Ngoại trưởng Cộng hòa Cyprus Ioannis Kasoulides trả lời phỏng vấn tại Jerusalem. (Nguồn: Reuters) |
Đài truyền hình quốc gia Hy Lạp NET dẫn lời Ngoại trưởng Cyprus Ioannis Kasoulides rằng: "Với những vấn đề còn tồn tại hiện nay, chúng tôi không thể đồng ý cho cuộc đàm phán diễn ra".
Tuần trước, các nhà lãnh đạo EU cam kết sẽ xem xét các cuộc đàm phán gia nhập - vốn bị đình trệ bấy lâu nay với Ankara, cũng như là vấn đề hỗ trợ tài chính và các điều khoản visa dễ dàng hơn để đáp lại sự giúp đỡ của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di dân Syria.
Gần nửa triệu người, trong đó có nhiều người Syria chạy trốn khỏi cuộc chiến ở quê nhà, đã đi vào châu Âu năm nay, chủ yếu là đi qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Hy Lạp. Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp nơi trú ẩn cho khoảng 2,2 triệu người tị nạn Syria.
Cyprus đã phủ quyết 6 trên tổng số 35 chương điều Thổ Nhĩ Kỳ phải thực hiện để tiến hành các cuộc đàm phán gia nhập EU.
Quốc đảo phía Đông Địa Trung Hải này vốn có nhiều bất bình với Thổ Nhĩ Kỳ do sự hiện diện của quân đội Ankara tại miền Bắc Cyprus, cũng như là sự can thiệp của họ trong quá khứ khiến hòn đảo bị chia cắt. Hiện tại, EU công nhận Chính phủ Cyprus ở Nicosia là đại diện cho toàn bộ hòn đảo, trong khi chỉ có Ankara công nhận chính quyền ly khai ở miền Bắc quốc đảo.
Các cuộc đàm phán hòa bình trong những năm qua để gắn kết hòn đảo này trở thành một nước liên bang đã thất bại, nhưng các nhà ngoại giao cho biết, một vòng đàm phán hợp nhất hai miền hiện đang có dấu hiệu đáng khích lệ.
Là thuộc địa cũ của Anh, Cyprus có một hệ thống quản trị phức tạp khi Anh, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều là "người bảo đảm" của hòn đảo này trong trường hợp có sự gián đoạn cho trật tự hiến pháp. Quốc đảo này muốn bãi bỏ hiện trạng này bởi cho rằng đó là cái cớ để Cyprus bị can thiệp quân sự trong quá khứ.
"Những sự bảo đảm này không thể được xem như một phương tiện làm cho người Cyprus gốc Hy Lạp hoặc Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy an toàn", Ngoại trưởng Kasoulides cho biết.
Minh Tuấn (theo Reuters)