Vụ khinh khí cầu Trung Quốc lạc vào Mỹ là cơ hội để hai nước vượt qua thách thức, khẳng định cam kết cải thiện quan hệ như Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đã nêu tại cuộc gặp song phương tháng 11/2022 ở Bali, Indonesia. (Nguồn: AFP) |
Tuần vừa qua, câu chuyện khinh khí cầu Trung Quốc bay lạc vào lãnh thổ Mỹ đã trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế. Washington một mực khẳng định đây là phương tiện do thám. Đáp lại, Bắc Kinh nhất quyết đinh ninh khinh khí cầu này chỉ phục vụ mục đích khí tượng dân sự, nghiên cứu khoa học, song yếu tố thời tiết và khả năng tự điều khiển hạn chế đã khiến vật thể “không cánh mà bay” vào lãnh thổ xứ cờ hoa.
Ngay sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy chuyến thăm Trung Quốc. Giới nghị sĩ Cộng hòa chê trách Tổng thống Joe Biden đã phản ứng do dự. Trong khi đó, Bắc Kinh đã chuyển từ thanh minh sang chỉ trích Washington “chuyện bé xé ra to” và vi phạm luật pháp quốc tế khi ra lệnh bắn hạ khinh khí cầu nêu trên.
Về phần mình, giới phân tích lập tức chỉ ra hàng loạt thách thức với quan hệ Mỹ-Trung từ sự kiện đặc biệt này. Phần lớn cho rằng bên cạnh việc là yếu tố buộc ông Antony Blinken hoãn chuyến thăm Bắc Kinh, sự kiện đã khiến động lực cải thiện quan hệ sau hội đàm lãnh đạo hai nước tháng 11/2022 bị chậm lại đáng kể.
Tuy nhiên, nhìn nhận một cách tích cực, mọi chuyện có lẽ không tồi tệ đến vậy. Trong ngắn hạn, vụ việc sẽ ảnh hưởng tới quan hệ song phương, nhưng không gây hậu quả lớn về người và của, hay dẫn đến căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng như chuyến thăm hòn đảo Đài Loan (Trung Quốc) của cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.
Về trung và dài hạn, sự kiện đặc biệt này thậm chí còn là cơ hội để quân đội hai nước tăng cường liên lạc các cấp, đồng thời thiết lập các quy tắc song phương về xử lý tình huống trên thực địa, tránh lặp lại tai nạn vừa qua. Trong lúc Mỹ và Trung Quốc đang tăng cường hiện diện quân sự tại nhiều điểm nóng ở châu Á-Thái Bình Dương, các cơ chế này sẽ góp phần giải quyết va chạm quân sự không muốn, hạ nhiệt căng thẳng, tránh dẫn đến đối đầu và xung đột nghiêm trọng.
Ngoài ra, cần nhớ rằng Mỹ đang xây dựng mối quan hệ với Trung Quốc theo hướng “hợp tác khi có thể, cạnh tranh khi cần thiết, đối đầu khi bắt buộc”. Trong khi đó, với nhiều động thái thiện chí thời gian qua, Bắc Kinh đang muốn duy trì hợp tác thương mại với Washington, đối tác kinh tế hàng đầu, nhằm thúc đẩy tốc độ phục hồi sau đại dịch.
Ở khía cạnh nào đó, câu chuyện về khinh khí cầu có thể được coi là cơ hội, dù có phần bất đắc dĩ, để Mỹ và Trung Quốc khẳng định cam kết cải thiện quan hệ theo tuyên bố của lãnh đạo hai nước tháng 11/2022.
| Mỹ đi bước quan trọng với Solomon, làm nóng quan hệ ở Thái Bình Dương Ngày 1/2, Mỹ thông báo đã mở Đại sứ quán ở Quần đảo Solomon trong bối cảnh Washington đang tìm cách tăng cường quan hệ ... |
| Quan chức Mỹ nêu nghi vấn về khinh khí cầu Trung Quốc Việc Lầu Năm góc đang theo dõi khinh khí cầu nghi do thám của Trung Quốc trên bầu trời Mỹ đã đặt ra nhiều câu ... |
| Hé lộ 'nước cờ' mới của Mỹ trong đối phó với thách thức từ Trung Quốc tại Biển Đông Mỹ tuyên bố sớm đạt được thỏa thuận mới về quân sự với Philippines trong tuần này. |
| Vụ khinh khí cầu Trung Quốc 'đi lạc': Mỹ tìm kiếm mảnh vỡ sau khi bắn hạ; Colombia có phát hiện mới; Venezuela chỉ trích Washington Lầu Năm Góc đang thu thập các mảnh vỡ của vật thể nghi là khinh khí cầu Trung Quốc bị bắn hạ ngoài khơi bờ ... |
| Vụ khinh khí cầu Trung Quốc: Bắc Kinh trao công hàm phản đối, hối thúc Mỹ không làm leo thang căng thẳng Tiếp tục cập nhật diễn biến mới nhất sau vụ Mỹ bắn rơi khinh khí cầu của Trung Quốc vì lo ngại hoạt động do ... |