📞

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XX: Góc nhìn và đánh giá

Minh Vương 08:30 | 21/10/2022
Các học giả Trung Quốc, Singapore và Nga đã chia sẻ một số góc nhìn xung quanh sự kiện quan trọng của Trung Quốc những ngày vừa qua.
Chủ tịch Tập Cận Bình trình bày Báo cáo trước Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 16/10. (Nguồn: AP/Tân Hoa xã)

Truyền đạt “Tiếng nói Trung Quốc”

Ông Chu Phong, chuyên gia đặc biệt của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và An ninh thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) nhận định Đại hội XX đã truyền đạt “tiếng nói Trung Quốc” của ngoại giao nước lớn, với một số điểm sau.

Trước hết, báo cáo của Đại hội XX nêu rõ tương lai “phụ thuộc vào sự lựa chọn của nhân dân các nước”. Theo chuyên gia Chu Phong, điều này không chỉ thể hiện khái niệm quản trị quốc gia “ưu tiên nhân dân» của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong lĩnh vực quan hệ đối ngoại, mà còn kêu gọi nhân loại tăng cường hợp tác và đoàn kết, vượt ra ý thức hệ để tìm ra lối thoát cho sự tiến bộ của thế giới.

Ngoài ra, bản báo cáo của Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc kiên định theo đuổi chính sách ngoại giao hòa bình, độc lập, tự chủ, thúc đẩy xây dựng quan hệ quốc tế kiểu mới và bảo vệ lợi ích chung của các nước đang phát triển.

Ông Chu Phong cho rằng “ngoại giao hòa bình, độc lập, tự chủ” khẳng định Bắc Kinh “không xưng bá”, cũng không muốn “đối đầu phe nhóm” trong quan hệ quốc tế, càng không thông qua “liên minh” để lôi kéo các thành viên như một số nước khác. Thúc đẩy việc xây dựng quan hệ nước lớn kiểu mới chính là ngoại giao Trung Quốc hy vọng cùng các nước lớn thay đổi “trò chơi có tổng bằng 0”, đưa quan hệ giữa các cường quốc trở lại quỹ đạo ổn định và mang tính xây dựng.

Trong khi đó, “bảo vệ lợi ích chung của các nước đang phát triển” là một ưu tiên ngoại giao của Bắc Kinh. Những năm gần đây, cùng với sự trỗi dậy của các nền kinh tế mới do nước này đại diện, cơ cấu quyền lực và của cải của thế giới, với hiệu ứng thay đổi lớn chưa từng có trong thế kỷ qua. Là nước đang phát triển lớn nhất, Trung Quốc không những cần tăng cường hợp tác và đoàn kết với các nước đang phát triển, mà còn cần đại diện hợp lý và sâu sắc cho lợi ích của họ để những nước này có nhiều cơ hội phát triển bình đẳng, hợp lý và công bằng hơn.

Về nội dung ’Trung Quốc tích cực tham gia cải cách và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu, kiên trì chủ nghĩa đa phương chân chinh”, chuyên gia Chu Phong cho rằng đây là nguyên tắc ngoại giao rất đặc trưng của nước này. Bắc Kinh phản đối việc một số nước lợi dụng vị thế để can thiệp công việc nội bộ của nước khác, áp đặt lợi ích và mưu cầu của “vòng tròn nhỏ” lên phần còn lại.

Do đó, trong gần 20 năm qua, ngoại giao Trung Quốc đã nhấn mạnh sự ủng hộ đối với cơ chế quản trị toàn cầu do Liên hợp quốc làm trung tâm, thông qua các nguyên tắc hành động của chủ nghĩa đa phương cởi mở, bình đẳng và công bằng, thực hiện cơ chế cùng bàn, cùng làm, cùng hưởng trong các hành động tập thể của các nước trong các vấn đề quốc tế.

Người dân Trung Quốc theo dõi phiên khai mạc Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày 16/10. (Nguồn: AFP)

Để vững vàng trước biến động

Về phần mình, chuyên gia Piotr Tsvetov của tờ Sputnik (Nga) cho rằng báo cáo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã phần nào gợi ý về đường lối của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh “phức tạp và ảm đạm” hiện nay.

Theo đó, mặc dù Bắc Kinh khẳng định sẽ không theo đuổi chính sách bá quyền và mở rộng biên giới, song văn bản trên cũng thể hiện quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Đặc biệt, trong vấn đề Đài Loan, Chủ tịch Tập Cận Bình đã bày tỏ sự ủng hộ quá trình thống nhất bằng con đường hòa bình, song cũng không loại trừ phương án sử dụng vũ lực nếu phe ly khai chiếm ưu thế trên hòn đảo.

Chuyên gia Nga Piotr Tsvetov cho rằng bối cảnh và lập trường nêu trên đã giải thích sự quan tâm đặc biệt của ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với lực lượng vũ trang. Đại hội tuyên bố rằng công tác ưu tiên của ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc là đưa Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) lên vị trí một trong những đội quân hùng mạnh nhất thế giới vào năm 2027. Đáng chú ý, “hùng mạnh” ở đây hướng tới phát triển và hiện đại hóa Hải quân, cụ thể là chế tạo đội tàu sân bay, lực lượng tên lửa - vũ trụ và các vũ khí siêu thanh.

Dù tích cực tăng cường tiềm lực quân sự, song Bắc Kinh khẳng định vẫn trung thành với chính sách hòa bình. Ông Tập Cận Bình nêu rõ: “Trung Quốc kiên quyết theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và hòa bình, luôn xác định lập trường và chính sách của mình trên cơ sở đúng sai của sự việc”. Đồng thời, Bắc Kinh “đề cao việc tuân thủ các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế”.

Bước chuyển mình thập kỷ

Trong khi đó, Giáo sư Lý Minh Giang thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định rằng một thay đổi đáng chú ý của Trung Quốc trong cách xử lý quan hệ ngoại giao 10 năm qua là giữ tâm thế đối đầu với các nước phương Tây trong các vấn đề về ý thức hệ. Nếu trước đây, Trung Quốc chủ trương ứng xử mềm mỏng thì hiện nay, Bắc Kinh sẵn sàng bày tỏ thái độ cứng rắn một khi lợi ích của nước này bị ảnh hưởng.

Giáo sư Lý Minh Giang cho rằng việc điều chỉnh chính sách và phong cách ngoại giao có liên quan mật thiết đến sự gia tăng sức mạnh kinh tế, quân sự của Trung Quốc, cũng như đánh giá của nước này về cán cân quyền lực quốc tế. Trung Quốc cho rằng tổng thể cục diện quốc tế hiện nay đang có lợi cho mình và trên cơ sở đó, Bắc Kinh có thể đẩy mạnh đấu tranh với phương Tây về chính trị, ý thức hệ.

Tuy nhiên, ngoài các yếu tố như tiềm lực và tình hình quốc tế, thay đổi của ngoại giao Trung Quốc 10 năm qua cũng mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà lãnh đạo.

Chuyên gia Drew Thompson tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore) cho rằng những thay đổi này đã phản ánh thái độ quản trị đất nước của ông Tập. Theo đó, thái độ này xuất phát từ nhận thức về các mối đe dọa an ninh và tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chính sách ngoại giao của Chủ tịch Tập Cận Bình dựa trên khuôn khổ ý thức hệ. Điều này quyết định cách nhìn nhận của Trung Quốc về quan hệ với thế giới và cách thức ngoại giao.

Tương tự, Giáo sư Lý Minh Giang cho rằng sự thay đổi trong chính sách ngoại giao của nước này là kết quả tất yếu từ sự trỗi dậy song cá tính, phong cách và yêu cầu chính trị của lãnh đạo cũng góp phần đẩy nhanh quá trình này.

Sau Đại hội XX, giới học giả nhìn chung tin rằng Trung Quốc sẽ không thay đổi chính sách đối ngoại của mình. Chủ tịch Tập Cận Bình này đã định hình thành công vai trò của Đảng ở tất cả các cấp độ xã hội và kinh tế 10 năm qua, đồng thời loại bỏ các mối đe dọa và thách thức với tính hợp pháp và tiếp tục cầm quyền của Đảng Cộng sản.

Với việc Bắc Kinh duy trì chính sách đối ngoại cứng rắn, đặc biệt trong các vấn đề nước này cho là cốt lõi, quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và các nước ngoài Nam Bán cầu sẽ khó có thể cải thiện trong thời gian sớm.

(tổng hợp)