Một di dân đuổi theo một chiếc xe buýt tại Tovarnik, Croatia. (Nguồn: BBC). |
BBC dẫn lời Thủ tướng Croatia Zoran Milanovic cho biết, khả năng của nước này “có hạn”, trong khi Bộ trưởng Ranko Ostojic chuyển thông điệp đến những người di cư: "Đừng đến đây nữa. Hãy ở lại các trại tị nạn tại Serbia, Macedonia và Hy Lạp. Đây không phải là con đường tới châu Âu. Xe buýt không thể đưa bạn đến đấy. Đó là một lời nói dối".
Quốc gia Đông Nam Âu này đã đóng 7 trong số 8 cửa khẩu biên giới đường bộ với Serbia để đối phó với lượng người di cư khổng lồ. Các quan chức Croatia cho biết, họ không còn lựa chọn nào khác sau khi hơn 10.000 người đổ đến nước này mỗi ngày.
Để đảm bảo chắc chắn, những con đường dẫn đến các cửa khẩu cũng đã bị vô hiệu hóa. Phóng viên BBC Guy Delauney ở Zagreb cho biết, việc đóng cửa khẩu đã cắt đứt các tuyến đường bộ chính từ Hy Lạp đến Bắc Âu. Chỉ có tuyến đường huyết mạch nối Belgrade và Zagreb tại Bajakovo là hoạt động bình thường.
Croatia đã cố gắng đưa những di dân đến các trại tỵ nạn nhưng do dòng người quá đông nên nhiều người đã bị bỏ lại trên đường phố. Đêm 17/9, một vụ xô xát giữa người tị nạn và cảnh sát đã nổ ra tại hai cửa khẩu đã bị đóng là Tovarnik và Batina, sau khi di dân phải chờ đợi hàng giờ để đi tiếp về hướng Bắc.
Một số người di cư nói với BBC rằng, họ định đi bộ về Slovenia - nước nằm trong Hiệp ước Schengen về tự do đi lại. Tuy nhiên, Slovenia cũng đã chặn một nhóm di dân trên một chuyến xe lửa và sẽ trả họ lại cho Croatia. Theo Đài phát thanh Slovenia,16 xe cảnh sát đã được bố trí tại nhà ga. "150 trong số 300 hành khách đã không đáp ứng yêu cầu nhập cảnh Slovenia và họ sẽ bị gửi trả lại Zagreb càng sớm càng tốt", Phát ngôn viên cảnh sát biên phòng Croatia cho biết.
Nguyên nhân Croatia đối mặt với dòng di dân khổng lồ là vì Hungary quyết định đóng cửa biên giới với Serbia nên dân di cư đã chọn Croatia để đi về hướng Tây Âu. Một lượng khác đi từ Croatia vào Hungary tại Illocska, nhằm tránh hàng rào mới dựng trên biên giới Hungary với Serbia.
Dự kiến ngày 23/9 tới, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) về khủng hoảng di dân sẽ được tổ chức. Trước đó, Nghị viện châu Âu đã thông qua đề xuất tái định cư bắt buộc 120.000 người tỵ nạn trên toàn EU, nhưng các nước EU chưa đạt được sự thống nhất về hạn ngạch này. Đức và Pháp ủng hộ đề xuất này, trong khi Hungary, Ba Lan và Slovakia phản đối mạnh mẽ.
Nguyên Bảo (theo BBC)