📞

Cựu quan chức WHO: Loay hoay ngăn chặn đại dịch Covid-19, thế giới không học được gì sau SARS?

Quang Đào 07:30 | 09/04/2020
TGVN. Bà Pascale Brudon, nguyên Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam băn khoăn, chống chọi với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây ra hiện nay, thế giới không học được gì sau dịch SARS trong quá khứ? 
Bà Pascale Brudon, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam từ năm 1999-2004.

Khi đại dịch SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) tấn công thế giới vào cuối năm 2002 và năm 2003, bà Pascale Brudon còn là Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam. Vào thời điểm đó, Việt Nam được coi là quốc gia đầu tiên trên thế giới khống chế dịch SARS thành công. Bà Brudon cũng chính là người đã làm việc bên cạnh bác sĩ người Italy Carlo Urbani, bác sĩ đầu tiên trên thế giới nhận diện virus gây ra bệnh SARS và qua đời vì SARS trong khi tìm cách bảo vệ người khác khỏi dịch này.

Mới đây, trong bài trả lời phỏng vấn tờ Mediapart của Pháp, bà Brudon lo lắng rằng cái chết của bác sĩ Carlo Urbani là vô ích khi bài học về dịch SARS đã bị thế giới lãng quên. Bà cũng đánh giá khá nghiêm khắc về những biến chuyển của WHO kể từ năm 2003, khiến cho tổ chức này gần như bất lực trong công tác ngăn chặn dịch bệnh lan rộng ra thế giới, một phần cũng vì sự "thiên vị" đối với Trung Quốc.

Căn bệnh nguy hiểm đầu tiên của thế kỷ

SARS là căn bệnh nghiêm trọng với khả năng lây nhiễm cao đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ XXI. Những ca bị nhiễm SARS bắt đầu xuất hiện vào tháng 11/2002 ở Trung Quốc. Báo cáo chính thức đầu tiên về bệnh viêm phổi phi điển hình này đã đến WHO vào tháng 2/2003. Sau đó, mọi thứ đã diễn ra rất nhanh.

Tại mỗi “điểm nóng”, người ta chứng kiến một sự gia tăng nhanh các ca nhiễm bệnh, đặc biệt ở các nhân viên y tế khi tiếp xúc với người bệnh. Trong vòng chưa đầy 3 tháng, tổng số ca nhiễm SARS vượt quá 8.000, số tử vong vượt quá 900 và bệnh dịch được ghi nhận ở hơn 30 quốc gia. Nỗi sợ dịch SARS đã lan ra khắp thế giới nhanh hơn cả con virus.

Theo bà Brudon, dịch SARS xâm nhập Việt Nam khi một người nhiễm virus đến Hà Nội vào ngày 23/2/2003 từ Hong Kong (Trung Quốc) và tới khám tại Bệnh viện Việt-Pháp. Vào ngày 28/2, văn phòng WHO tại Việt Nam được liên lạc để cùng nghiên cứu và tìm cách chữa trị cho bệnh nhân với căn bệnh kỳ lạ này.

"Bác sĩ Carlo Urbani khi đó là người chịu trách nhiệm về các bệnh truyền nhiễm và là một bác sĩ giỏi. Kể từ ngày 3/3, sau vài ngày đến Bệnh viện Việt-Pháp để chăm sóc bệnh nhân, bác sĩ Urbani đã hiểu rằng, thế giới đang phải đối mặt với thứ gì đó vô hình, nguy hiểm và chưa ai biết tới", bà Pascale Brudon chia sẻ.

Sau đó, văn phòng WHO tại Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ, nỗ lực thu thập thông tin về dịch bệnh mà sau này thế giới biết đến là SARS.

Bác sĩ người Italy Carlo Urbani (1956-2003).

Phản ứng nhanh và quyết liệt

Rất nhanh chóng, bà Brudon cùng đội ngũ WHO đã thuyết phục Chính phủ Việt Nam rằng đây là một dịch bệnh nghiêm trọng và cần phải đưa ra các biện pháp phòng chống mạnh mẽ. WHO và Chính phủ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ để phân tích và theo dõi dịch bệnh.

30 chuyên gia từ các trung tâm khoa học uy tín nhất trên thế giới và các tổ chức phi chính phủ đã đến Việt Nam trong khoảng thời gian từ ngày 10/3 đến cuối tháng 4. Cùng với đội ngũ nhân viên của Bộ Y tế và bệnh viện, họ đã tiến hành các nghiên cứu về dịch tễ học, thu thập mẫu và tăng cường các biện pháp kiểm soát lây nhiễm.

Ngày 28/4, chỉ 45 ngày kể từ khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, Việt Nam được WHO công nhận là quốc gia đầu tiên trên thế giới ngăn chặn thành công dịch SARS. Đó là một thành tựu lớn bởi khi đó Việt Nam được coi là một quốc gia nghèo và đang phát triển.

"Việt Nam đã ngăn chặn dịch SARS thành công nhờ tốc độ phản ứng nhanh, những biện pháp kiểm soát quyết đoán, tính minh bạch cao và có một chút gì đó may mắn khi đã sớm thực hiện biện pháp ngăn chặn được sự lây lan của bệnh nhân đầu tiên.

Họ đã không giấu thông tin về bệnh dịch giống như Trung Quốc và đã hợp tác chặt chẽ với thế giới để cùng nhau đối chọi lại với dịch bệnh", nguyên Giám đốc WHO tại Việt Nam nói.

Đồng thời, thế giới chứng kiến ​​một sự hợp tác quốc tế về khoa học và y tế chưa từng có tiền lệ, gạt bỏ qua một bên sự cạnh tranh và những lợi ích kinh tế tiềm năng to lớn, chỉ vì lợi ích duy nhất là giải quyết vấn đề y tế cộng đồng đang đe dọa người dân.

Phản ứng toàn cầu do WHO điều phối bao gồm một hệ thống liên kết, theo thời gian thực, để cung cấp sự hỗ trợ và kiến thức chuyên môn cho những quốc gia bị ảnh hưởng.

Theo bà Brudon, một mạng lưới bao gồm 11 phòng thí nghiệm tiên tiến được thành lập để xác định tác nhân gây bệnh SARS và để hoàn chỉnh một xét nghiệm chẩn đoán đáng tin cậy.

Ngày 17/4/2003, một loại virus mới, chưa được biết đến cho đến lúc bấy giờ, mang tên virus corona được phát hiện nhờ lá phổi của bác sĩ Carlo Urbani, người đã tử vong vì chính dịch bệnh mà mình nghiên cứu.

Nhóm chuyên gia WHO và Trung Quốc tại Bệnh viện Đồng Tể ở Vũ Hán, Trung Quốc. (Nguồn: Reuters)

Những bài học bị lãng quên

Dịch Covid-19 và dịch SARS đều do những chủng virus corona gây ra. Trong khi Covid-19 có thể lây lan ngay khi người bệnh gặp những triệu chứng nhẹ, hoặc không có bất kỳ triệu chứng gì thì SARS chỉ truyền nhiễm khi người bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng. Do đó, với bệnh SARS, người ta có thêm thời gian để đưa ra các biện pháp cách ly hơn.

Cho đến bây giờ, bà Brudon vẫn không kìm được xúc động khi nói về bác sĩ Urbani. Bà cho rằng, đáng lý ra, cái chết của bác sĩ Urbani và sự nguy hiểm của dịch SARS trong quá khứ phải đem lại cho toàn bộ các quốc gia trên thế giới và những cơ chế đa phương như WHO một sự cảnh giác nhất định.

Đáng tiếc thay, tình hình dịch Covid-19 đã diễn ra quá kinh hoàng, trở thành một đại dịch đúng nghĩa và gây ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Lịch sử chỉ ra rằng, các loài virus mới, các dịch bệnh mới sẽ tiếp tục xuất hiện trong tương lai và sẽ tạo ra những cuộc khủng hoảng y tế, tác động tới nhiều mặt khác của thế giới, giống như hiện nay.

Theo bà Brudon, WHO, đặc biệt là Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã không làm tốt nhiệm vụ của mình khi không có bất cứ hành động gì để kiểm chứng khi thành phố Vũ Hán rộ lên thông tin về một loại bệnh viêm đường hô hấp mới vào cuối năm 2019. Điều đó khiến cho thế giới bắt nhịp chậm với dịch bệnh và phải thực hiện các biện pháp khẩn cấp.

"Nếu chúng ta đã chú ý hơn vào đầu tháng 1 về những gì đang xảy ra ở Trung Quốc và nhớ về bài học quá khứ thì chắc rằng dịch Covid-19 đã không lan rộng, và thế giới có thể sớm hoạt động bình thường, chứ không phải chịu sự cách ly và phong tỏa toàn cầu như hiện nay", bà Brudon nhấn mạnh.

Giờ đây, nhiều quốc gia, trong đó có nước Pháp, đã quên đi bài học SARS. Đối với nhiều nước, y tế đã không còn là mục tiêu được chú ý đến và bị áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng.

Giờ đây, người ta chỉ chú ý đến tình hình căng thẳng quốc tế, sức mạnh thị trường... mà quên đi những rủi ro y tế có thể ảnh hưởng đến chính phủ và công dân các nước như thế nào.

Theo cựu quan chức WHO, các quốc gia khác, đáng chú ý là ở châu Á (như Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam...) đã có những chuẩn bị về những vấn đề y tế cộng cộng khi ở gần tâm dịch, khác với các quốc gia châu Âu và Mỹ. Và khi SARS-CoV-2 đến, họ nhanh chóng đưa ra những biện pháp cần thiết, và đã được thừa nhận là hiệu quả nhất như: phát hiện bệnh, cách ly, truy tìm các mối tiếp xúc, yêu cầu toàn bộ người dân đeo khẩu trang…

Câu chuyện về chiếc khẩu trang tưởng chừng đơn giản nhưng giờ đây vẫn là một vấn đề được đưa ra bàn luận và chưa có hồi kết.

Cuối bài phỏng vấn, bà Brudon bày tỏ hy vọng rằng, dù đã có những sai lầm, nhưng giờ đây, thế giới, các chính trị gia và nhà khoa học cần đẩy mạnh sự hợp tác quốc tế và cùng với WHO xây dựng các chiến lược tiếp theo để nhanh chóng đẩy lùi dịch Covid-19 và sớm đưa thế giới trở lại bình thường.

Ngoài ra, nguyên Giám đốc WHO tại Việt Nam cũng mong mỏi các loại thuốc hay vaccine phòng bệnh Covid-19 sẽ sớm được phát minh và những công ty dược hãy bỏ qua câu chuyện lợi nhuận ra một bên. Nhưng dường như, điều này là hơi khó để thành hiện thực, ít nhất trong thời điểm hiện nay.

(theo Mediapart)