Đại sứ Mỹ tại Mexico Carlos Pascual- “nạn nhân” mới của Wikileak. |
Nhưng không chỉ có thế…
Không lâu sau khi ông PJ Crowley từ chức Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ vì phát biểu chỉ trích vụ ngược đãi binh nhì Bradley Manning, người bị tình nghi cung cấp tài liệu cho WikiLeaks, Đại sứ Mỹ tại Mexico cũng nộp đơn từ nhiệm vì những công điện ngoại giao mật mà trang web này tiết lộ…
Quyết định bất ngờ
Ngày 17/3, ông Mark Toner, Quyền Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết rằng "chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào Đại sứ của chúng tôi", ám chỉ Đại sứ Mỹ tại Mexico, ông Carlos Pascual. Khoảng 48 tiếng sau, Ngoại trưởng Hillary Clinton đã thông báo chấp thuận đơn từ chức của ông Carlos Pascual mặc dù bà “rất lấy làm tiếc”.
Ngoại trưởng Hillary cho biết, trong một năm rưỡi qua, Đại sứ Pascual là kiến trúc sư và người cổ vũ cho mối quan hệ giữa Mỹ và Mexico, thay mặt Tổng thống và chính quyền để đưa ra các chính sách một cách có hiệu quả. Ông đã kết nối doanh nghiệp Mỹ và Mexico để xây dựng thị trường, giúp Mexico trở thành điểm đến của các nhà xuất khẩu Mỹ.
Thông báo trên quả là một sự ngạc nhiên bởi Tổng thống Obama hiện đang tiến hành chuyến thăm 5 ngày tới Mỹ Latinh nhằm thắt chặt quan hệ với khu vực này. Tình láng giềng Mỹ - Mexico được cho là nồng ấm khi hai bên đều hài lòng về quan hệ kinh tế và sự hợp tác chặt chẽ trong các vấn đề an ninh. Hơn 1 tỷ USD của Mỹ đã rót vào các lực lượng chống ma túy của Mexico.
Cơn giận dữ của Tổng thống
Tuy nhiên, một cuộc chiến ngoại giao đã nổ ra sau khi WikiLeaks đăng tải một số công điện ngoại giao mật do Đại sứ Pascual ký tên. Trong đó, ông đặt nghi vấn về khả năng của các lực lượng an ninh Mexico trong cuộc đấu tranh chống các băng đảng ma túy trong nước, khi mà tổng số người chết do bạo lực liên quan đến ma túy đã vượt qua con số 36.000 trong bốn năm cầm quyền của Tổng thống Felipe Calderon. Nhà ngoại giao 51 tuổi này đã mô tả quân đội và cảnh sát Mexico là các lực lượng không hiệu quả, tham nhũng, tranh giành nội bộ và chỉ dựa vào Mỹ để hoạt động.
Dù thực tế là thế nào thì cái cách "nói xấu" kiểu đó của người đại diện Tổng thống Mỹ ngay tại nước mình xem ra không làm vừa lòng ông Calderon chút nào. Trong một phỏng vấn trên báo chí ngày 22/2, Tổng thống tức giận nói rằng ông Pascual đã thể hiện "sự không biết gì" và xuyên tạc những gì đang xảy ra ở Mexico.
Khi được hỏi liệu Tổng thống Mexico có mất niềm tin ở ông Pascual, ông Calderon trả lời "Xây dựng thật là khó khăn và đánh mất thật dễ dàng". Còn khả năng ông có thể tiếp tục làm việc với Pascual hay không thì vẫn bỏ ngỏ, "có thể tôi sẽ nói về vấn đề này với Tổng thống Obama". Dễ hiểu vì sao trong chuyến thăm một ngày tới Washington đầu tháng 3, việc cách chức ông Pascual được cho là một chủ đề trong cuộc đối thoại giữa Tổng thống Calderon và người đồng cấp chủ nhà.
Nạn nhân cao cấp
Theo giới truyền thông, Tổng thống Calderon không mấy thiện cảm với nhà ngoại giao Mỹ gốc Cuba này còn bởi gần đây, ông này đã bắt đầu hẹn hò với con gái của một nhân vật cấp cao trong Đảng Cách mạng Thể chế (PRI), đảng đối lập chính ở Mexico. Trong một công điện do ông Pascual ký năm 2009 có nhận xét "đảng PRI đang có uy lực" và gọi triển vọng giành chiến thắng của Đảng bảo thủ Hành động Quốc gia (PAN) cầm quyền trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm tới là "ảm đạm".
Như vậy, ông Pascual là đại sứ đầu tiên từ chức dưới thời Tổng thống Obama và có lẽ là nạn nhân cao cấp nhất của bê bối WikiLeaks tính đến thời điểm này. Theo Ngoại trưởng Mỹ, quyết định từ chức được dựa trên nguyện vọng cá nhân của ông Pascual nhằm bảo đảm mối quan hệ mạnh mẽ Mỹ - Mexico và tránh những vấn đề do Tổng thống Felipe Calderon nêu lên có thể ảnh hưởng tới lợi ích song phương.
Văn phòng Tổng thống Calderon cho biết hôm 19/3 rằng quan hệ Mexcio và Mỹ vẫn duy trì sự vững chắc và hai nước sẽ tiếp tục cùng hợp tác để thắt chặt mối quan hệ "láng giềng và bạn bè". Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng liên minh này đang có dấu hiệu rạn nứt do bê bối WikiLeaks này và thất bại của Washington trong việc ngăn chặn buôn bán vũ khí bất hợp pháp vào Mexico. Vụ một viên chức liên bang phụ trách về di trú và hải quan Mỹ bị bắn chết trong một vụ tấn công tại bang San Luis Potosi "khi đang thi hành nhiệm vụ" hồi tháng trước cũng làm cho quan hệ hai nước trở nên căng thẳng.
Hồng Phúc
Là cử nhân trường Đại học Stanford, thạc sỹ chính sách công ở Trường Kennedy School of Government của Đại học Harvard, ông Pascual đã phục vụ 23 năm ở Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID). Ông từng là Giám đốc cấp cao NSC ở Nga, Ukraine và khối Eurasia; Đại sứ Mỹ tại Ukraine; Phó Chủ tịch và Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chính sách đối ngoại ở Viện Brookings. |