📞

Cuộc chiến xoá đói giảm nghèo: Cơ hội trong tầm tay

10:00 | 16/04/2016
Những năm qua, thế giới đã có những tiến bộ vượt bậc trong công cuộc giảm nghèo, tăng thu nhập và cải thiện sức khỏe con người. Câu hỏi đặt ra là thế giới có duy trì được tiến bộ đó hay không và bằng cách nào.

Tỷ lệ đói nghèo toàn cầu đã giảm nhanh trong suốt 20 năm qua hơn bất cứ lúc nào khác trong lịch sử. Tỷ lệ trẻ em tử vong cũng giảm mạnh. Hai chỉ số này được xếp là những chỉ số quan trọng nhất đánh giá thành tựu tiến bộ cuộc sống của con người.

Những con số ấn tượng

Theo thống kê, năm 1993 gần hai tỷ người trên thế giới sống với số tiền ít ỏi chỉ 1,90 USD một ngày, hoặc ít hơn 10 USD một ngày cho một gia đình năm người. Điều đó có nghĩa là: không bao giờ đủ thức ăn cho mọi người trong gia đình, ngôi nhà làm bằng bùn và rơm rạ không thể tránh mưa và các loài vật gây hại, không có trường học cho trẻ em. Thậm chí là những điều tệ hại hơn như cuộc sống chìm trong bóng tối khi màn đêm buông xuống vì không có điện, cũng như không bao giờ mơ đến việc gặp bác sĩ mỗi khi đau ốm.

Thế nhưng nhiều tiến bộ đã đạt được trong lĩnh vực xoá đói giảm nghèo. Đến năm 2012, chỉ còn khoảng một tỷ người sống dưới mức 1,90 USD một ngày (con số này được tính theo giá cố định, điều chỉnh theo lạm phát). Những tiến bộ đó không chỉ đạt được ở các nước có dân số đông như Trung Quốc và Ấn Độ, mà còn bao gồm các nước như Indonesia, Mozambique, Ghana, Brazil, El Salvador, Mông Cổ…

Nhiều trẻ em gái Ghana đã được đến trường.

Trong khi đó, hàng triệu người nghèo cũng đã có thể tiếp cận với nước sạch và các nhu cầu vệ sinh cơ bản. Chế độ dinh dưỡng đã tốt hơn và sự phát triển bình thường ở trẻ em đã được đảm bảo. Trước năm 1980, chỉ một nửa số trẻ em gái ở các nước đang phát triển hoàn thành tiểu học; giờ đây con số này là 85%. Trước đây chưa đến 50% trẻ em gái đến tuổi trưởng thành có thể đọc và viết, nhưng ngày nay phụ nữ toàn cầu biết chữ đã vượt quá con số 93%.

Có lẽ đáng chú ý nhất là những cải tiến rộng rãi trong lĩnh vực y tế. Nếu như tiêu chảy giết chết năm triệu trẻ em mỗi năm vào năm 1990, con số này đã giảm chỉ còn một triệu năm 2014. Số ca tử vong do sốt rét đã được giảm một nửa kể từ năm 2000, và tử vong do bệnh lao và HIV đều đã giảm một phần ba. Do dinh dưỡng tốt hơn, tiếp cận nhiều hơn với chủng ngừa, và thành công trong điều trị nhiều loại bệnh, tuổi thọ trung bình toàn cầu đã tăng từ 50 tuổi vào năm 1960 đến 65 tuổi hiện nay. Công tác chăm sóc sức khoẻ cho trẻ em đạt những tiến bộ lớn. Tỷ lệ tử vong trẻ em đã giảm ở tất cả các nước trên thế giới kể từ năm 1980. Tỷ lệ sinh đã giảm từ năm con trên một phụ nữ trưởng thành trong những năm 1960 xuống còn 2,5 hiện nay.

Đồng thời, tăng trưởng kinh tế trên thế giới nhiều năm qua đã duy trì ở mức khả quan, khiến cho thu nhập trung bình của người  dân cũng đã tăng lên. Trong thập niên 1970 và 1980, hầu hết các nước đang phát triển có mức tăng trưởng trì trệ do các cú sốc giá dầu, các cuộc khủng hoảng nợ, sự can thiệp của các cường quốc trong chiến tranh Lạnh, và sự quản lý yếu kém theo các mô hình tăng trưởng lỗi thời. Nhưng bắt đầu từ giữa những năm 1990, tốc độ tăng trưởng bắt đầu tăng lên. Đến năm 2015 thu nhập trung bình ở các nước đang phát triển đã tăng gần gấp đôi (sau khi kiểm soát lạm phát). Hàng trăm triệu người nghèo, tầng lớp trung lưu, hoặc giàu có - ở hàng chục quốc gia đang phát triển có thu nhập cao hơn nhiều so với cách đây 20 năm. Quan trọng hơn, những lợi ích của tăng trưởng tương đối phổ biến, không chỉ tập trung ở những người giàu.

Những thay đổi trong hai thập kỷ qua mang lại nhiều hứa hẹn cho việc cải thiện sức khỏe hàng triệu người dân ở nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới.

Thế giới yên bình hơn?

Khi thu nhập tăng và thế giới ngày càng dân chủ hoá thì xung đột, chiến tranh và bạo lực sẽ ngày càng bị đẩy lùi. Thực tế này gây ngạc nhiên cho bất cứ ai đọc tin tức hàng ngày về các sự kiện đang diễn ra ở Syria, Yemen hay Afghanistan. Tất nhiên ai đó có thể cho rằng đây là nhận định sai lầm, khi mà thế giới đang ngày càng hỗn độn. Thế nhưng bạn hãy nhìn lại, chúng ta có xu hướng quên đi những sự kiện chỉ cách chúng ta mấy chục năm trước. Vào những năm 1980 và đầu những năm 1990, hầu hết các nước Trung Mỹ đã tham gia vào các cuộc nội chiến đẫm máu; Nam Phi chìm trong ngọn lửa của chế độ phân biệt chủng tộc, Tây Phi ở tình trạng hỗn loạn, còn Đông Nam Á vẫn âm ỉ tàn dư của cuộc chiến trên bán đảo Đông Dương, đặc biệt là những hậu quả không thể tưởng tượng trên những Cánh đồng Chết gây ra bởi chế độ diệt chủng Polpot ở Campuchia. Thực tế, số lượng các cuộc chiến tranh trong những năm gần đây chỉ là một con số ít ỏi so với những năm 1980, và con số thương vong do chiến tranh cũng đã giảm gần 3/4.

Những thay đổi trong hai thập kỷ qua mang lại nhiều hứa hẹn trong việc cải thiện sức khỏe hàng triệu người dân ở nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới. Tại sao nhiều nước đang phát triển đạt được tiến bộ như vậy từ đầu những năm 1990? Có ba lý do chính.

Đầu tiên, chiến tranh Lạnh kết thúc đã cải thiện đáng kể môi trường toàn cầu hướng tới giữ gìn hòa bình và phát triển bền vững. Các cuộc chiến “ủy nhiệm” và bạo lực chính trị liên quan đến chiến tranh Lạnh đã kết thúc ở Trung Mỹ, Đông Nam Á, Nam Phi và nhiều nơi khác trên thế giới. Các nước đang phát triển đều hướng tới cải cách kinh tế, chính trị lớn và bắt đầu xây dựng các điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển và tiến bộ xã hội.

Thứ hai, toàn cầu hóa và những tiến bộ trong công nghệ mới mang lại nhiều lợi ích thương mại và tài chính, việc trao đổi các ý tưởng và thông tin ngày càng dễ dàng. Xuất khẩu từ các nước đang phát triển tăng nhanh, tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn. Cho dù tiềm ẩn nhiều thách thức, toàn cầu hóa và công nghệ mới đã mang lại vốn đầu tư, việc làm, ý tưởng, và thị trường, tất cả đều khuyến khích sự tiến bộ của thế giới.

Thứ ba, đó là yếu tố con người, với sự lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán của giới chức lãnh đạo các nước cũng như hành động can đảm, ý thức và trình độ ngày càng cao của người dân trên toàn thế giới. Nhiều nhà lãnh đạo đã ghi dấu ấn quan trọng vào lịch sử nước họ cũng như thế giới khi dẫn dắt quốc gia mình vượt qua thách thức, làm nên những thành tựu được thế giới công nhận. Ngoài ra, viện trợ nước ngoài đóng vai trò hỗ trợ trong việc thúc đẩy tiến bộ. Hoạt động viện trợ chính phủ và phi chính phủ đã có hiệu quả trong nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp xây dựng trường học, cơ sở y tế, đảm bảo vệ sinh môi trường…. Các chương trình viện trợ đã cứu sống hàng triệu sinh mạng bằng cách chống sốt rét, bệnh lao, HIV / AIDS, tiêu chảy…. Viện trợ không phải là động lực quan trọng nhất của phát triển, nhưng nó đã đóng một vai trò không thể không nhắc tới trong hai thập kỷ qua.

Các tiến bộ trong phát triển toàn cầu hai thập kỷ qua là chưa từng có. Tuy nhiên, ít người biết đến biến đổi lớn này. Một cuộc khảo sát năm 2013 cho thấy ngay cả người Mỹ cũng không hiểu hết những gì thực sự đang diễn ra. Tại sao thay đổi mà không được công nhận rộng rãi? Một phần nguyên nhân là vì nó phản ánh xu hướng của các nhà nghiên cứu thường thu hẹp trong một lĩnh vực chuyên môn, trong khi ít quan tâm đến những lĩnh vực khác. Chuyên gia y tế nhận ra tiến bộ trong tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh nhưng chỉ biết rất ít về sự tiến bộ trong quá trình dân chủ hoá xã hội; chuyên gia giảm nghèo lại thường không nhận ra những tiến bộ trong kiềm chế chiến tranh, xung đột. Một nguyên nhân nữa là chúng ta thường tập trung vào các vấn đề của ngày hôm nay chứ không phải là về những gì đang diễn ra một cách tốt đẹp. Khi chúng ta đọc tin tức về chiến tranh và kết luận thế giới đang trong tình trạng tồi tệ, chúng ta đang quên vài thập kỷ trước, tình trạng còn bi thảm hơn.

Hợp tác: chìa khoá thành công

Câu hỏi là liệu sự tiến bộ trên toàn cầu có thể tiếp tục trong tương lai. Trong khi số phận của hàng trăm triệu người dân được cải thiện, nhiều người khác đã bị bỏ lại phía sau. Có những cơ hội lớn xuất phát từ đột phá công nghệ, năng lượng, nông nghiệp và y học, thương mại giữa các thị trường mới nổi, trao đổi các ý tưởng. Nhưng cũng có những thách thức rất lớn, bao gồm cả áp lực dân số, biến đổi khí hậu, nhu cầu về nguồn lực, thay đổi nhân khẩu học, các mối đe dọa của dịch bệnh, và những căng thẳng từ sự trỗi dậy của một số cường quốc. Trong khi chúng ta có thể hình dung ra nhiều khó khăn trong tương lai với các nước đang phát triển, điều khó hơn là tìm ra những ý tưởng mới, sáng kiến, công nghệ, sự lãnh đạo cần thiết để giải quyết chúng.

Tiến bộ sẽ không tự nhiên tiếp tục, nó phụ thuộc vào lựa chọn của con người, sự hợp tác, lãnh đạo, cả ở các nước hàng đầu thế giới và các nước đang phát triển. Các quốc gia hàng đầu cần tăng cường hành động không chỉ vì lợi ích riêng của họ, mà để thiết lập một môi trường toàn cầu trong đó các nước khác có cơ hội phát triển thịnh vượng. Với các nước đang phát triển, lãnh đạo hiệu quả sẽ là động lực chính để tiếp tục tiến bộ.

Đưa ra một chương trình nghị sự đầy tham vọng để đảm bảo sự tiến bộ của thế giới trong xoá đói giảm nghèo sẽ không dễ dàng. Nhưng chúng ta có thể làm được với lãnh đạo hiệu quả, bằng thúc đẩy hợp tác cả trong và giữa các quốc gia. Cơ hội nằm trong tầm tay của chúng ta để cho thời gian tới tiếp tục là những thập niên thành công về xoá đói, giảm nghèo, vì sự tiến bộ trên toàn thế giới.

(theo Csmonitor.com)