gần gũi như gặp lại người quen. Ông nói tiếng Việt giọng Bắc, niềm nở tiếp tôi. Ông pha ấm chè Thái Nguyên, chăm chú lắng nghe tôi giới thiệu về việc lập cơ quan Tổng Lãnh sự. Tôi đề nghị Thành phố giúp hỗ trợ chỗ ở và làm trụ sở. Ông chậm rãi, uống một ngụm chè rồi nói, chắc là ở nhà Hữu nghị Campuchia - Việt Nam của Thành phố. Ông gọi điện cho Phó Chủ tịch Thành phố Xuân Hêng đến, bố trí xe đón anh em từ bãi đỗ máy bay trực thăng về nhà Hữu nghị nằm trên đường Ekareach. Một quyết định chỉ trong giây lát mà ngôi nhà này trở thành trụ sở của Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Sihanoukville trong 30 năm qua. Cả đời ngoại giao, tôi chưa thấy có cuộc trao đổi nào ngắn ngủi mà hiệu quả nhanh đến vậy.

Những “người lính” hậu chiến

Hơn hai chục anh em nhanh chóng tìm chỗ ngủ. Căn nhà chỉ có ba phòng ngủ chính còn lại là hai phòng phụ, hội trường và sinh hoạt chung. Tòa nhà được xây dựng từ trước 1975, để lâu không bảo trì, đã cũ kỹ. Đồ đạc sơ sài. Tổng Lãnh sự Ngô Văn Tảo và Lãnh sự Nguyễn Chí Huyện ở một phòng. Tôi và một cán bộ khác được ưu tiên một phòng. Anh em khác chia nhau ngủ ở hành lang và hội trường. Ngôi nhà chật cứng. Hôm sau, có thêm Phó Lãnh sự Dương Xuân Vinh “nhập gia”.

Phó Tổng Lãnh sự Trần Hải Hậu và cán bộ nhân viên TLSQ trước cửa cơ quan, tháng 9/1990. (Ảnh tác giả cung cấp).

Chỉ một tuần sau khi đặt chân đến Kompong Som, ai nấy đều khẩn trương bắt tay vào việc của mình. Là Phó Thủ trưởng cơ quan, tôi chịu trách nhiệm mảng quan hệ hợp tác, hữu nghị với các địa bàn lãnh sự, công tác Việt Kiều, quảng bá văn hóa Việt Nam và nội bộ cơ quan.

Phó Lãnh sự Xuân Vinh phụ trách công tác nghiên cứu chính trị; Phó Lãnh sự Khải phụ trách cộng đồng và quản trị; Tùy viên Tiên phụ trách văn hóa, lễ tân. Các anh nắm bắt công việc và nhập cuộc nhanh. Tôi thật may mắn có các anh thời gian đầu lập cơ quan.

Cuối năm 1989, chúng tôi đi công tác tỉnh Koh Kong. Cùng đi với tôi có Phó Lãnh sự Xuân Vinh. Lần đầu tiên trải nghiệm xuồng cao tốc từ Kompong Som tới Koh Kong, thật thú vị. Thị xã Koh Kong yên bình. Nhiều người nói tiếng Thái. Hàng hóa Thái bán la liệt. Chúng tôi thăm quan chớp nhoáng vùng biên. Trái ngược với tình hình căng thẳng trên biên giới với Thái lan ở phía Tây, biên giới vùng này thật yên ả. Giao thương tấp nập.

Tháng 5/1990, chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự kiện này tạo dấu ấn về sự tiếp tục hiện diện của Việt Nam ở địa bàn, củng cố thêm quan hệ hữu nghị hợp tác hai nước. Đây thực sự là ngày hội biểu dương tình hữu nghị Việt Nam - Campuchia.

Nhớ những chuyến công tác đi Phnom Penh dọc đường số 4 đầy căng thẳng. Thật may mắn, xe chúng tôi chưa khi nào bị lọt vào ổ phục kích của Khmer đỏ. Nhưng không ít lần, chúng tôi chứng kiến xe đi trước bị trúng đạn B40 còn khói nghi ngút lăn quay lơ cạnh đường. Những chuyến công tác trên các con đường còn nồng nặc mùi thuốc súng làm tôi nhớ đến thời ở chiến trường Miền Đông Nam Bộ những năm 1970. Dù vậy, những khó khăn, căng thẳng này chưa là gì so với anh em quân tình nguyện.

Chí tình trong gian khó

Công việc của chúng tôi thuận lợi nhờ sự giúp đỡ của Bí thư Lâm Nay, Phó Bí thư Sua Ka Nan, Chủ tịch Chhum Hô, Phó Chủ tịch Xuân Heng, Tư lệnh Hải quân Tea Vinh, cùng nhiều quan chức ở Trung ương và địa phương, tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho hoạt động của chúng tôi.

Cùng với triển khai các mảng công tác khẩn trương khác, cơ quan Tổng Lãnh sự đặc biệt quan tâm đến công tác người Việt. Nhờ vậy, hoạt động của hội người Việt và đời sống bà con Việt kiều ngày càng vào nền nếp.

Càng đi vào hoạt động, trụ sở cơ quan ngày càng trở nên chật chội. Nhà lợp mái tôn, vào mùa khô nóng như rang, vào mùa mưa nước xối xả ong đầu. Sang năm thứ hai, với sự hỗ trợ của Thành phố, bờ tường vây quanh trụ sở, cổng ra vào, vọng gác, nhà xe được xây dựng. Ngôi nhà được sơn, sửa lại. Trụ sở khang trang, sáng hẳn lên.

Vào thời điểm này, chính quyền và quân đội Campuchia có bước trưởng thành vượt bậc; lực lượng Khmer đỏ tuy bị tiêu hao đáng kể, nhưng vẫn còn một bộ phận hoạt động vũ trang phá hoại; Chính phủ Campuchia ba phái giữ ghế ở LHQ; các kênh đàm phán về giải pháp cho vấn đề Campuchia diễn ra sôi nổi. Từ tháng 1 đến tháng 8/1990, năm nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (P5) đã tổ chức 6 cuộc gặp cấp thứ trưởng tại Paris và New York để trao đổi về thỏa thuận khung toàn diện giải quyết vấn đề Campuchia.

Gần cuối năm 1990, Hà Nội thông báo Tổng Lãnh sự Ngô Văn Tảo cùng một số cán bộ, nhân viên về nước. Tôi được giao làm quyền Tổng Lãnh sự. Cơ quan vắng hẳn. Rất may, anh Xuân Vinh, anh Ngô Cao Khải, anh Chính và anh Tiên là những cán bộ trụ cột, năng lực, thạo việc tiếp tục ở lại cùng tôi triển khai các công tác.

Đầu năm 1991, đến lượt tôi về Hà Nội hẳn, kết thúc gần năm rưỡi lập cơ quan Tổng Lãnh sự ở đây. Tháng 12 năm 1996, tôi có mặt ở Sihanoukville lần thứ hai, làm Tổng Lãnh sự cho đến tháng 12/1998.

Thấm thoát đã 30 năm, những tình cảm hữu nghị của lãnh đạo và nhân dân thành phố Sihanoukville dành cho cơ quan Tổng Lãnh sự những ngày chân ướt chân ráo đến Thành phố này vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của tôi. Những buổi đầu lăn lộn cùng anh em lập cơ quan Tổng Lãnh sự ở đây mãi mãi là kỷ niệm không quên trong đời ngoại giao.