Ngày 2/12, một số tay súng đã bất ngờ tấn công một nhóm các công nhân ở khu vực hẻo lánh Mandera, sát biên giới giữa Kenya và Somalia. Những người công nhân đang ngủ bị dựng dậy và buộc phải nằm sấp trên nền đất. 34 người đàn ông, những người quanh năm vất vả với nghề đào mỏ và khai thác đá, sau đó đã bị bắn chết, trong khi hai người khác bị cắt cổ. Tất cả họ đều không phải người Hồi giáo.
Mâu thuẫn sắc tộc
Mười ngày trước đó, cũng ở Mandera, một nhóm các tay súng khác đã chặn một chiếc xe bus. Sau đó, mỗi hành khách trên chiếc xe buộc phải đọc thuộc lòng một trích đoạn trong kinh Koran và thể hiện các nghi lễ của Hồi giáo. Những người không làm được đều bị bắn chết. 28 người, chủ yếu là các giáo viên đang trên đường về nhà dự lễ Giáng sinh đã thiệt mạng. Al-Shabbab, nhóm phiến quân có liên hệ với al-Qaeda ở Somalia và đang tăng cường củng cố hiện diện ở Kenya, đã nhận trách nhiệm đối với hai vụ thảm sát nói trên.
Các vụ tấn công đã phản ánh tình trạng mất an ninh của Kenya cũng như việc chính quyền nước này không thể hạn chế sự hoành hành của phiến quân al-Shabbab, cho dù là ở thành phố hay các vùng nông thôn. Vào tháng 11/2013, al-Shabbab cũng đã tấn công Trung tâm Thương mại Westgate ở thủ đô Nairobi, giết chết 67 người. Theo thống kê, kể từ năm 2011 (thời điểm Kenya đưa quân sang trợ giúp chính phủ Somalia chống phiến quân) cho đến nay, đã có ít nhất 136 vụ tấn công khủng bố al-Shabbab thực hiện trên khắp đất nước Kenya. Hầu hết các vụ tấn công đều ở mức độ nhỏ lẻ, chẳng hạn như đánh bom một trạm dừng xe bus hoặc xả súng vào một nhà thờ. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, al-Shabbab cho thấy nhóm này đang có xu hướng tiến hành các vụ tấn công lớn và tinh vi hơn.
Hiện nay, al-Shabbab đang dần mất đi lợi thế ở Somalia, khi nhóm này mất quyền kiểm soát nhiều khu vực vào tay quân đội Kenya và các lực lượng khác hoạt động dưới sứ mệnh của Liên minh châu Phi (AU). Nhiều thủ lĩnh của al-Shabbab cũng thiệt mạng trong các cuộc không kích của quân đội Mỹ. Trong khi đó, ở Kenya, al-Shabbab đang cố gắng khoét sâu mâu thuẫn hiện có giữa những người Thiên Chúa giáo và cộng đồng Hồi giáo, hoặc giữa những tầng lớp khác nhau trong xã hội. Đây là những đòn đánh “chí mạng” vào Chính phủ Kenya, báo The Economist nhận định.
Kenya không chùn bước
Nếu như ở Nigeria, việc phiến quân Boko Haram được xem là một trường hợp tiêu biểu cho sự yếu kém của Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phần tử cực đoan trỗi dậy, thì câu chuyện của al-Shabbab ở Kenya lại không giống như thế. Kể từ khi Kenya giành được độc lập cách đây 60 năm, cộng đồng người Thiên Chúa giáo luôn kiểm soát quyền lực và tiền bạc của đất nước. Việc phân biệt đối xử và thờ ơ của Chính phủ với cộng đồng người Hồi giáo, sự bất bình đẳng xã hội cộng với việc kiểm soát biên giới với Somalia lỏng lẻo đã khiến cho nhiều người dân bất mãn và gia nhập các tổ chức cực đoan.
Bên cạnh đó, chính quyền Kenya cũng đang gặp phải trở ngại với chính chiến lược an ninh “mạnh tay” của mình. Trong những ngày trước khi xảy ra vụ thảm sát xe bus ở Mandera, cảnh sát Kenya đã đột kích vào hàng loạt nhà thờ Hồi giáo ở thị trấn ven biển Mombasa. Khoảng 200 người đã bị bắt giữ và bốn nhà thờ buộc phải đóng cửa. Vụ việc này nhanh chóng làm dấy lên làn sóng phản đối từ các thủ lĩnh Hồi giáo địa phương cũng như các nhà hoạt động nhân quyền.
Vì vậy, vụ tấn công chiếc xe bus được cho là hành động trả thù của al-Shabbab. Trong một tuyên bố, Người phát ngôn của al-Shabbab yêu cầu quân đội Kenya rút hết quân ra khỏi lãnh thổ Somalia, đồng thời đe dọa sẽ tiến hành thêm nhiều vụ tấn công khủng bố nữa. “Đây là một cuộc chiến giữa những người Hồi giáo và những người không theo Hồi giáo”, Người phát ngôn của al-Shabbab nói.
The Economist dự báo, cuộc chiến mang tính trả đũa qua lại giữa al-Shabbab và chính quyền Kenya nhiều khả năng sẽ còn kéo dài. Trong vòng vài giờ sau khi chiếc xe bus tại Mandera bị tấn công, quân đội Kenya cho biết họ đã truy lùng và tiêu diệt những kẻ thủ ác. Hay như trong vụ giết hại 36 công nhân vô tội ở mỏ đá hôm 2/12, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đã nói rằng chính quyền “sẽ không chùn bước trong trận chiến chống khủng bố này”.
Trịnh Quang (theo The Economist)