📞

Công tác đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

20:10 | 25/08/2016
Có thể nói, trong giai đoạn 2014-2016, Đồng Nai đã phát huy sức mạnh của các hoạt động đối ngoại, tiếp tục mở rộng, thắt chặt quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực với nhiều đối tác, góp phần quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trong những năm qua, công tác hợp tác quốc tế, kinh tế đối ngoại của tỉnh được tăng cường, mở rộng thiết thực, hiệu quả. Các hoạt động đối ngoại của tỉnh luôn có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trên các mặt đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và phù hợp với Quy chế đối ngoại của Trung ương và của tỉnh, góp phần phát triển quan hệ đối ngoại giữa tỉnh Đồng Nai với địa phương nhiều nước và các đối tác kinh tế quan trọng trên thế giới.

Vì vậy, Đồng Nai thu hút ngày càng nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh, nhất là các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc; mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; đảm bảo chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, đời sống nhân dân trong tỉnh ngày càng được cải thiện và nâng cao hơn.

Tăng cường hợp tác địa phương quốc tế

Đồng Nai tiếp tục tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác với địa phương các nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… đồng thời tích cực, chủ động trong công tác tiếp đón và làm việc với đoàn Đại sứ của các nước và một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Lễ ký hợp tác giữa tỉnh Đồng Nai và Bang Arkansass (Mỹ) năm 2014.

Đến nay, Đồng Nai đã thiết lập quan hệ hợp tác với 31 đối tác nước ngoài thuộc 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có 20 đối tác ký kết quan hệ hợp tác cấp tỉnh và 11 đối tác cấp sở, ngành, địa phương. Cụ thể, tỉnh đã ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế với 9 đối tác hợp tác kinh tế và 11 đối tác hợp tác hữu nghị như: tỉnh Hyogo, tỉnh Gyeongnam (Hàn Quốc); bang Arkansas (Mỹ); Meti-Kansai, Tập đoàn Sojitz, Tổng công ty Soshiba, Ngân hàng Mitsubishi, JICA, Tập đoàn Amata (Nhật Bản); tỉnh Giang Tô, tỉnh Triết Giang, thành phố Ninh Ba (Trung Quốc)…

Đặc biệt, tỉnh đã chủ động ưu tiên thắt chặt các mối quan hệ hữu nghị truyền thống với địa phương các nước láng giềng anh em như Lào, Campuchia theo hướng hội nhập cùng phát triển; chủ động và tích cực khai thác sâu, hiệu quả mối quan hệ hợp tác kinh tế đã ký kết với các đối tác chiến lược như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…; nghiên cứu, phát triển mở rộng quan hệ hợp tác mới với một số đối tác nước ngoài tiềm năng khác như: tỉnh Đông Flanders (Bỉ), thành phố Emmen và Hoogveen (Hà Lan), thành phố Dubai (UAE)…

Đẩy mạnh thu hút FDI

Có thể khẳng định, Đồng Nai là vùng đất “lành” cho nhà đầu tư, là 1 trong 4 tỉnh thành phố của Việt Nam dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài.

Tính đến hết tháng 6/2016, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.500 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 28 tỷ USD, trong đó 1.228 dự án thuộc 41 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký là 24,79 tỷ USD còn hiệu lực.

Trong số các nước và vùng lãnh thổ có doanh nghiệp đầu tư vào Đồng Nai, dẫn đầu là Hàn Quốc với 321 dự án với hơn 5,2 tỷ USD vốn đăng ký; Đài Loan (Trung Quốc) là 286 dự án với trên 5,1 tỷ USD vốn đăng ký; Nhật Bản là 210 dự án với hơn 3,7 tỷ USD vốn đăng ký; các nước ASEAN với 145 dự án và 3,9 tỷ USD vốn đăng ký; các nước EU có 90 dự án với 3,1 tỷ USD vốn đăng ký; các nước khác là 171 dự án và hơn 3,5 tỷ USD vốn đăng ký.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tiếp và làm việc với Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Các dự án đầu tư vào Đồng Nai đa dạng về ngành nghề, quy mô và trình độ công nghệ, theo đúng định hướng thu hút đầu tư của tỉnh như: ngành dịch vụ, công nghiệp phụ trợ, sản xuất chi tiết máy móc thiết bị. Với tiềm lực đầu tư lớn, khu vực FDI đã phát triển thêm nhiều ngành sản xuất mới và tạo ra bước chuyển biến đáng kể về trình độ công nghệ và quản lý. Nhiều dự án hoạt động trong KCN đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao được năng lực cạnh tranh của kinh tế địa phương và của sản phẩm, người lao động có việc làm, thu nhập, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh ổn định.

Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tỉnh Đồng Nai đang hướng đến sự phát triển bền vững và luôn là một địa chỉ tin cậy đối với các nhà đầu tư. Tỉnh luôn xem đầu tư nước ngoài là động lực giúp địa phương khơi dậy và phát huy tốt hơn nữa các lợi thế của mình, góp phần tạo ra cho Đồng Nai sức bật mới.

Về công tác vận động và quản lý viện trợ phi chính phủ nước ngoài, Đồng Nai có 22 tổ chức phi chính phủ, công ty, quỹ, hội thực hiện 27 chương trình, dự án và khoản viện trợ phi dự án với tổng giá trị viện trợ 708 nghìn USD. Các chương trình, dự án thực hiện tại Đồng Nai phù hợp với chủ trương chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kiện toàn công tác quản lý

Công tác quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại với đầu tàu là Sở Ngoại vụ tỉnh đã thực sự phát huy được vai trò trong thời gian qua.

Công tác quản lý nhà nước về đoàn ra, đoàn vào được quan tâm triển khai thực hiện đảm bảo đúng quy trình, quy định của Đảng, Nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Mục đích của các chuyến đi chủ yếu liên quan đến các lĩnh vực: hợp tác hữu nghị; dự hội thảo, hội nghị, triển lãm; đào tạo, bồi dưỡng; xúc tiến thương mại, du lịch; hợp tác kinh tế… Đáng chú ý, Đồng Nai tổ chức thành công Hội thảo xúc tiến đầu tư, du lịch Nhật Bản tháng 4/2016; Hội nghị đối thoại với hơn 100 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh tháng 6/2016… đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao đối với tỉnh.

Trong công tác ngoại giao văn hóa, năm 2014, Đồng Nai là một trong 21 tỉnh thành được UNESCO trao Bằng vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa đại diện của nhân loại và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế. Ngoài ra, Đồng Nai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa đối ngoại như: tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa tại Trung Quốc, Lào, Campuchia; tổ chức Lễ hội hoa anh đào tại tỉnh; tham gia Giải Cờ Vua quốc tế Việt Nam mở rộng…

Công tác đối ngoại nhân dân ngày càng đi vào chiều sâu và phát huy hiệu quả. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, các hội hữu nghị đã có những hoạt động thiết thực, luôn phát huy vai trò, nhiệm vụ, làm tốt công tác vận động quần chúng, đại diện cho các tầng lớp nhân dân tuyên truyền, vận động, thực hiện tốt khối đại đoàn kết toàn dân tham gia các phong trào thi đua, các hoạt động đối ngoại nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Tháng 7/2015, Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 5096/KH-UBND về việc triển khai “Chiến lược ngoại giao văn hóa đế năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó, xây dựng chiến lược văn hóa đối ngoại đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tỉnh Đồng Nai kết hợp nội dung của Kế hoạch thông tin đối ngoại và Kế hoạch ngoại giao văn hóa của tỉnh, đảm bảo phù hợp với quyết định của Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến 2025.

Ý thức về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại, Đồng Nai đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế và những thách thức khi Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thông qua báo, đài và nhất là thông qua các buổi gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Công tác cải cách hành chính có bước đột phá mạnh. Sở Ngoại vụ được xếp hạng thứ 4 về chỉ số cải cách hành chính năm 2014 theo Quyết định số 2134/QĐ-UBND ngày 27/7/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2014 đối với 20 sở, ban, ngành của tỉnh và 11 huyện, thị xã Long Khánh, TP. Biên Hòa. Đặc biệt, Sở Ngoại vụ đã hoàn tất và triển khai thực hiện vận hành tốt hệ thống “một cửa, một cửa liên thông hiện đại” vào ngày 24/9/2015.

***

Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, năm bản lề thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2016 - 2020, Đảng bộ và chính quyền Đồng Nai quyết tâm triển khai đồng bộ các giải pháp mang tính đột phá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X đề ra.