TIN LIÊN QUAN | |
Yemen: Lệnh ngừng bắn có nguy cơ đổ vỡ | |
Theo dòng thời sự: Dấu ấn Việt Nam trong ECOSOC |
Ngày càng nhiều người sống phụ thuộc vào công việc nhặt rác phải đối diện với nhiều nguy cơ bệnh tật. Mới đây, Liên hợp quốc (LHQ) đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của lãnh đạo từ nhiều đô thị trên thế giới nhằm tìm giải pháp cải thiện chất lượng cuộc sống của những người nhặt rác.
Sinh ra từ rác, chết cũng vì rác
Từ những năm đầu của thế kỷ 21, bãi rác Stung Meanchey ở Phnom Penh (Campuchia) đã là một trong các bãi rác nổi tiếng nhất thế giới. Ngày cũng như đêm, hàng ngàn con người miệt mài tìm kiếm, thu gom rác để tái sử dụng hoặc bán các vật liệu còn có giá trị, trên một gò đất rộng khoảng 360.000 m2 tràn ngập các loại rác thải, phế liệu. Nhiều gia đình trải qua nhiều thế hệ vẫn sống chung với rác, ăn rác, chiến đấu với rác và thậm chí chết cũng vì rác.
Ông Suon Vy, 30 tuổi, một người lớn lên từ bãi rác này, đã không ít lần chứng kiến những người “sinh nghề tử nghiệp”. “Năm 10 tuổi, tôi đã chứng kiến một người hàng xóm vô tình bị xe nghiền rác cán vào chân rồi thiệt mạng trong lúc đang bới rác”, Suon Vy kể lại.
Còn rất nhiều mối nguy hiểm luôn trực chờ họ. Những mảnh thủy tinh vỡ, rác thải y tế... đều có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thương vong hay bệnh tật. Các công trình nghiên cứu chỉ ra rằng hầu hết các bãi rác đều chứa lượng dioxin gây ung thư và kim loại nặng với mức độ nguy hiểm ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất của những con người làm việc ở đó, đặc biệt là trẻ em. Các bệnh thường gặp là tiêu chảy, đau đầu, khó thở, đau bụng, thương hàn, kích ứng da...
Mẹ của Suon Vy, một bà cụ có mái tóc đen dày với đôi mắt đỏ ngầu, vừa nói vừa thở dài: “Chúng tôi như sống trong địa ngục. Không còn sự lựa chọn nào khác”.
Đây không còn là câu chuyện ở riêng Campuchia. Trên thế giới, hàng triệu người đang kiếm sống qua ngày từ công việc nhặt rác và phế liệu. “Nghèo đói và cùng cực buộc chúng tôi phải lựa chọn công việc nguy hiểm này, dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Lý do thứ hai là ở các đô thị hiện nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề, trong đó có việc xử lý các chất thải rắn”, Sonia Dias, một chuyên gia hàng đầu của Brazil về chất thải giải thích.
Họ cần gì?
Cuối tháng 10 này, Hội nghị LHQ về Phát triển Nhà ở và Đô thị bền vững lần thứ ba (Habitat III) sẽ diễn ra tại thủ đô Quito, Ecuador với sự tham dự của lãnh đạo các thành phố lớn và các chuyên gia trên khắp thế giới. Được tổ chức 20 năm một lần, Hội nghị là dịp để các nhà lãnh đạo chia sẻ tình hình thực tế, kinh nghiệm đối phó với những thách thức của quá trình đô thị hóa và tham gia vào chương trình nghị sự đô thị mới nhằm hoạch định chính sách đô thị hóa trong hai thập kỷ tới. Nhiều người hy vọng rằng hội nghị sẽ chính thức công nhận giá trị của người lao động không chính thức như người nhặt rác và có những giải pháp giúp họ đảm bảo đảm cuộc sống.
Năm 2009, Chính phủ Campuchia từng cố gắng đóng cửa bãi rác Stung Meanchey và thay thế bằng các bãi rác mới ở vùng ngoại ô. Tuy nhiên, những người nhặt rác tại đây không muốn rời đi vì cuộc sống ở ngoại ô không thuận tiện. Họ càng không muốn từ bỏ công việc này bởi phần lớn đều trăn trở một câu hỏi: “Làm gì khác để kiếm sống nếu không nhặt rác?”.
Nhu cầu cấp bách nhất đối với những người này là có một công việc để có thu nhập. “Kể cả họ có nhà rồi, vấn đề chính của họ vẫn là thu nhập”, Lor Sren, đại diện tổ chức phi chính phủ Sahmakum Teang Tnaut nói.
Không thể phủ nhận, hoạt động của các tổ chức phi chính phủ đã giúp cải thiện rất nhiều cuộc sống của người dân tại bãi rác Stung Meanchey. Một số trẻ em tại đây có cơ hội học tập, một số gia đình được hỗ trợ xây nhà… Nhưng sự hỗ trợ đó chỉ giúp khắc phục hậu quả chứ chưa thể xử lý được tận gốc của sự nghèo đói ở nơi đây.
“Theo tôi, thật không nhân đạo khi để mọi người làm việc trong một bãi rác. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thấy rằng họ cũng cần kiếm kế sinh nhai. Không thể bảo họ dừng nhặt rác mà không cho họ cơ hội có nguồn thu nhập khác”, bà Dias nói.
“Hợp tác xã tái chế”
Năm 2010, tại thành phố Belo Horizonte (Brazil), tỷ lệ các bãi rác mở (bãi rác tự phân hủy, khác với các bãi chôn lấp hợp vệ sinh, được quy hoạch và không thể nhặt rác) đã giảm xuống còn 50% sau khi chính phủ nước này ra lệnh đóng cửa. Đối với những người nhặt và thu gom rác tái chế ở Brazil lúc đó, việc đột nhiên bị tước đoạt nguồn thu nhập duy nhất, khiến cuộc sống của họ càng khó khăn hơn. Chính phủ Brazil đã có giải pháp bồi thường nhưng cách đó chỉ mang tính tạm thời. Một số người sau đó đã chuyển tới các bãi rác nhỏ hơn, số còn lại phải kiếm công việc khác trên đường phố.
Hiện có hơn một nửa dân số thế giới đang sống tại các khu đô thị, 25% trong số đó sống trong các khu ổ chuột hoặc khu định cư tạm bợ. Theo nghiên cứu gần đây do Văn phòng Giám sát Đô thị của UN-Habitat, trường Đại học New York và Viện Lincoln phối hợp thực hiện, nhà ở công chiếm chưa tới 15% tổng số nhà ở tại các nước phát triển lẫn đang phát triển. Bên cạnh đó, trong 2 thập niên qua, giá nhà đất có xu hướng ngày một tăng khiến nhiều người phải di chuyển chỗ ở ra ngoại ô thành phố. |
Cùng năm đó, Chính phủ Brazil đã thông qua một đạo luật đề nghị thành phố và các doanh nghiệp tư nhân phối hợp gây dựng các “hợp tác xã tái chế”. Đến nay, việc thu gom, tái chế rác thải của Brazil đã được tổ chức bài bản và quy mô hơn. Hiện có hơn 1.500 “hợp tác xã tái chế” trên toàn quốc gia Nam Mỹ này. Riêng tại thành phố São Paolo, đến 90% vật liệu tái chế đều được thu gom nhờ các hợp tác xã này.
Bên cạnh việc tổ chức công ăn việc làm một cách quy mô và bài bản, các hợp tác xã này là cầu nối cho các công tác xã hội đến với từng người lao động, đấu tranh cho quyền lợi và gây dựng hình ảnh tốt về những người thu gom phế liệu với cộng đồng.
“Tôi rất tự hào khi là một người phân loại phế liệu. Đó là công việc tốt nhất mà tôi từng làm”, chị Poliana Inacio, một phụ nữ Brazil từng có quá khứ đen tối trước khi trở thành một nhà quản lý “hợp tác xã tái chế”.
Tương tự như vậy, tại thành phố Lagos (Nigeria), tổ chức xã hội mang tên Wecyclers đã làm việc với các hộ gia đình có thu nhập thấp để giải quyết vấn đề chất thải trên diện rộng của thành phố. Bằng việc thu gom rác thải có thể tái chế, người dân có thu nhập ổn định, còn chất thải sẽ được phân loại và xử lý. Wecyclers đã hợp tác với Cơ quan quản lý chất thải Lagos để mở rộng dịch vụ thu gom rác thải toàn thành phố.
Tuy nhiên, ở các thành phố như Phnom Penh (Campuchia) hay Yangon (Myanmar), khả năng tổ chức việc tái chế một cách hệ thống, chính thức và bài bản còn khá khó khăn. Phần lớn chính phủ các nước này đều quyết tâm đóng cửa các bãi rác mở.
“Nếu không có ai làm công việc này, rác sẽ ở khắp mọi nơi. Chúng tôi đang làm điều tốt cho chính phủ, vì vậy, họ nên ủng hộ chúng tôi”, Nyo Tin, chủ một cửa hàng tái chế ở Yangon cho biết.
Trong bài phát biểu gần đây, Tổng Thư ký (TTK) LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh tốc độ mở rộng đô thị nhanh ngoài dự kiến đã dẫn đến hệ quả ngày càng nhiều người nghèo rơi vào tình cảnh khốn khó, không có đủ chỗ để sinh hoạt hoặc không được tiếp cận những dịch vụ cơ bản như nước, vệ sinh, điện và chăm sóc sức khỏe.
“Chìa khóa đảm bảo phẩm giá và cơ hội cho tất cả mọi người phụ thuộc vào việc họ có được cung cấp chỗ ở thỏa đáng và nằm trong khả năng tài chính của mình hay không”, TTK Ban Ki-moon kết luận.
12 thói quen hàng ngày tưởng tốt nhưng hóa ra lại không nên làm Có những điều bạn thường làm hàng ngày, bạn nghĩ đó là thói quen tốt, nhưng sự thật lại không phải vậy. Hãy cùng khám ... |
Những bức ảnh gây sốc về "khu ổ chuột" ở Birmingham Lần đầu tiên, các tác phẩm của Nhiếp ảnh gia Nick Hedges chụp khu ổ chuột Birmingham (Anh) với điều kiện sống kinh khủng từ ... |
Ám ảnh xiếc khỉ mặt nạ ở Indonesia Trên thế giới có rất nhiều điểm du lịch không dành cho người yếu bóng vía. Khu ổ chuột Kampung Monyet ở Jakarta (Indonesia) với ... |