Một tàu ngầm được đóng tại Nhà máy đóng tàu Tsoying, Đài Loan. (Nguồn: AFP) |
Cơ quan phụ trách quốc phòng của Đài Loan vừa công bố ngân sách tài khóa 2016. Theo đó, lãnh thổ này sẽ chi 3 tỷ Đài tệ (khoảng trên 90 triệu USD) để thực hiện chương trình tự đóng tàu ngầm chạy bằng điện-diesel trong vòng 4 năm.
Kế hoạch này bắt đầu được triển khai từ 2016 và kéo dài đến năm 2019. Năm 2016, Cơ quan quốc phòng của đảo này sẽ giải ngân khoảng 16,1% số kinh phí trên, tỷ lệ lớn nhất từ trước đến nay trên tổng chi ngân sách Đài Loan.
Đây là khoản chi đầu tiên cho kế hoạch từng được nhắc tới từ đầu những năm 2000, khi thương vụ Đài Loan mua 8 tàu ngầm chạy bằng điện-diesel của Mỹ gặp khó khăn do những vấn đề về kỹ thuật và chính trị.
Trong giai đoạn 1, do thiếu đội ngũ thiết kế tàu ngầm, Đài Loan sẽ chú trọng vào việc nâng cao năng lực thiết kế, cũng như mua quyền sở hữu trí tuệ. Theo các nguồn tin, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghiệp đóng tàu và đại dương (SOIC) có thể sẽ được lựa chọn cho giai đoạn thiết kế. Giao đoạn 2 là giai đoạn đi vào sản xuất.
Chương trình đóng tàu ngầm của Đài Loan được thực hiện trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đang tăng cường phát triển đội tàu ngầm, hiện đại hóa hải quân. Vấn đề cốt lõi của chương trình đóng tàu ngầm của Đài Loan là việc chuyển giao công nghệ từ Mỹ và các nước phương Tây. Sự hỗ trợ hay xuất khẩu công nghệ từ các công ty của Mỹ cần phải được Chính phủ Mỹ đồng ý. Trong khi đó, Trung Quốc phản đối bất kỳ hình thức chuyển giao công nghệ hay bán vũ khí nào cho Đài Loan.
Vùng lãnh thổ này hiện có 4 tàu ngầm thế hệ cũ trong thời Thế chiến thứ 2.
Nguyên Dũng (tổng hợp)