Thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia) ngày 24/5 tại Tokyo, Nhật Bản. (Nguồn: AP) |
Quỹ quốc tế Vivekananda (VIF) của Ấn Độ mới đây đăng bài bình luận của nhà nghiên cứu chính trị kỳ cựu Ấn Độ Rajaram Panda về việc liệu Ấn Độ có nên lo lắng về quan hệ đối tác Nga-Trung Quốc trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine hay không. TG&VN lược dịch bài phân tích.
Kích hoạt đối thoại về an ninh
Nga và Trung Quốc đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine. Hành động của Nga tạo ra một sự thay đổi đáng kể trong các sáng kiến ngoại giao và chính sách đối ngoại ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong khi các cuộc thảo luận về sự mở rộng của NATO với khả năng kết nạp Thụy Điển và Phần Lan làm thành viên khiến Tổng thống Nga Putin không khỏi lo lắng, một số quốc gia vùng Scandinavia (như Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Phần Lan) đã từ bỏ chính sách theo chủ nghĩa hòa bình. Các cường quốc lớn, đặc biệt là nhóm Bộ tứ (Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia), đã kích hoạt quá trình đối thoại về các vấn đề an ninh khu vực.
Khi Nhật Bản đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ từ ngày 24-25/5, các máy bay quân sự của Nga và Trung Quốc tiến hành một cuộc tập trận chung gần không phận của Nhật Bản, buộc Tokyo phải điều máy bay đáp trả.
Đây là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa Bắc Kinh và Moscow kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, thể hiện sự hội tụ về mặt quân sự ngày càng tăng giữa hai nước.
Nga và Trung Quốc dường như đã quyết định thành lập một liên kết quân sự-chiến lược chặt chẽ để đối đầu với phương Tây.
Các thành viên nhóm Bộ tứ đã bày tỏ “cam kết kiên định đối với một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi, thông qua qua con đường ngoại giao, đã bày tỏ "mối quan ngại nghiêm trọng" của Nhật Bản về cuộc tuần tra chung Trung-Nga.
Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 2 vưa qua, theo đó, cả hai đều nhấn mạnh quan hệ đối tác song phương "không có giới hạn" và "không có lĩnh vực hợp tác nào bị cấm".
Các thành viên nhóm Bộ tứ vừa qua đã đưa ra một tuyên bố chung nhưng Trung Quốc không được đề cập đến. Tuyên bố tái khẳng định "quyết tâm duy trì trật tự quốc tế dựa trên quy tắc của nhóm, nơi các quốc gia không phải chịu bất kỳ hình thức cưỡng ép nào về quân sự, kinh tế và chính trị".
Mặc dù không công khai nói về vấn đề này, nhưng bốn thành viên nhóm Bộ tứ đều chia sẻ lo ngại về ảnh hưởng và sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Không có lý do gì để Ấn Độ lo lắng rằng quan hệ đối tác của Nga với Trung Quốc sẽ khiến Ấn Độ phải trả giá. (Nguồn: AP) |
Khéo léo và cân bằng chiến lược
Tình hữu nghị Nga-Trung ngày càng phát triển ảnh hưởng như thế nào đến quan hệ của Ấn Độ với Nga, nước vẫn là người bạn lâu đời của Ấn Độ?
Điều này được thể hiện ở lập trường của Ấn Độ đối với cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Ấn Độ bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Các thành viên nhóm Bộ tứ cần lưu ý tới khả năng Bắc Kinh sẽ phối hợp với Moscow cho các mục tiêu an ninh chiến lược của mình ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nếu khả năng xảy ra, Ấn Độ cần phải phát triển chính sách, đưa ra phản ứng phù hợp và suy nghĩ nghiêm túc để thiết lập lại quan hệ quân sự với Nga.
Đó sẽ là một lời yêu cầu khó khăn đối với các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ấn Độ nên giữ vững lập trường dựa trên vấn đề của mình.
Ấn Độ cũng cần tận dụng mối quan hệ với Nga trên mặt trận ngoại giao. Ấn Độ là nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất của Nga, tiếp nhận khoảng 80% khí tài quân sự từ nước này. Ấn Độ cần tiếp tục duy trì mối quan hệ bền chặt với Nga. Trong một thế giới đa cực đang hình thành, việc Ấn Độ tiếp tục duy trì lập trường nhất quán về quyền tự chủ chiến lược và đưa ra lập trường dựa trên từng vấn đề, dù là ở cấp song phương, khu vực hay toàn cầu, đều sẽ phục vụ lợi ích của chính mình.
Xét cho cùng, lợi ích quốc gia nên được đặt lên hàng đầu trước bất kỳ cân nhắc nào khác. Nếu quá khứ là kim chỉ nam, không có lý do gì để Ấn Độ lo lắng rằng quan hệ đối tác của Nga với Trung Quốc sẽ khiến Ấn Độ phải trả giá. Mặc dù Ấn Độ đã xích lại gần Mỹ nhưng lịch sử cho thấy Nga sẽ vẫn là đối tác đáng tin cậy hơn nhiều so với phương Tây.
| 'Vũ khí' mới của G7 mang đến phần thưởng cho Nga? Song song với chiến dịch quân sự căng thẳng tại Ukraine, cuộc chiến về năng lượng, với việc phương Tây công bố kế hoạch giới ... |
| Một loại vũ khí Ukraine từng coi là 'vật báu' nay là nỗi ám ảnh vô hình, vì sao? Những ngày đầu của cuộc xung đột, Ukraine từng tự tin trong việc lựa chọn vũ khí chiến lược của mình. Tuy vậy, tính toán ... |