Nhỏ Bình thường Lớn

Con đường đưa Ukraine và Moldova gia nhập EU: Chông gai nhưng nhiều cơ hội

Ukraine và Moldova đang tham gia các cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Đây là bước đầu tiên trong chặng đường dài đưa 2 quốc gia này trở thành thành viên của khối này.
Con đường đưa Ukraine và Moldova gia nhập EU
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy và Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels vào ngày 9/2/2023. (Nguồn: AP)

Ngày 25/6, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức khởi động các cuộc đàm phán với Ukraine và Moldova về vấn đề kết nạp thành viên. Đây là bước đầu tiên trong chặng đường dài đưa 2 quốc gia này trở thành thành viên của EU.

Mặc dù quá trình này có thể kéo dài nhiều năm và khó khăn, nhưng việc bắt đầu các cuộc đàm phán sẽ mang lại cho hai nước, đặc biệt là Ukraine, nhiều cơ hội.

Rục rịch tiến trình mở rộng EU

"Chông gai" lớn nhất trong Ủy ban châu Âu (EC) là Hungary - quốc gia thời gian qua đã nhiều lần phản đối việc kết nạp thêm Ukraine và Moldova vào EU.

Đáng chú ý, Hungary sẽ đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU từ ngày 1/7 tới. Do đó, cuộc đàm phán mới chính thức bắt đầu tại Luxembourg vào những ngày cuối cùng trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên của Bỉ.

Bày tỏ ủng hộ sự kiện này, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã gửi lời chúc mừng Moldova và Ukraine ngay khi EC khởi động đàm phán. Bà Ursula von der Leyen khẳng định việc khởi động các cuộc đàm phán là tin tốt lành cho người dân Ukraine, Moldova và toàn bộ EU. Bà cho rằng con đường trước mắt sẽ khó khăn, nhưng rất nhiều cơ hội cho hai nước.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh: “Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một châu Âu mạnh mẽ và đoàn kết hơn, nơi mọi quốc gia đều có cơ hội phát triển trong hòa bình và thịnh vượng”.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tái khẳng định mong muốn gia nhập EU của Kiev. “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép mình chệch hướng khỏi con đường hướng tới một châu Âu thống nhất, hướng tới ngôi nhà chung của tất cả các quốc gia châu Âu. Một ngôi nhà nhất định phải bình yên”, ông Zelensky nói.

Về phần mình, Thủ tướng Ukraine Denys Chmyhal tuyên bố: “Không thể có một Ukraine mạnh nếu không có EU và cũng không thể có một EU mạnh nếu không có Ukraine”.

Châu Âu đang chứng kiến sự trỗi dậy của những người theo chủ nghĩa dân tộc trong các cuộc bầu cử mới đây. Do đó, việc bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập cho phép EU khẳng định mong muốn mở rộng của khối.

Bà Hadja Lahbib, Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Bỉ, người chủ trì hai hội nghị liên chính phủ liên tiếp, cho rằng tiến trình mở rộng của EU là một khoản đầu tư địa chiến lược cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng.

Nhiều khó khăn, thách thức

Ukraine và Moldova đã nộp đơn xin gia nhập EU sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Hai quốc gia này đã nhanh chóng vượt qua tất cả các giai đoạn, từ việc giành được tư cách ứng cử viên hiệu lực vào tháng 6/2022 cho đến việc ký các thỏa thuận với EU về các cuộc đàm phán gia nhập vào tháng 12/2023.

Việc này vấp phải sự phản đối của một số nhà lãnh đạo châu Âu. Điển hình là Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người mới đây đã ngầm so sánh giữa Ukraine, Moldova so với các nước Tây Balkan.

Trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Italy Giorgia Meloni ngày 24/6, Thủ tướng Viktor Orban nêu quan điểm: “Thật đáng xấu hổ và không thể chấp nhận khi các quốc gia Tây Balkan đã phải chờ đợi hơn 15 năm để gia nhập (EU)”.

Trước đó, tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tháng 12/2023, ông Viktor Orban vắng mặt trong khi các nhà lãnh đạo bỏ phiếu về việc mở các cuộc đàm phán gia nhập đối với Moldova và Ukraine.

Ngay cả khi Ukraine và Moldova đã đạt được nhiều tiến bộ trong những năm gần đây, đặc biệt là trong việc giải quyết tình trạng tham nhũng ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước, thì phần khó nhất vẫn phải làm đối với hai quốc gia này đang chờ họ ở phía trước.

Trong những tuần tới, quá trình “sàng lọc” sẽ bắt đầu, cụ thể là xem xét tất cả các luật của Ukraine và Moldova có phù hợp với các luật của EU hay không. Quá trình này có thể mất ít nhất một năm.

Bên cạnh đó, các quốc gia ứng cử viên cần có sự chấp thuận của tất cả các thành viên EU để mở và kết thúc từng bước đàm phán.

Ông Sébastien Maillard, Cố vấn đặc biệt của Trung tâm mở rộng châu Âu, Viện Jacques Delors, nhận định: “Sẽ mất ít nhất một thập kỷ để Ukraine và Moldova gia nhập EU. Điều này cho phép các ứng viên gia nhập dần dần khi quá trình đàm phán diễn ra”.

Việc gia nhập từng bước này có hiệu quả, đặc biệt là về khả năng tiếp cận thị trường nội địa của các sản phẩm nông nghiệp của các ứng viên.

Mặc dù vậy, tư cách thành viên chính thức của Ukraine còn phụ thuộc vào diễn biến của cuộc xung đột đang diễn ra. Khó có khả năng người châu Âu sẽ đồng ý mở rộng liên minh tới một quốc gia đang chìm trong xung đột.

Mặt khác, việc gia nhập mới cũng không thể thực hiện nếu cơ chế quản lý của EU không được sửa đổi. Ví dụ như việc thay đổi việc đưa ra quyết định với phiếu bầu đa số, hay nâng cấp ngân sách EU. Pháp và Đức cho rằng những cải cách này là điều kiện tiên quyết và đang thúc đẩy để những đổi mới được hoàn thành vào năm 2025.

Một động thái mới song song với việc đàm phán gia nhập là ngày 27/6, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã ký một thỏa thuận an ninh với EU, trong đó EU sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev. Thỏa thuận sẽ đề ra cam kết của EU dành cho Ukraine trong 9 lĩnh vực liên quan an ninh và quốc phòng.

Các quan chức cho biết, thỏa thuận này không giống như hiệp ước phòng thủ chung giữa các quốc gia Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mà là cam kết cung cấp cho Ukraine vũ khí và các viện trợ khác để tăng cường an ninh của nước này và ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai.

Trưởng Phái đoàn IOM: Việt Nam rất tích cực thúc đẩy di cư an toàn và nghiêm túc chống mua bán người

Trưởng Phái đoàn IOM: Việt Nam rất tích cực thúc đẩy di cư an toàn và nghiêm túc chống mua bán người

Theo bà Park Mi-hyung, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) tại Việt Nam, trong những năm gần đây, Việt Nam đã ...

Để công dân Việt Nam di cư an toàn, hợp pháp, tránh rơi vào cạm bẫy mua bán người

Để công dân Việt Nam di cư an toàn, hợp pháp, tránh rơi vào cạm bẫy mua bán người

Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự Phan Thị Minh Giang nêu những nguy cơ lao động Việt Nam thường gặp khi làm việc ở nước ...

Đại sứ Vũ Hồ: Bện tơ kết lụa Việt Nam-Hàn Quốc thịnh thượng và bền vững

Đại sứ Vũ Hồ: Bện tơ kết lụa Việt Nam-Hàn Quốc thịnh thượng và bền vững

Chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thể hiện quyết tâm của hai nước bện những sợi tơ ...

EU chính thức khởi động đàm phán kết nạp Ukraine, Moldova

EU chính thức khởi động đàm phán kết nạp Ukraine, Moldova

Ngày 25/6, Liên minh châu Âu (EU) thông báo quyết định chính thức khởi động các cuộc đàm phán với Ukraine và Moldova về vấn ...

Đại sứ EU tại Ukraine úp mở thời điểm Kiev gia nhập liên minh

Đại sứ EU tại Ukraine úp mở thời điểm Kiev gia nhập liên minh

Ngày 26/6, Đại sứ của Liên minh châu Âu (EU) tại Ukraine, bà Katarina Mathermova, tuyên bố Ukraine có thể gia nhập EU vào năm ...

(theo Le Figaro)